Dai dẳng nỗi đau từ một vụ tai nạn giao thông tại Phú Yên

Nhóm PV| 12/09/2017 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ tai nạn giao thông xảy ra với ông Nguyễn Văn Cần và Nguyễn Văn Bình ở Phú Yên từ đầu năm 2012 do người lái ô tô là ông Y Thông, đại biểu Quốc hội khóa XIII gây ra khiến dư luận khi đó xôn xao. Đến nay, vết thương của hai ông vẫn chưa lành.

Trước đó, khoảng 18 giờ ngày 2/1/2012, trên quốc lộ 29 đoạn qua xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (Phú Yên) xe du lịch do ông Y Thông điều khiển đã va chạm với xe máy do ông Nguyễn Văn Bình điều khiển. Sau khi xảy ra tai nạn, vợ chồng ông Y Thông không dừng lại mà lái xe chạy luôn. Rất may cho ông Cần và ông Bình khi sự việc xảy ra có hai vợ chồng cùng thôn chạy xe máy đuổi theo chiếc ô tô gây tai nạn và kịp ghi được biển số xe, sau đó báo cơ quan Công an.

Cú va đập mạnh khiến ông Cần gãy ba vị trí ở chân trái, vỡ bánh chè; còn ông Bình bị dập nát mu bàn tay trái. Cũng từ đây, công cuộc cứu chữa cho ông Cần và ông Bình không chỉ có nhiều gian truân, khó khăn về tiền bạc, kinh tế mà còn để lại di chứng, tật nguyền đến suốt phần đời còn lại.

Dai dẳng nỗi đau từ một vụ tai nạn giao thông tại Phú Yên

Sau tai nạn gia đình ông Cần đã khó lại càng khó hơn vì ông bị thương tật

Ông Y Thông khi ấy là đại biểu Quốc hội khóa XIII, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, là Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Trao đổi với báo chí sau khi gây tai nạn, ông Y Thông cho biết: “Đây là chuyện xui xẻo. Khi đó, tôi đang lái xe thì một người chạy xe máy tông vào bên hông xe tôi làm vỡ kính chiếu hậu, do đó tôi không quan sát được phía sau. Tôi giảm ga, hạ cửa kính, nhìn lại nhưng cũng không thấy gì nên chạy luôn. Sáng hôm sau, có anh em Công an đến hỏi, tôi cũng nói tối qua tôi có va chạm xe”. 

Lý do vì sao ông không dừng xe lại để kiểm tra xem có người bị nạn hay không, ông Y Thông giải thích: “Lúc này, tôi nghĩ người điều khiển xe máy va chạm làm hư xe tôi, họ sợ đền bù nên đã chạy đi luôn, chứ tôi không phải bỏ chạy”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình nói chiếc xe du lịch chạy chiều ngược lại lách ổ gà, lấn sang phần đường bên trái tông vào xe ông. Cú tông hất chiếc xe máy ngã ra xa nên người lái xe du lịch không thể không thấy. Ông Bình cho biết hai ngày sau vụ tai nạn, vợ ông Y Thông có đến thăm hỏi và đưa một số tiền nhỏ cho các nạn nhân để đóng viện phí và mang tờ giấy bãi nại viết sẵn đến nhờ ký vào. “Bà ấy nói do gặp xui nên mong chúng tôi thông cảm” - ông Bình cho hay.

Dai dẳng nỗi đau từ một vụ tai nạn giao thông tại Phú Yên

Căn nhà tình thương của gia đình ông Cần xuống cấp từ lâu

Tuy nhiên, những người bị nạn đã ký vào giấy bãi nại mà họ không hiểu những hậu quả khôn lường về sức khỏe của mình sau này. Sau tai nạn, chân ông Cần không co, duỗi và đi lại bình thường được, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Ông cũng không thể lao động kiếm tiền nuôi gia đình được như trước. Ông phải nhờ anh Lộc, cháu họ chở lên thành phố Tuy Hòa bán vé số, đậu phộng kiếm sống qua ngày và giúp đỡ phần nào cho người thân trong gia đình ông. Còn ông Bình thì may mắn hơn, bị nhẹ hơn, nhưng cũng mang thương tật từ bàn tay bị nạn, các ngón tay cứ thẳng đơ, không cầm nắm được vật gì.

Chúng tôi đến thăm ông Cần trong căn nhà tình thương rộng khoảng 20 m2, được chính quyền xã Hòa Phong xây hỗ trợ từ năm 2012. Trong căn nhà đấy, hai vợ chồng ông Cần cùng chị gái và cô em kế ông bị bệnh nương tựa vào nhau sống ở vùng quê nghèo. Trước khi bị tai nạn, ông Cần còn đi làm các công việc lao động phổ thông như phụ hồ để kiếm thêm thu nhập nuôi gia đình. Sau tai nạn, cuộc sống của 4 con người bước vào tuổi ngũ tuần này đã khó lại càng khó hơn. Thu nhập của họ ngoài tiền phụ cấp khuyết tật, không có gì khác ngoài tiền bán vé số, đậu phộng của ông Cần và bà vợ cả ngày sống trên bãi rác nhặt những đồ gì có thể bán được để phụ giúp gia đình.

Giờ đây người bị nạn sống trong cảnh nghèo khó, thương tật, thấy vậy thỉnh thoảng chòm xóm láng giềng hay các phật tử ở ngôi chùa gần làng có giúp đỡ nhưng cũng chỉ phần nào. Bởi, lao động chính là ông Cần thì bị tật nguyền một chân, đi lại còn khó khăn chứ nói gì đến lao động.

Trao đổi với PV qua điện thoại về vụ việc, ông Y Thông cho biết, vụ tai nạn xảy ra đã lâu và hiện nay ông đã chuyển công tác về làm chuyên trách tại Ban chỉ đạo Tây Nguyên được vài tháng. Được biết, trước đó ông có ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên nhưng không trúng cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dai dẳng nỗi đau từ một vụ tai nạn giao thông tại Phú Yên