Ngày 9/1, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC đã tham dự buổi ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước và Ban cán sự Đảng TANDTC.
Cùng tham dự có các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Nguyễn Văn Thuân, Nguyễn Thúy Hiền; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hạnh, Chánh án TAQS Trung ương. Kiểm toán nhà nước có đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước; các đồng chí Phó tổng Kiểm toán nhà nước và đại diện các đơn vị chức năng của hai cơ quan.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi ký kết
Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan
Sau một thời gian tiến hành xây dựng và lấy ý kiến, hai cơ quan đã đi đến sự thống nhất cao về quy chế phối hợp. Theo đó, Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước và Ban cán sự Đảng TANDTC trao đổi thông tin về kết quả kiểm toán, xét xử các vụ án có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của hai cơ quan; phối hợp lãnh đạo thực hiện những chủ trương, nội dung công tác lớn có liên quan.
Hai cơ quan phối hợp lãnh đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, đẩy mạnh cải cách tư pháp. Ban cán sự Đảng hai cơ quan thống nhất về chủ trương, phương hướng lãnh đạo giải quyết các vụ án theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng"; Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 18/11/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X).
Về nguyên tắc phối hợp, hai cơ quan bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trên cơ sở hợp tác, chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc thông tin trao đổi giữa hai cơ quan đảm bảo chính xác, đầy đủ, sử dụng đúng mục đích và được bảo mật theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Quá trình phối hợp, hai cơ quan chuẩn bị các văn bản trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với những vấn đề lớn, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm và những vấn đề pháp luật chưa quy định có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước và TANDTC.
Hai cơ quan trao đổi về việc bắt giam, khởi tố, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp quản lý đang công tác tại cơ quan theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc do Kiểm toán nhà nước phát hiện và chuyển hồ sơ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra và thực hiện hoạt động tố tụng.
Ban cán sự Đảng có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Hai cơ quan thống nhất tham gia ý kiến về các đề án thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng hoặc liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình và Hồ Đức Phớc ký kết Quy chế phối hợp
Trách nhiệm phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng hai cơ quan
Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước và Ban cán sự Đảng TANDTC chủ động phối hợp với nhau tham mưu, thực hiện nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gỉao về các nội dung theo quy định, hoặc theo đề nghị của mỗi cơ quan. Ban Cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước khi chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán thì đồng thời gửi Ban cán sự Đảng TANDTC.
Trên cơ sở thông tin, tài liệu về việc cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn tố cáo về sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công do Ban Cán sự Đảng TANDTC chuyển đến, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Ban Cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo tổ chức kiểm toán, làm rõ và thông báo kết quả đến Ban Cán sự Đảng TANDTC.
Ban Cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trao đổi thông tin, cung cấp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; hồ sơ, tài liệu kiểm toán khi Ban Cán sự Đảng TANDTC có yêu cầu để thực hiện tố tụng…
Trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng TANDTC chủ trì phối hợp với Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước lãnh đạo các TAND thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Trong quá trình xét xử, phát hiện cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thì trao đổi với Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước để làm rõ dấu hiệu vi phạm thông qua hoạt động kiểm toán.
Ban cán sự Đảng TANDTC có trách nhiệm trao đổi thông tin bằng văn bản kết quả xét xử các vụ án về tham nhũng, các vụ án theo tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước. Hai cơ quan phối hợp tham gia nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, hội nghị, hội thảo về công tác phòng, chống tham nhũng…
Quá trình tổ chức thực hiện, Ban cán sự Đảng Kiểm toán nhà nước phân công Vụ Tổng hợp làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trực thuộc theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc tổ chức thực hiện Quy chế. Ban cán sự Đảng TANDTC phân công Ban Thanh tra làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trong TAND theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc tổ chức thực hiện Quy chế. Ban Cán sự Đảng hai cơ quan có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị để thực hiện.
Hàng năm hoặc khi cần thiết, hai cơ quan tổ chức họp đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm, bàn kế hoạch, biện pháp thực hiện Quy chế phối hợp trong thời gian tiếp theo; luân phiên chủ trì, phối họp chuẩn bị nội dung, thời gian, địa điểm, thành phần cuộc họp và tổng hợp, báo cáo kết quả với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Phát biểu tại buổi ký kết, đồng chí Nguyễn Hòa Bình và đồng chí Hồ Đức Phớc đều đánh giá cao sáng kiến của hai cơ quan trong ký kết phối hợp công tác. Đây là cơ sở để hai bên tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong xử lý các công việc nhằm bảo vệ pháp chế XHCN, đảm bảo tính công bằng; tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Quốc hội trong việc hoạch định các chính sách, nhất là trong phòng chống tham nhũng.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, khi có khó khăn, vướng mắc hoặc xét thấy cần thiết thì lãnh đạo hai cơ quan thảo luận, thống nhất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.