Buông lỏng đào tạo liên kết tại Thanh Hóa: Tay không… đào tạo nhân sự cấp cao

Ngô Trọng Nghĩa| 19/04/2018 14:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến vấn đề hoạt động đào tạo chui tại Thanh Hóa, nổi bật lên là đơn vị Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ (Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp).

Đào tạo kiểu ba không

Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp có địa chỉ tại tầng 3 trường Thanh Hoa, Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Dương, TP Thanh Hóa và cũng là trụ sở kiêm cơ sở đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, địa chỉ này cơ sở của Trường PT liên cấp Thanh Hóa được đầu tư bởi Công ty Tây Đô, nhưng do khó khăn tài chính nên dự án này vẫn bỏ dở.

Tại đây, các hạng mục đầu tư của trường đang được cho thuê làm quán ăn, quán nhậu, cafe, phòng tập gym… Đáng chú ý, Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp chỉ thuê 1 phòng làm việc và 1 vài phòng học chứ tuyệt nhiên không hề có các cơ sở vật chất khác phục vụ cho các hoạt động, đặc biệt là với các ngành đào tạo có điều kiện như ngành Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin…

Buông lỏng đào tạo liên kết tại Thanh Hóa: Tay không… đào tạo nhân sự cấp cao

Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tầng 3 Trường phổ thông liên cấp Thanh Hóa

Theo Thông tư số 07 của Bộ GD&ĐT về liên kết đào tạo bậc đại học thì đối tượng tham gia liên kết đào tạo là Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo là cơ sở giáo dục đại học; Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo gồm: cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trường của cơ quan nhà nước; trường của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân; trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Như vậy, Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp không thuộc đối tượng tham gia liên kết đào tạo.

Ngoài ra, Trường bồi dưỡng cán bộ Doanh nghiệp chỉ có cơ sở đi thuê, nhân lực phục vụ mục đích bồi dưỡng nghiệp vụ còn thiếu, nên không thể có nhân lực đủ điều kiện tham gia quản lý đại học và sau đại học.

Mục đích, hình thức của đào tạo liên kết nhằm thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; huy động tiềm năng của các cơ sở giáo dục đại học và các nguồn lực khác để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vùng miền, do vậy với một đơn vị "3 không": không có trường lớp, không có chức năng đào tạo liên kết và không có nhân lực như vậy sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của chủ trương đào tạo.

Buông lỏng đào tạo liên kết tại Thanh Hóa: Tay không… đào tạo nhân sự cấp cao

Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn trong khu vực bán cà phê và tập gym ( nguồn internet)

Vi phạm quy chế đào tạo

Theo PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục đại học cho biết: Đối với đào tạo trình độ ĐH, việc tổ chức và đào tạo hệ chính quy phải thực hiện tại cơ sở giáo dục ĐH (cơ sở chính của trường).

Việc liên kết đào tạo được áp dụng đối với hình thức vừa làm vừa học (theo Quy định về liên kết đào tạo trình độ ĐH được ban hành kèm theo Thông tư số 07/2017). Đối với các trường đã được tự chủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (có nội dung tự chủ về liên kết đào tạo), hiệu trưởng nhà trường quyết định việc liên kết đào tạo theo quy định hiện hành.

Việc đào tạo trình độ thạc sĩ ngoài cơ sở đào tạo được quy định tại Điều 23 Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014).

Trong đó, địa điểm đào tạo trình độ thạc sĩ là trụ sở của cơ sở đào tạo (cơ sở chính của trường), được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện thực tế đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định trước khi cho phép mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.

Trong trường hợp cần thiết (đào tạo nhân lực cho Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, vùng - khu vực kinh tế trọng điểm), đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phép hoặc quyết định việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo.

Theo PGS-TS Trần Anh Tuấn, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ các vấn đề được phản ánh. Trong trường hợp các trường có tổ chức tuyển sinh và đào tạo các lớp liên kết đào tạo, đào tạo ngoài cơ sở chính sai quy định, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 138/2013.

Các trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước người học và xã hội về sai phạm của mình. Trong từng trường hợp cụ thể, tùy theo mức độ vi phạm, trên cơ sở xem xét đảm bảo quyền của người học, Bộ GD&ĐT sẽ có các biện pháp xử lý theo quy định.

Khoan nói về việc các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm như thế nào, nhãn tiền cho thấy, xã hội sẽ có rất nhiều nhân sự “tồi”, "học giả bằng thật", và như vậy việc cán bộ có thừa nhưng lại yếu chuyên môn là điều khó tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng đào tạo liên kết tại Thanh Hóa: Tay không… đào tạo nhân sự cấp cao