Chứng minh được nguồn gốc hàng hóa vẫn bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu

Như Loan| 11/07/2017 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế đã xuất trình được hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho. Sau đó Công ty Bilico đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc lô hàng nhưng vẫn bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu.

Trong đơn gửi các cơ quan báo chí, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thiết bị Bilico (tổ 22, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ngày 12/01/2017, trong quá trình vận 6 chiếc bình lọc Minder D900mm; 6 chiếc van 2’’ Minder đứng và một số sản phẩm khác cho một khách hàng tại TP.HCM, khi qua địa phận tỉnh Bình Thuận thì lái xe Hà Mạnh Hùng nhận được lệnh dừng xe kiểm tra của Đội QLTT số 7  Chi cục Quản lý thị trường Bình Thuận.

Chứng minh được nguồn gốc hàng hóa vẫn bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu

Đơn kêu cứu của Công ty Bilico

Tại đây, ông Hùng đã xuất trình hồ sơ, chứng từ gồm bản gốc Hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho bán hàng của Công ty Bilico. Tuy nhiên, toàn bộ số hàng trên vẫn bị tạm giữ để xác minh vì nghi là hàng nhập lậu.

Khi phát hiện lô hàng bị tạm giữ, ngày 13/1, Công ty Bilico đã trình Công văn giải trình số 0101/CV-2017 về toàn bộ số hàng hóa trên. Đồng thời ngày 14/1, Công ty đã cử ông Trần Quang Hậu đại diện Công ty làm việc với Đội Quản lý thị trường số 7 (tỉnh Bình Thuận).

Tại buổi làm việc, ông Hậu xuất trình các hóa đơn chứng từ nhập khẩu chứng minh tính hợp pháp của lô hàng theo quy định của pháp luật. Tiếp đến, ngày 18/1, ông Hậu tiếp tục lên làm việc và xuất trình bổ sung giấy tờ liên quan. Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 7 lập Biên bản vi phạm hành chính số 0049971.

“Dù công ty đã khẩn trương cung cấp các hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng trên nhưng không hiểu sao ngày 16/2/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lại ra Quyết định số 433/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Bilico về hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tiến hành xử phạt hành chính. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu lô hàng”, ông Bình bức xúc.

Theo ông Bình, Quyết định 433 rất mâu thuẫn với phụ lục biên bản số 0034140. Cụ thể, phụ lục biên bản số 0034140 có ghi nội dung: Tại thời điểm kiểm tra ông Hùng (lái xe) có xuất trình 01 Hợp đồng mua bán và 01 Phiếu xuất kho bán hàng ngày 09/01/2017 là bản chính có đóng dấu của Công ty Bilico. Do đó, Đội Quản lý thị trường số 7 không có đủ căn cứ và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi cố ý vận chuyển hàng nhập lậu. Thế nhưng, không hiểu sao Quyết định 433 do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký lại quy kết lô hàng trên là hàng nhập lậu?

Trước Quyết định này của UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 19/2, Công ty Bilico đã có đơn khiếu nại. Sau đó, ngày 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra Quyết định giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại.

“Phía doanh nghiệp đã cử đại diện vào cung cấp cho tổ xác minh các hóa đơn GTGT và tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan) bản chính đối với lô hàng bị tịch thu theo Quyết định số 433 để tổ xác minh đối chiếu hồ sơ. Biên bản làm việc cùng tổ xác minh vào hồi 14h30 ngày 12/04/2017 tại Sở Công thương Bình Thuận đã khẳng định tất cả các mặt hàng của lô hàng bị bắt giữ không phải hàng hóa nhập lậu, toàn bộ lô hàng có đầy đủ chứng từ chứng minh các mặt hàng đó là hàng hóa nhập khẩu hợp pháp và đã được thông quan tại các tờ khai nhập khẩu. Dù vậy, kể từ ngày có đơn khiếu nại đến nay, Công ty Bilico vẫn chưa nhận được câu trả lời từ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận”, ông Bình bức xúc.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý xoay quanh vụ việc này, Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 94/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển, đang bày bán, để tại kho, bến, bãi, điểm tập kết (trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) thì cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định của pháp luật và Thông tư này ngay tại thời điểm kiểm tra”.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, khi bị kiểm tra, lái xe đã xuất trình hồ sơ, chứng từ gồm bản gốc Hợp đồng mua bán, phiếu xuất kho bán hàng. Sau đó, phía Công ty Bilico đã xuất trình được các hồ sơ, giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc lô hàng. Như vậy, trước khi ra quyết định xử phạt hành chính thì chủ hàng đã chứng minh được hàng hóa của mình có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ. Do đó, nếu căn cứ tại thời điểm kiểm tra để quy kết là hàng nhập lậu rồi ra quyết định xử phạt hành chính là có phần nóng vội.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng minh được nguồn gốc hàng hóa vẫn bị xử phạt hành vi kinh doanh hàng nhập lậu