Công ty Linh Đạt kiện quyết định của Cục An toàn thực phẩm

Tống Toàn| 18/03/2019 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho rằng quyết định xử lý vi phạm hành chính của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Dược phẩm Linh Đạt (Công ty Linh Đạt) đã khởi kiện cơ quan này ra TAND tỉnh Hưng Yên.

Trao đổi với PV Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Đồng Dực, TAND tỉnh Hưng Yên xác nhận đã thụ lý vụ án hành chính nói trên. Theo vụ án số 02/2019/TLST-HC, người khởi kiện là Công ty Cổ phần Dược phẩm Linh Đạt (xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) và người bị kiện là Cục An toàn thực phẩm, đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 13/QĐ-XPVPHC ngày 31/1/2019 do ông Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Đỗ Hữu Tuấn ký đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với Công ty Linh Đạt.

Công ty Linh Đạt kiện quyết định của Cục An toàn thực phẩm

Thông báo của Cục An toàn thực phẩm về việc nhận đơn khiếu nại của Công ty Linh Đạt

Cụ thể, đơn vị này đã xử phạt Công ty Linh Đạt 287.876.035 đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Bán sản phẩm, hàng hóa là 2 lô sản phẩm bảo vệ sức khỏe Rasmuseld hoạt huyết dưỡng não, số lô 360318, NXS: 08/03/2018, HSD: 07/03/2021; lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kezakol, số lô 1440317, NSX: 31/03/2017, HSD: 30/3/2020 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc Công ty Linh Đạt thu hồi và tiêu hủy 2 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói trên.

Tuy nhiên, trong đơn khởi kiện, Công ty Linh Đạt cho rằng, Quyết định số 13 của Cục An toàn thực phẩm đã xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Vì vậy, Công ty đề nghị TAND tỉnh Hưng Yên hủy toàn bộ Quyết định số 13 vì hai lý do: Thứ nhất, liên quan đến kết quả kiểm nghiệm mẫu sản phẩm, Công ty Linh Đạt chỉ nhận được Thông báo số 4575/TB ngày 6/9/2018 của Cục An toàn thực phẩm với nội dung kết quả kiểm nghiệm mẫu thử sản phẩm của Công ty không đạt yêu cầu chất lượng. Công ty khẳng định không nhận được bất kỳ hồ sơ tài liệu phân tích mẫu chuyên môn của đơn vị kiểm nghiệm.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 9, Điều 20 Nghị định 119/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc thu hồi để tái chế sản phẩm, hàng hóa hoặc tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng và môi trường đối với vi phạm quy định tại các Điều 5, 6 và 7 điều này”.

Như vậy, điều kiện để tiêu hủy sản phẩm vi phạm phải “gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường”. Tuy nhiên, Công ty Linh Đạt thấy rằng các lô sản phẩm của doanh nghiệp không hề gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Công ty Linh Đạt kiện quyết định của Cục An toàn thực phẩm

Một số sản phẩm của Công ty Linh Đạt

Cụ thể (xin trích đơn khởi kiện): Đối với lô hàng Rasmuseld, sản phẩm này có các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt yêu cầu, chỉ tiêu khối lượng sản phẩm đăng ký 1.200 mg+/- 10%, thực tế khối lượng sản phẩm đạt 1.415, cao hơn khối lượng đăng ký 95 mg (8%). Sự chênh lệch khối lượng sản phẩm thực tế và sản phẩm công bố là 95mg. Tuy nhiên, tỷ lệ và thành phần dưỡng chất không thay đổi. Điều này hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe con người.

Đối với sản phẩm Kezakold: Trong trường hợp, việc định lượng của cơ quan kiểm nghiệm là đúng, sản phẩm có hàm lượng Ca++ tuy có cao hơn trong hồ sơ công bố, nhưng cũng không hề gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Mặt khác, dù sản phẩm có hàm lượng Ca++ tuy có cao hơn trong hồ sơ công bố, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 6,2% nhu cầu bổ sung hàng ngày của trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và chỉ đáp ứng 1,4% nhu cầu bổ sung hàng ngày của bà mẹ đang cho con bú theo khuyến cáo tại Phụ lục 1 Thông tư 43/2014/TT- BYT nên không hề ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hơn nữa, tại Phụ lục 2 Thông tư 43 quy định về ngưỡng dung nạp tối đa. Theo đó, ngưỡng dung nạp tối đa là liều lượng tối đa một loại vi chất cơ thể có thể hấp thu mà không gây độc hoặc tổn hại cho sức khỏe. Tại phụ lục này không quy định về ngưỡng dung nạp tối đa của Ca++, tức là không có đủ cơ sở khoa học và quy định pháp luật để khẳng định hàm lượng Ca.gluconate ở mức 1 mg/viên khi dung nạp vào cơ thể sẽ gây độc hoặc tổn hại cho sức khỏe con người...

Vì lẽ đó, Công ty Linh Đạt khẳng định, trong hồ sơ tài liệu doanh nghiệp nhận được, Cục An toàn thực phẩm không đưa ra được cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý chứng minh việc hàm lượng chất vượt quá với công bố này gây hại cho sức khỏe con người. Trên thực tế, chưa có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào bị thiệt hại do hàm lượng vi chất vượt quá với tiêu chuẩn đã công bố của Công ty Linh Đạt.

Được biết, đây là vụ án hành chính thứ hai doanh nghiệp khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước Trung ương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trước đó, doanh nghiệp tư nhân Đức Quyết (xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã khởi kiện Tổng cục Hải quan ra quyết định thu giữ 123,1 tấn đồng phế liệu của doanh nghiệp. Sau đó, cả hai cấp sơ, phúc thẩm là TAND tỉnh Hưng Yên và TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Hải quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Linh Đạt kiện quyết định của Cục An toàn thực phẩm