Hà Nội: Phòng công chứng số 5 “cửa đóng then cài” trong giờ hành chính

Thái Tôn| 16/06/2017 17:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù trong giờ hành chính, nhưng Văn phòng Công chứng số 5 - Sở Tư pháp Hà Nội tại Khu đường 2, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã “cửa đóng then cài”.

Sáng 16/06/2017 vào thời điểm 9 -10h, phóng viên báo Công lý liên tục nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân về việc họ đến Văn phòng Công chứng số 5 - Sở Tư pháp Hà Nội làm các thủ tục công chứng nhưng Văn phòng này đóng cửa không làm việc. Sau nhiều lần gọi cửa và chờ đợi, người dân được một người ở đây cho biết: “Cả Văn phòng hôm nay đóng cửa đi nghỉ mát hết rồi!?".

Hà Nội: Phòng công chứng số 5 “cửa đóng then cài” trong giờ hành chính

Thời gian làm việc ghi rõ trên bảng tại VP Công chứng số 5

Anh Nguyễn Văn H bày tỏ thái độ vô cùng bức xúc: “Năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính" vậy mà trong giờ làm việc hành chính một văn phòng công chứng của Nhà nước thuộc Sở Tư pháp Hà Nội lại không thấy có một bóng người nào là sao? Sự vô trách nhiệm này của Văn phòng Công chứng số 5 đã gây nhiều khó khăn cho công dân chúng tôi. Tôi ở tận sân bay Nội Bài xuống đây công chứng một số giấy tờ quan trọng và rất cần gấp, giờ nhỡ hết cả việc".

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên đã tiến hành xác minh thông tin, ghi nhận thực tế thời điểm 10h30 phút tại Văn phòng Công chứng số 5 đóng cửa không có người làm việc. Buổi chiều, 14h30 PV quay lại Văn phòng Công chứng số 5 vẫn không có gì thay đổi với thời điểm ban sáng, phòng công chứng vẫn đóng cửa “im ỉm”.

Để tránh bức xúc cho người dân, Sở Tư pháp, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội cần sớm vào cuộc kiểm tra, có hình thức xử lý nghiêm đối với phòng Công chứng số 5 - Sở Tư pháp Hà Nội.

Hà Nội: Phòng công chứng số 5 “cửa đóng then cài” trong giờ hành chính

Văn phòng Công chứng số 5 "cửa đóng then cài" trong giờ làm việc

Theo Chỉ thị Số: 01/CT-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc tổ chức thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” nêu rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đúng các quy trình, quy chế làm việc, nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; thực hiện quy tắc, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

d) Quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; thực hiện văn hóa công sở; khắc phục tình trạng không rõ trách nhiệm trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, bộ phận tiếp công dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan và phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

đ) Thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện đầy đủ quy định về đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá nơi công sở, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý chịu trách nhiệm liên đới khi để cấp dưới trực tiếp có hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, nếp sống văn hóa.

e) Tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở; có các hình thức khen thưởng, động viên, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý, kỷ luật nghiêm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm; kiên quyết thực hiện tinh giản số cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phòng công chứng số 5 “cửa đóng then cài” trong giờ hành chính