Doanh nghiệp lao đao vì cách giải quyết của chính quyền

Trang Trần| 30/04/2019 06:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dự án Marina Complex đang triển khai đến giai đoạn cuối bỗng “dậy sóng” bởi dư luận với nhiều quan điểm trái chiều khiến chính quyền phải lên tiếng buộc tạm dừng. Đáng nói, đằng sau quyết định của chính quyền đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khốn đốn.

Tạm dừng dự án vì dư luận?

Dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) làm chủ đầu tư, có tên thương mại là Marina Complex, dự án đã được phê duyệt từ 10 năm trước.

Giữa tháng 4/2019, khi dự án đang triển khai đến giai đoạn cuối, dư luận, giới truyền thông ồ ạt đưa ra nhiều luồng thông tin, trong số đó có thông tin cho rằng “dự án Marina Complex lấn Sông Hàn” tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy... Trước luồng thông tin này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng lên tiếng khẳng định dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Doanh nghiệp lao đao vì cách giải quyết của chính quyền

Dự án Marina Complex tạm dừng triển khai để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý

Đáng nói, thời điểm dự án bắt đầu được triển khai, Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng đã thông báo một cách công khai nội dung: Dự án bất động sản và bến du thuyền Marina Complex nằm phía trong công trình kè đê sông Hàn và không ảnh hưởng đến bờ kè; không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là vào mùa lũ. Vấn đề này đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khảo sát địa chất và dòng chảy sông Hàn vào các mùa; thực hiện lấy ý kiến các đơn vị liên quan, trong đó có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trước khi đưa ra kết luận trên.

Tuy nhiên, trước vấn đề cũ được làm “nóng” lên bất ngờ này, ngày 17/4 Sở Xây dựng đã có thông cáo báo chí tái khẳng định dự án Marina Complex “không ảnh hưởng đến dòng chảy”. 

Vậy nhưng, vì “theo thông tin dư luận và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy” chỉ sau đó 2 ngày (tức ngày 19/4) UBND TP có Công văn số 2524/UBND-QLĐTh yêu cầu các Sở làm việc với chủ đầu tư dự án, tạm dừng dự án để “rà soát”. Câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao chính quyền TP Đà Nẵng lại tiền hậu bất nhất như vậy hay các khâu “rà soát” trước đó có vấn đề? Và, trước khi đưa ra quyết định “tạm dừng” chính quyền có nghĩ đến doanh nghiệp, đến những hậu quả mà doanh nghiệp phải đối mặt?.

Một vấn đề khó hiểu nữa từ chính quyền, đó là sau khi đưa ra thông báo “tạm dừng dự án để rà soát và tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các Bộ, ngành Trung ương...” thì Đà Nẵng đã giao Ủy ban mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) Thành phố là đơn vị chủ trì tổ chức rà soát trong khi các cơ quan chuyên môn lại không được giao.

Không chỉ vậy, theo Giấy mời họp mà UBMTTQ TP Đà Nẵng phát đi, thành phần dự họp Hội nghị phản biện dự án Marina Complex sẽ được tổ chức ngày 7/5/2019 không mời Chủ đầu tư dự án và Bộ NN&PTNT là đơn vị thẩm tra thiết kế…thực hiện thi công tuyến kè Mân Quang này, mà chỉ mời chủ yếu là các tổ chức, đoàn thể ở địa phương.

Không có đại diện các nhà khoa học Bộ Tài nguyên và Môi trường, nông nghiệp, thủy văn, thủy lợi, các Bộ, ngành Trung ương có chuyên môn thẩm định về dòng chảy của sông Hàn.... Câu hỏi đặt ra, khi các nhà khoa học dự Hội nghị đều là những người địa phương không trực tiếp tham gia trong hội đồng thẩm định, không có thông số kỹ thuật của dự án vậy liệu có cơ sở khoa học và khách quan hay không?

Doanh nghiệp điêu đứng

Bà Trương Thị Thêu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng cho biết: “Công ty chúng tôi chưa nhận được công văn chính thức nào từ Cơ quan ban ngành liên quan đến việc yêu cầu tạm dừng mà chỉ biết qua các kênh truyền thông.  Hiện công ty đã có các công văn kiến nghị gửi đến các cơ quan báo chí truyền thông nhằm có những đánh giá khách quan và thông tin chính xác về dự án”. 

Doanh nghiệp lao đao vì cách giải quyết của chính quyền

Công văn “tạm dừng dự án” của UBND TP Đà Nẵng gửi  các Sở, ban ngành

Theo bà Thêu, những thông tin như dự án lấn sông Hàn, phân lô, bán nền hay việc điều chỉnh dự án để có lợi cho doanh nghiệp là không đúng với thực tế. Bằng chứng, dự án đã qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Cụ thể, khi thực hiện dự án, Công ty đã cùng với chính quyền TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo hướng chấp nhận phần thiệt về phía Công ty và tốt hơn cho cộng đồng. Dự án được điều chỉnh giảm diện tích đất ở từ 7,9 ha xuống còn 4,7ha (giảm 3,2ha đất ở và tăng mật độ cây xanh); điều chỉnh giảm 7,3 ha mặt nước còn 1ha bến du thuyền; điều chỉnh tăng 1.047 m2 cây xanh (từ diện tích đất mở hàng rào của khu đô thị khép kín (có tường rào) thành khu đô thị mở (không tường rào).

Tổng chi phí đầu tư hạ tầng và cây xanh mà công ty phải đầu tư tăng từ 0,7ha thành 2,4ha, giao thông tăng từ 1,3ha lên 2,7ha nhưng diện tích sản phẩm đất ở được bán thì giảm 3,2ha, kéo thêm khoảng thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch đã gây nhiều thiệt hại cho công ty. Đây là các con số cụ thể chứng minh Chủ đầu tư đã tâm huyết và nhận thiệt qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch để dự án được tốt hơn chứ không vụ lợi, hoàn toàn không mang lại lợi nhiều hơn cho Công ty.

Việc phát sinh tăng 1.047 m2 đất cây xanh là phát sinh từ việc điều chỉnh quy hoạch mở hàng rào của khu đô thị khép kín (có tường rào) thành khu đô thị mở (không tường rào) như nêu ở trên. Diện tích 1.047 m2 này chưa xác định được giá đất để tính tiền sử dụng đất, hoặc dùng đất đó làm cây xanh là đang trong quá trình cân nhắc của UBND TP...

“Doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện dự án, nay bị dừng khiến tiền đầu tư bắt đầu bị kẹt tại dự án. Không chỉ vậy, sự việc này đã gây ra hoang mang cho khách hàng của Công ty, có nhiều khách hàng đã dùng sức ép với chúng tôi và yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng và phạt bồi thường. Uy tín cũng như hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Hơn nữa công ty đang triển khai thi công hoàn thiện dự án, việc tạm dừng gây ra nhiều tổn thất và ảnh hưởng đến lớn tiến độ thực hiện dự án. Thiệt hại của công ty là vô cùng lớn...”, bà Thêu cho biết.

Theo đại diện Công ty, nếu thực sự quan tâm đến dòng chảy sông Hàn và tác động môi trường của việc quy hoạch và phát triển các khu đô thị bên bờ sông thì cần thiết phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch chung và quy hoạch của các dự án đang triển khai, không thể chỉ nhằm vào dự án Marina Complex.  Vì vậy, công ty mong lãnh đạo thành phố xem xét sự việc một cách thận trọng, khách quan, tôn trọng pháp luật, bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh ngay tình, hợp pháp. Đặc biệt là phải đối xử công bằng với mọi doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, việc lắng nghe dư luận là một việc làm cần thiết của chính quyền sở tại, tuy nhiên cần đánh giá khách quan đồng thời có những giải pháp giải quyết thấu đáo nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Qua đó, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới với những dự án mới vì sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của TP Đà Nẵng trong tương lai.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp lao đao vì cách giải quyết của chính quyền