Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng nghiêm trọng trước thông tin Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên trên quy mô lớn chưa từng có từ trước tới nay.
Mấy tháng qua, Triều Tiên đã phải đối mặt với chỉ trích gay gắt từ phía Washington và Seoul. Khi năm 2016 mới chỉ bắt đầu ít ngày, Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch - mà nếu chính xác đây sẽ là vụ thử hạt nhân thứ 4 của quốc gia này - vào hôm 6/1. Một tháng sau, ngày 7/2, Triều Tiên tiếp tục phóng vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo - mà phương Tây và Hàn Quốc cho là một vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa.
Lính Mỹ chuẩn bị tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn sắp tới
Trong bối cảnh đó, Mỹ - Hàn lại chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận chung thường niên trên quy mô lớn chưa từng có vào tháng 3 tới. Theo nhận định của giới phân tích, điều này chẳng khác gì “nhắc nhở” Triều Tiên rằng “chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ chính thức kết thúc”. Và quả thật, trước sự kiện này, Bình Nhưỡng đã cảnh báo sẽ “đáp trả” nếu cảm thấy “bị đe dọa”.
Một quan chức quân đội Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm đã nhận định về tình hình tại khu vực phi quân sự (DMZ) hiện nay như sau: Một “sự cố” đang chờ thời điểm “bùng nổ”. Có thể nói, bán đảo Triều Tiên giờ như một “thùng thuốc súng” hay một “quả bóng đã bơm căng”, mà chỉ cần “động nhẹ” cũng có thể “nổ bùm”!
Tuyên bố của Bộ Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên nhấn mạnh: “Tất cả các biện pháp chiến thuật và tấn công mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cách mạng chúng ta sẽ đi vào hành động trước và ngay tức khắc nhằm đánh bại các thế lực đối địch cho đến tên cuối cùng, nếu như có bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào cho thấy các lực lượng đặc nhiệm và trang thiết bị có động thái tiến hành cái gọi là “hoạt động đánh phủ đầu” và “tấn công mật độ cao”, hãng thông tấn Sputnik trích dẫn.
Tuyên bố trên còn cho biết thêm, mục tiêu đầu tiên của Triều Tiên sẽ là Nhà Xanh của Tổng thống Hàn Quốc, tiếp đó là các căn cứ quân sự của Mỹ ở cả châu Á và trên lãnh thổ nước Mỹ.
Một binh sĩ quân đội Triều Tiên
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những lời đe dọa từ chính phủ Triều Tiên đã quá phổ biến và dễ bị xem là phản ứng quá khích. Triều Tiên cũng nhiều lần “phớt lờ” nghị quyết trừng phạt của HĐBA LHQ, tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Thế nhưng, giới phân tích đánh giá các tuyên bố của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-Un chẳng qua chỉ là “màn kịch khoa trương” nhằm “thị uy” đối thủ mà thôi.
Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn là bài toán hóc búa khi mà Mỹ - Hàn và Triều Tiên liên tục có những tuyên bố và hành động đáp trả lẫn nhau. Dù vậy, Bình Nhưỡng cũng từng “ra giá” sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân nếu Mỹ - Hàn ngưng tập trận chung.
Liệu rằng một “kết quả đẹp” trên bán đảo Triều Tiên có xảy ra như với Tehran, khi mà Iran và Mỹ “nhượng bộ” để đạt được bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào tháng 7 năm ngoái, là câu hỏi và cũng chính là mong muốn của cộng đồng quốc tế nói chung đối với vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng.