Việc Trung Quốc cho phát hành bản đồ lãnh thổ mới khổ dọc, bao chiếm đến 90% Biển Đông đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới.
Bản đồ này là thể hiện “tham vọng bành trướng” của Trung Quốc, trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
Sự việc bắt đầu bùng phát khi hôm 23/6 vừa qua, Giám đốc Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam cho công bố tấm bản đồ địa lý mới khác hẳn khổ ngang truyền thống với mục đích “thúc đẩy sự hiểu biết của người dân nhằm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, trong đó 90% biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trái phép được vẽ trực tiếp lên phần chính, không còn nằm khiêm tốn bên góc phải như trong tấm bản đồ in “đường chín đoạn” phi pháp trước đây. Bản đồ này thể hiện rõ âm mưu thôn tính biển Đông của Trung Quốc khi lấn sát tới vùng lãnh hải và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei… (riêng đoạn thứ 10 nằm gần Đài Loan - Trung Quốc) bất chấp dư luận thế giới lên án.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 26/6 nhấn mạnh rằng việc phát hành bản đồ 10 đoạn là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Trung Quốc.
Philippines lên án mạnh mẽ, cho rằng điều này thể hiện rõ tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines - Charles Jose tuyên bố hành động này vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), gây ảnh hưởng đến ổn định khu vực sau khi giàn khoan và tàu chiến Trung Quốc xâm chiếm thềm lục địa Việt Nam khiến dư luận thế giới phản ứng.
Bản đồ 10 đoạn của Trung Quốc
Ngày 27/6, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg đã lên tiếng ủng hộ việc Philippines phản đối Trung Quốc phát hành bản đồ mới ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào phạm vi cái gọi là “chủ quyền” của Bắc Kinh. Theo Đại sứ Goldberg, trên bản đồ "đường 10 đoạn," các yếu tố về cơ bản vẫn giữ nguyên như "đường 9 đoạn" và nó hoàn toàn không có cơ sở theo luật quốc tế.
Đại sứ Philip Goleberg cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS. Theo ông, những nỗ lực của một nước nhằm xâm phạm quyền sử dụng vùng biển một cách hợp pháp của nước khác cần được xem là mối quan ngại. Ông khẳng định biện pháp để giải quyết tranh chấp là thông qua tòa án quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), thương lượng trực tiếp với các bên và không đe dọa.
Ngày 27/6, trang Facebook của cư dân mạng Philippines tràn ngập hình ảnh một tấm bản đồ có tên gọi “Bản đồ lãnh thổ mới của Philippines”. Đó là cách mà người dân nước này phản đối việc Trung Quốc gần đây đưa ra tấm bản đồ mới liếm gần như toàn bộ Biển Đông và nhiều vùng của Philippines. Đáng chú ý, “bản đồ tự chế này” đã mở rộng phần lãnh thổ thực tế của Philippines, với các vùng đất mới bao gồm vùng Nội Mông, Trung Quốc đại lục, cũng như Hong Kong. Bản đồ này gọi phần Trung Quốc đại lục là “tỉnh hành chính đặc biệt” của Philippines; Bắc Kinh được đánh dấu là “Thành phố thủ đô”, nhưng với tên mới là Rizal; còn Hong Kong thì được gọi là “Khu vực thương mại đặc biệt”.
"Đừng ngạc nhiên khi nhận thấy rằng bản đồ chính thức mới của Trung Quốc không chỉ hàm chứa nhiều hơn những gì thuộc về Trung Quốc, mà còn cả một phần rộng lớn của Biển Đông nóng bỏng". Đó là câu mở đầu trong bài viết của tờ International Business Times.
Tờ Thời báo về kinh tế cho hay Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến hơn 90% Biển Đông và bản đồ mới phát hành được mở rộng để nhấn mạnh những vùng tranh chấp một cách nổi bật hơn nhiều so với các bản đồ trước đây. Bài báo này chế giễu: "Để bao quát được tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn mà Trung Quốc tự quy định, bản đồ này hóa ra lại trông giống một bản đồ Đông Nam Á hơn là một bản đồ Trung Quốc".
Trong bài viết "Vũ khí mới của Trung Quốc trong cuộc chiến trên Biển Đông là... một bản đồ dọc", tờ Wall Street Journal viết: "Nếu Anh và Pháp muốn tính cả những lãnh thổ hải ngoại, họ chỉ cần phô ra một bản đồ toàn thế giới sao. Có ích gì khi đưa ra bản đồ này vào lúc này không? Điều đó chẳng có gì hơn là một tham vọng lộ liễu. Những gì nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam làm chỉ cho thấy các nhà cực đoan cánh tả đang đi theo chủ nghĩa yêu nước mù quáng một cách dễ dãi".
Tờ Foreign Policy (Mỹ) thì đề cập đến cuộc tranh cãi này với bài viết thể hiện sự chế giễu ngay trên đầu đề bài báo "Này Bắc Kinh, bản đồ đó nằm trong túi anh à?".
Tờ Phil Star (Philippines) bình luận rằng bản đồ của Bắc Kinh chỉ là một "bức vẽ" vi phạm UNCLOS. Đối với người Philippines, khái niệm "vẽ" hàm chứa những điều tự tạo ra, không có thật, hoặc lời hứa suông của một ai đó bị chế giễu, bác bỏ. Bài báo viết: "Họ vẽ ra một đường 9 đoạn. Bây giờ nó lại được biến thành 10 đoạn. Theo lịch sử, đường này dưới thời Tưởng Giới Thạch là đường 11 đoạn". Trưởng văn phòng báo chí của tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma Jr. nói "11 biến thành 9, bây giờ lại thành 10. Cuối cùng, để đơn giản, họ vẽ ra nó. Tất cả những bản hình vẽ này bị bác bỏ bởi UNCLOS".
Người dân Philippines biểu tình sát cánh cùng Việt Nam phản đối Trung Quốc.Ảnh AP
Kênh ABS-CBN News dẫn lời luật sư Harry Roque, Giám đốc Viện Nghiên cứu Pháp lý Quốc tế Philippines, nhận định Trung Quốc dường như đang bị rối loạn vì liên tục thay đổi thông tin về tuyên bố lãnh thổ của mình. Ông nói: "Dù Trung Quốc có làm gì thì cuối cùng tòa án (quốc tế) cũng sẽ là cơ quan phán quyết về tính hợp pháp của đường 9 đoạn hay 10 đoạn". "Làm sao có thể mong chờ cộng đồng quốc tế tin vào giá trị của nó khi bản thân bên yêu sách là Trung Quốc còn không chắc chắn đó là 9, 10 hay 11 đoạn?".
"Tấm bản đồ này là một động thái mới của Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền sai trái của mình trên Biển Đông", trang tin GMA News của Philippines nhận định. Trang tin trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định, tấm bản đồ của Trung Quốc là “một sự bành trướng phi lý”.
Trong bài viết có nhan đề “Chiến lược đấu tranh tâm lý mới của Trung Quốc trên Biển Đông” được đăng trên tạp chí National Interest của Mỹ, tác giả Harry Kazianis nhận định: “Trung Quốc đang thực hiện một mưu kế mới để củng cố những yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông. Đó là sử dụng các giàn khoan dầu và công bố các bản đồ nhằm đạt được mưu đồ này”.
Theo tác giả bài báo, Trung Quốc đã từng sử dụng các bản đồ để củng cố yêu sách chủ quyền của nước này. Tuy nhiên, việc ấn hành bản đồ khổ dọc lần này lại cho thấy sự xuyên tạc mới của Trung Quốc.
Chiến lược này là sự tiếp nối những toan tính trước đây của Trung Quốc, không chỉ dần dần thay đổi hiện trạng thực tế trên đất liền và trên Biển Đông, mà còn thay đổi nhận thức của dư luận liên quan đến những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Điều trớ trêu là ngay trên lãnh thổ sản sinh ra tấm bản đồ khiến dư luận “dậy sóng” này, Bắc Kinh cũng vấp phải sự chỉ trích của dư luận khi trên trang Weibo có ý kiến cho rằng hình dáng bản đồ “khác xa truyền thống như vậy khiến lớp trẻ khó lĩnh hội”, người khác thẳng thắn phê phán “việc này chỉ nhằm khuếch trương lòng tự tôn cực đoan của nước lớn”… Trang tin trích nhận định của nhà bình luận các vấn đề quân sự toàn cầu Wu Ge hoài nghi: “Liệu có ích lợi gì không khi cho công bố các bản đồ này? Chẳng có gì khác ngoài việc bộc lộ rõ tham vọng của Trung Quốc”.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 26/6 dẫn lời chuyên gia Lý Vĩnh Long thuộc Đại học Hạ Môn vạch rõ Trung Quốc muốn dùng bản đồ mới để kiểm tra phản ứng của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. “Việc để một nhà xuất bản địa phương ấn hành tấm bản đồ trên sẽ cho phép Bắc Kinh tránh né phản ứng mạnh từ các nước láng giềng. Đồng thời nó cũng sẽ mở đường cho chính quyền thúc đẩy việc sử dụng bản đồ này trong tương lai nếu phản ứng không quá nghiêm trọng”.
Minh Khuê