Ba ông lớn chứng khoán đề xuất gì cho thị trường năm 2014?

22/02/2014 09:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong khi SSI và HCM có cùng quan điểm là nên triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) thì VCSC đề xuất giảm dần thời gian thanh toán xuống T+0 và giảm thuế chứng khoán.

Các đề xuất của các công ty chứng khoán được đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2014 do UBCK tổ chức vào ngày 21/02.

CTCK Sài Gòn (SSI): Nới room lên 100%

SSI đưa ra 8 giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2014. Đáng chú ý nhất là đề xuất nâng room ngoại lên mức tối đa (100% nếu có thể) nhằm cho phép nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài được phép đầu tư không hạn hạn chế vào các cổ phiếu có quyền biểu quyết tại các công ty đại chúng, không thuộc những ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước cần kiểm soát vốn nước ngoài.

Trong trường hợp qui định nới room lên mức tối đa không được ban hành, SSI đề xuất HOSE triển khai sớm sản phẩm NVDR để cho phép các NĐT nước ngoài đầu tư không hạn chế vào các cổ phiếu niêm yết mà không cần có quyền biểu quyết.

Đồng thời đề xuất sáng lập một bảng giao dịch dành riêng cho các giao dịch giữa các NĐT nước ngoài, nhằm mục đích đăng ký và niêm yết giá mua/bán và giao dịch thỏa thuận của các cổ phiếu hết room, để làm tăng tính minh bạch của các giao dịch giữa các NĐT nước ngoài lẫn nhau.

Bên cạnh đó, SSI cũng đề xuất việc thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; nâng cao chất lượng cổ phiếu niêm yết thông qua các tiêu chuẩn niêm yết; hoàn tất sớm quy trình hợp nhất HOSE và HNX để tập trung phát triển thị trường cp, trái phiếu hay các sản phẩm phái sinh.

Triển khai sớm các phương tiện vay và cho vay chứng khoán và các quy định giao dịch chứng chỉ ETF, để cho phép các sản phẩm ETF được triển khai sớm lần đầu tiên tại Việt Nam. Sáng lập sớm Trung Tâm bù trừ (TTBT) để làm nền tảng cho việc sáng lập thị trường phái sinh Việt Nam. Và cuối cùng là triển khai sớm sản phẩm quỹ hưu trí bắt buộc do một cơ quan nhà nước quản lý với sự tham gia của các công ty quản lý quỹ trong nước và hàng đầu quốc tế.

CTCK Tp.Hồ Chí Minh : Triển khai sản phẩm “vay mượn cổ phiếu”

HCM thì cho rằng biện pháp nới room ngoại không giải quyết được căn bản vấn đề khi mà sau một thời gian thì tình trạng cũ có thể lặp lại do room mới mở được lấp đầy. Do đó, HCM đề xuất triển khai công cụ chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR).

Theo HCM, so với biện pháp phát hành cổ phiếu không quyền biểu quyết, việc triển khai NVDR cũng có nhiều ưu điểm hơn. Cổ phiếu không có quyền biểu quyết đòi hỏi doanh nghiệp phải phát hành thêm cổ phiếu. Như vậy, trong trường hợp NĐT nước ngoài mong muốn tăng sở hữu, nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu huy động vốn thêm, hoặc không đủ điều kiện phát hành, phương án này sẽ bị bế tắc.

Trong khi đó, NVDR cũng không ảnh hưởng đến việc phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn của doanh nghiệp. Khi tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài chạm mức tối đa, nếu muốn tăng sở hữu, thì họ mua NVDR của cổ phiếu đó. NĐT sở hữu NVDR được hưởng mọi quyền lợi tài chính của cổ phiếu (như cổ tức, quyền tăng vốn…), nhưng không hưởng quyền biểu quyết. Chúng tôi cho rằng NVDR là một giải pháp dài hạn, nhất quán, và đã được áp dụng rất thành công tại một số thị trường như Thái Lan trong việc thu hút NĐT nước ngoài.

Về vấn đề giải quyết tính thanh khoản hai chiều cho thị trường, HCM đề xuất triển khai sản phẩm “vay mượn cổ phiếu”. Thực tế, kể từ năm 2009 trên TTCK đã xuất hiện một số hoạt động tự phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư, mang tính chất của các sản phẩm chứng khoán phái sinh như vay, mượn cổ phiếu để bán trước (khi NĐT dự đoán thị trường đi xuống). Tuy nhiên, các hoạt động vay, mượn cổ phiếu vẫn chưa được cho phép triển khai chính thức do không có quy định pháp lý hướng dẫn cụ thể. Chính vì vậy, nhu cầu vay mượn cổ phiếu của NĐT không được CTCK hỗ trợ, khiến cung cầu rất khó gặp nhau, mất đi cơ hội tăng tính thanh khoản của thị trường. Sản phẩm vay mượn cổ phiếu nếu được triển khai có thể đảm bảo tính thanh khoản hai chiều cho thị trường, làm nền tảng cho việc phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới, thúc đẩy sự phát triển của TTCK.

Ngoài ra, về cơ chế vận hành thị trường, HCM cho rằng HOSE nên sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao dịch, lưu ký chứng khoán và thanh toán (không dùng tiền mặt trong giao dịch chứng khoán).

Trong khuôn khổ pháp lý, nên cho phép niêm yết ngay sau khi thực hiện IPO, việc này giúp tránh rủi ro và tránh vấn đề làm giá trên thị trường OTC; Các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá, cần bán (hoặc kết hợp phát hành thêm) tối thiểu 20% tổng lượng cổ phiếu để trở thành công ty đại chúng mà không có trường hợp ngoại lệ; Ra hướng dẫn rõ ràng về trích lập dự phòng chứng khoán OTC; Xây dựng các quy định pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ các CTCK mạnh tiếp nhận tài khoản của NĐT từ các CTCK không đủ năng lực

CTCK Bản Việt (VCSC): Giảm dần về T+0

Hiện nay thời gian thanh toán mua bán cổ phiếu trên các Sở giao dịch chứng khoán được áp dụng là T + 3. Tức là cổ phiếu mua sau 3 ngày làm việc mới có thể được phép bán. Theo VCSC, quy định này làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, tăng chi phí giao dịch, phí lãi vay magin. Việc giảm dần thời gian thanh toán xuống T + 2, T + 1 và T + 0 là mong mỏi chính đáng của nhà đầu tư, cần được đáp ứng. VCSC đề xuất giảm thời gian thanh toán chứng khoán xuống còn T + 2 và có lộ trình giảm tiếp thời gian thanh toán này xuống T + 1.

Một điểm nữa là với mức thuế khoán bán chứng khoán là 0.1% trên tổng giá trị giao dịch. Mức thuế này chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng chi phí giao dịch của nhà đầu tư. Mức phí giao dịch bình quân trên thị trường là 0.2%. Các CTCK rất khó có thể giảm phí giao dịch này xuống nữa vì họ còn phải trả phí lưu ký, phí cho các Sở giao dịch, đồng thời vẫn phải tiếp tục đầu tư công nghệ và nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chính vì vậy VCSC thấy rất cần thiết các cơ quan liên quan đề xuất hạ thuế giao dịch bán chứng khoán trên thị trường niêm yết tập trung còn 0.05%.

Cuối cùng, VCSC đề xuất tăng khả năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán của doanh nghiệp. Theo đó, Đại hội đồng cổ đông có thể được quyết định mức chiết khấu tối đa so với mức thấp hơn của giá trị sổ sách tại thời điểm gần nhất và thị giá của công ty tại thời điểm chào bán, và được ủy quyền cho Hội đồng quản trị  thực hiện việc đàm phán mức giá cụ thể với từng nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp cho Hội đồng quản trị công ty chủ động hơn trong đàm phán giá chào bán với nhà đầu tư, nhưng vẫn đảm bảo mức giá phù hợp với quyết định của Đại hội đồng cổ đông, giúp tăng tính hiệu quả, rút ngắn thời gian huy động vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình nhiều doanh nghiệp đang cần nguồn vốn mới để khắc phục khó khăn hoặc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Phương Châu lược ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba ông lớn chứng khoán đề xuất gì cho thị trường năm 2014?