Dự án Summit Building: Rủi ro rình rập người tham gia giao thông

PV| 17/03/2018 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một cần trục tháp với cánh tay thép dài hàng chục mét “treo” giữa trời, tại một trong những ngã tư lớn nhất của Thủ đô khiến người tham gia giao thông lo sợ vì nguy hiểm rình rập.

Báo Công lý nhận được thông tin phản ánh của bạn đọc về tình trạng đơn vị thi công dự án Summit Building tại 216 Trần Duy Hưng ngang nhiên để cần trục tháp với cánh tay thép dài hàng chục mét vắt ngang đường Trần Duy Hưng, quay mòng mòng ngay trên đầu người tham gia giao thông tại ngã tư huyết mạch của Hà Nội: Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long khiến người dân mỗi lần qua đây phải rùng mình sợ hãi.

Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, phóng viên (PV) đã tới dự án Summit Building Trần Duy Hưng để xác minh thông tin và có những hình ảnh ghi nhận tại công trình.

Dự án Summit Building: Rủi ro rình rập người tham gia giao thông

"Cánh tay thép" dài hàng chục mét của cần trục tháp vắt ngang đường Trần Duy Hưng, “lơ lửng” trên đầu người đi đường.

Theo ghi nhận của PV tại thời điểm 18h ngày 13/03/2018 ngã tư đường Trần Duy Hưng – Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Đại lộ Thăng Long mật độ người tham gia giao đông dày đặc. Cần trục tháp có gắn logo LICOGI13-FC với cánh tay thép dài hàng chục mét tại dự án Summit Building đang chĩa ngang đường Trần Duy Hưng, quay ngay trên đầu người dân, khoảng cách rất gần đối với những người đi trên cầu vượt. Phạm vi hoạt động của cánh tay thép cần trục tháp hướng ra ngã tư rất lớn, gần như toàn bộ cánh tay thép dài hàng chục mét đều hướng ra phía đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, đe dọa tính mạng của người tham gia giao thông.

Một người dân sống gần dự án xin được giấu tên cho biết: “Hàng ngày tôi thường xuyên đi qua công trình này, mỗi lần chạy xe qua đây, ngước nhìn lên phía cẩu tháp đang hoạt động nằm ngang đường đi, quay qua quay lại trên đầu mà tôi sởn da gà, mong đèn xanh để phóng thật nhanh. Lỡ cần trục tháp xảy ra sự cố, bị gãy, rơi xuống thì không thể tưởng tượng được hậu quả khủng khiếp ra sao nữa”.

Dự án Summit Building: Rủi ro rình rập người tham gia giao thông

Cánh tay thép dài hàng chục mét của cần trục tháp có khoảng cách rất gần đối với những người đi trên cầu vượt gây nhiều lo sợ cho người tham gia giao thông

Summit Building Trần Duy Hưng là tổ hợp chung cư cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại do công ty THNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là công ty cổ phần LICOGI13 - Nền móng Xây dựng (LICOGI13-FC) và Công ty Cổ phần giải pháp tòa nhà thông minh. Tư vấn Giám sát là Trung tâm công nghệ xây dựng – Viện KHCN Xây dựng (IBST). 

Summit Building có tổng diện tích 2.375m2, được quy hoach thành 2 tòa tháp trong đó có 1 tòa văn phòng cao 8 tầng và 1 tòa chung cư cao 25 tầng. Từ tầng 1 – 5 là trung tâm thương mại, tầng 6 – 25 là tầng căn hộ cao cấp. Dự án là tổ hợp chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê hứa hẹn sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản trong năm 2018.

Được biết, Công ty cổ phần LICOGI13 - Nền móng Xây dựng (LICOGI13-FC), Công ty con trong hệ thống LICOGI13 nhà thầu của dự án Summit Building Trần Duy Hưng đã thi công xong gói thầu phần ngầm (cọc khoan nhồi và tường vây) có giá trị là 52.498.689.000 đồng, triển khai gói thầu thi công móng và tầng hầm, giá trị gói thầu là 56.903.056.000 đồng.

Trước đó, năm 2017 đã xảy ra không ít tai nạn do cẩu trục tháp gây ra, làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Đơn cử như vụ sập cần cẩu tháo dỡ gây tai nạn nghiêm trọng tại công trường xây dựng tòa nhà do Cty CP Xây dựng Vinaconex 3 làm chủ đầu tư, số 310 Minh Khai (P.Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng). Chiếc cần cẩu gãy đã cướp đi sinh mạng của 3 công nhân xây dựng, và 2 người bị thương. Ngày 02/4/2017, một chiếc cần cẩu đang thi công trên công trình xây dựng cao ốc văn phòng 28 tầng tại 198 Tây Sơn đã bỗng dưng đổ ập xuống 2 ngôi nhà số 30 và 32 ngách 178/1 phố Tây Sơn.

Ngoài ra còn hàng chục vụ tai nạn lao động liên quan đến việc xây dựng các công trình cao tầng ở Hà Nội trong thời gian vừa qua. Những công trình xây dựng giữa thủ đô với những chiếc cần cẩu khổng lồ, nặng đến hàng chục tấn, cao và dài đến cả trăm mét trở thành nỗi ám ảnh với mối nguy hiểm “lơ lửng” trên đầu. Vấn đề an toàn xây dựng, câu hỏi về quy chuẩn an toàn lao động dành cho một thiết bị có thể gây nguy hiểm như cần cẩu một lần nữa được đặt ra.

Được biết, từ năm 2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp cẩu trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó những công trình sử dụng tháp cẩu có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông và công trình lân cận thì chỉ cho phép hoạt động từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, đồng thời đảm bảo có đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có những công trình như Summit Building Trần Duy Hưng bất chấp ngày đêm, vô tư cẩu vật liệu xây dựng lửng lơ trên đầu người tham gia giao thông.

Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý vi phạm của các đơn vị liên quan đang thực hiện triển khai dự án Summit Building Trần Duy Hưng tránh tâm lý hoang mang, lo sợ của người tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Summit Building: Rủi ro rình rập người tham gia giao thông