Dân lo vì sống dưới thủy điện: Bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí?

Thanh Phương| 21/04/2019 13:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo UBND huyện Mai Châu (Hòa Bình) thừa nhận, việc xây dựng, vận hành thủy điện So Lo 1 và So Lo 2 ảnh hưởng tới đời sống của người dân xã Phúc Sạn là có thật. Huyện đã đề nghị bố trí tái định cư cho dân nhưng chưa có kinh phí.

Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Nguyễn Quang Thắng cho biết: Thủy điện So Lo 1 đi vào hoạt động năm 2006 và thủy điện So Lo 2 hoạt động 2013 do Công ty CP thủy điện Mai Châu là chủ đầu tư. Đơn vị nộp thuế vào ngân sách huyện đứng thứ 3 và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên quá trình xây dựng, vận hành của 2 nhà máy thủy điện có một số bất cập, ảnh hưởng tới đời sống người dân xã Phúc Sạn là đúng thực tế. Sự cố lớn nhất diễn ra vào năm 2017 khi khu vực này có mưa lớn, thủy điện lại không kịp thời xả lũ dẫn tới ngập và cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Huyện cũng chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã kiểm kê, hỗ trợ cho những gia đình bị thiệt hại.

Tập tục của người dân là xây dựng, làm nhà đều dọc bờ sông, suối nên tiềm ẩn nguy cơ bị xói mòn, sạt lở rất cao. Kể cả không có thủy điện thì mỗi khi nước lũ lên cũng dễ xảy ra sạt trượt, cuốn trôi nhà cửa. Về lâu dài, huyện đã báo cáo, trình cấp trên xây dựng khu tái định cư cho người dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng của thủy điện. Dù đã được phê duyệt nhưng do chưa có kinh phí nên người dân chưa thể chuyển đi được. Còn phía thủy điện khi vận hành, xả lũ phải có còi hiệu, thông báo cho chính quyền địa phương và người dân biết.

Theo ông Thắng: "Trên cơ sở các thông tin báo chí phản ánh, huyện sẽ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm việc vận hành đúng quy định, giao chính quyền địa phương tổ chức giám sát. Những cái gì chủ đầu tư hứa với người dân sẽ phải có phương án, lộ trình cụ thể để thực hiện".

Dân lo vì sống dưới thủy điện: Bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí?

Nhiều hộ dân thuộc diện phải bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí

Ông Nguyễn Xuân Hiếu, Trưởng phòng Hành chính tổ chức- Đối ngoại Công ty CP thủy điện Mai Châu thừa nhận: “Khi tiến hành xây dựng thủy điện đơn vị có hứa với người dân về xây dựng một số hạng mục công trình công cộng như nhà văn hóa, sân bóng, làm đường… tuy nhiên do ảnh hưởng bởi thiên tai đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính nên chưa thực hiện được. Quá trình vận hành, xả lũ của công ty thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Vì thủy điện khai thác bề nước mặt chứ không phải xây đập tích nước nên việc xói lở dọc bờ sông là quá trình diễn ra tự nhiên. Chính quyền các cấp cần sớm bố trí nguồn kinh phí, quỹ đất để di chuyển các hộ dân nằm ven suối tới khu tái định cư đảm bảo an toàn”.

Dân lo vì sống dưới thủy điện: Bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí?

Đường giao thông tại bản Sạn bị xói lở nghiêm trọng

Trước đó, báo Công lý đã có bài phản ánh, nhiều năm qua, người dân địa bàn bản So Lo và bản Sạn xã Phúc Sạn (huyện huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) liên tục kêu cứu về việc thủy điện So Lo 1, So Lo 2 đang hoạt động gây ảnh hướng lớn đến đời sống, nhà cửa, tính mạng của mình.

Nguyên nhân khiến người dân phải kêu cứu là bởi họ đang sống dưới đập tích nước của nhà máy thủy điện. Vào mùa mưa, thủy điện xả nước từ trên đập xuống làm xói mòn, sạt lở đến hoa mùa, đường giao thông, nền nhà của các hộ dân sinh sống ven suối.

Dân lo vì sống dưới thủy điện: Bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí?

Chỉ đạo của UBND huyện Mai Châu

Theo quan sát của PV, con suối ngay dưới chân thủy điện chỉ còn trơ lại đá lổn nhổn. Phía nhà máy thủy điện còn làm bức ngăn bê tông để nắn dòng chảy về phía bắc khiến dòng nước chảy xiết hơn. Cả một đoạn đường bê tông bị cuốn hết phần chân, sẵn sàng sập xuống bất kỳ khi nào. Cách đó không xa, những móng nhà của dân cũng bị cạo sát chân, với sức xói mòn như hiện nay thì chẳng mấy chốc những ngôi nhà này sẽ nằm dưới lòng suối.

Ông Bùi Văn Dương, 69 tuổi trú tại thôn Sạn bức xúc: “Từ ngày có thủy điện ở đây, dân chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Họ xả lũ không có giờ giấc, nước chảy xiết và bị thay đổi dòng chảy nên đất đai bị sạt lở hết. Lãnh đạo thủy điện cứ hứa hẹn xuống dân xem xét tình hình để bàn cách giải quyết, nhưng mấy năm nay họ chỉ hứa rồi để đó, còn nỗi lo của dân họ mặc kệ".

Dân lo vì sống dưới thủy điện: Bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí?

Văn bản của tỉnh Hòa Bình về bố trí tái định cư nhưng chưa thực hiện được

Trước khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư, cơ quan chức năng phải tính toán, tham vấn ý kiến của người dân địa phương. Những hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng thì phải kiểm kê, bồi thường, bố trí di dời lên vùng an toàn. Quá trình hoạt động, vận hành phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, khi xả lũ phải có thông báo, còi báo hiệu để người dân chủ động ứng phó.

Bản Sạn có 56 hộ, hơn 250 nhân khẩu, còn bản So Lo có 67 hộ, 255 nhân khẩu, cứ mỗi khi vào mùa mưa là họ phải chuẩn bị tâm thế chạy lũ thủy điện. Tháng 10/2017, do mưa to, thủy điện lại xả lũ làm nhiều nhà dân ở ven suối bị ngập đến cột nhà. Một “quả bom nổ chậm” mà người dân lo lắng hơn là thủy điện So Lo 1 xây đập tích nước để xả vào nhà máy ngay trên đầu bản, hiện đập đã xuống cấp. Mùa mưa bão đang đến gần, các cơ quan chức năng huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cần sớm vào cuộc yêu cầu chủ đầu tư của 2 nhà máy thủy điện tuân thủ việc tích nước, vận hành, thông báo cho người dân biết trước khi xả lũ để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, kiểm tra đập chứa nước để có phương án nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Sớm xem xét, giải quyết kiến nghị chính đáng của người dân. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân lo vì sống dưới thủy điện: Bố trí tái định cư nhưng chưa có kinh phí?