Ông Đặng Minh Trường- CT HĐQT Sun Group chia sẻ về Khu du lịch đón hàng triệu lượt khách của mình sau 10 năm xây dựng.
“Nhìn Bà nà rất ngại”
Quyết định đầu tư vào Bà Nà đã được đưa ra như thế nào?
Tôi vẫn nhớ ngày khai trương cáp treo, 25/3/2009, trên con đường mới mở để lên khu du lịch, những người công nhân nằm ngủ hai bên đường. Họ đã làm việc đến tận 6 giờ sáng ngày hôm đó để hoàn thiện những vạch kẻ sơn. Với tôi đấy là hình ảnh đẹp nhất về quyết tâm của Đà Nẵng với Bà Nà. Con đường đó đã đi qua cả những chỗ mà chưa bao giờ ai nghĩ đến giải tỏa, nhưng đã hoàn tất chính xác đến từng phút cho ngày cáp treo mở cửa.
Khi chúng tôi về nước, Đà Nẵng kêu gọi đầu tư lên Bà Nà. Bây giờ phải nói thật với nhau là quãng năm 2007, chúng tôi nhìn vào Bà Nà rất quan ngại. Những nhà đầu tư nhỏ trước chúng tôi đều làm ăn rất khó khăn. Mỗi năm, khai thác được đúng ba tháng hè. Hết mùa du lịch là phải dỡ từ chăn màn đến tivi tủ lạnh đem xuống núi. Mùa mưa, có lúc độ ẩm lên đến 99%, tường lúc nào cũng sũng nước. Trên đó chẳng có gì để ăn, để chơi.
Ông Đặng Minh Trường- CT HĐQT Sun Group
Chưa nói đến những khó khăn khi xây dựng cáp treo, ngay cả Bà Nà Hills khi khai trương rồi, cũng có những ngày mùa đông chỉ có một hai trăm khách, nhưng vẫn phải vận hành. Qua mùa mưa thì thay mới hết cả đồ điện vì ẩm mốc, sét đánh.
Nhưng chúng tôi bị thuyết phục bởi quyết tâm của lãnh đạo và đặc biệt là người dân thành phố Đà Nẵng khi ấy. Không chỉ có cơ chế thông thoáng từ phía chính quyền, mà hầu hết người dân đều nhất lòng hợp tác để du lịch thành phố phát triển. Trước sự quyết tâm ấy, chúng tôi đưa ra lời hứa với Đà Nẵng, rồi cứ thế làm. Lúc làm cũng không dám nghĩ nhiều đến việc thu hồi vốn thế nào.
Tại sao các ông đem tiền từ Ukraine về đầu tư vào chỗ khó như thế?
Nhiều năm trước, tôi và mấy anh em làm ăn có một chuyến đi du lịch Đảo Cyprus cùng nhau. So với khung cảnh Việt Nam, thì ở đấy chẳng có cái gì cả, toàn cát với sỏi. Thế mà họ bắt mình trả rất nhiều tiền. Chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng Việt Nam mình xứng đáng được thế giới biết đến nhiều hơn. Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế, mà nó còn là hoạt động quảng bá hình ảnh của đất nước. Trong những anh em đi chuyến Đảo Cyprus ấy quay về, có hơn một người quyết định đầu tư vào du lịch Việt Nam.
Lúc nào thì ông hết ngại ngần và biết rằng Bà Nà Hills có một tương lai?
Thời gian triển khai xây dựng cáp treo cũng nhiều thử thách. Địa hình khó khăn, công nghệ cũng không thể giải quyết được hết. Nhưng niềm vui và hy vọng đến từ sự quyết tâm của mọi người. Anh em xây dựng uống suối ngủ rừng suốt cả tháng ròng không được xuống núi. Ngay cả các chuyên gia nước ngoài cũng trèo đèo lội suối như người Việt để làm việc. Rồi niềm vui khi anh em đề xuất những ý tưởng kỹ thuật chưa từng được thực hiện ở đâu, cho chúng tôi năng lượng để hoàn tất công trình.
Nhưng mọi quan ngại về cuộc đầu tư này, chỉ biến mất vào năm 2009, mấy tháng sau khi cáp treo đã khai trương. Chiều hôm ấy, chúng tôi khai trương khách sạn Morin, trên đỉnh núi là mây ngũ sắc. Khung cảnh trước mắt tôi đúng là "bồng lai tiên cảnh". Tôi nhìn thấy niềm vui của những người công nhân xây dựng - họ đã luôn vui vẻ vì được làm việc trên đỉnh núi này. Hơn tất cả, thì chính khung cảnh của quê hương đã thuyết phục chúng tôi mạo hiểm.
Không phải biểu tượng du lịch
Ông đánh giá thế nào về dự án của mình sau 10 năm triển khai?
Tôi tự hào. Bây giờ Bà Nà trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách đến Đà Nẵng. Thậm chí là tôi đi ra ngoài làm ăn bây giờ, giới thiệu Sun Group có người chẳng biết là công ty gì, nhưng nhắc đến Bà Nà Hills thì người ta biết ngay. Trong điện thoại của nhiều người, tên tôi vẫn là "Trường Bà Nà".
Những dự án du lịch quy mô và bài bản đã làm thay đổi thành phố Đà Nẵng. Những năm chúng tôi mới về Đà Nẵng, chín giờ tối thành phố đã tắt đèn đi ngủ. Không có con đường ven biển, dịch vụ nghèo nàn, Đà Nẵng lúc đó chỉ là điểm trung chuyển khách. Họ xuống sân bay, rồi đi thẳng vào Huế hoặc Hội An. Bây giờ thì Đà Nẵng đã là trung tâm du lịch của cả khu vực Đông Nam Á.
Ngoài thúc đẩy kinh tế, du lịch còn vai trò xã hội gì khác?
Như tôi đã nói, Việt Nam xứng đáng xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ thế giới. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia không chỉ đem lại nguồn lợi trực tiếp từ du lịch, mà còn tạo ra cơ hội cho nhiều ngành kinh tế khác.
Nhưng cái quan trọng là nó phục vụ cho bản thân người dân Việt Nam. Du lịch mang lại những trải nghiệm: nó cho người ta cơ hội nhìn những cảnh vật khác, ăn những đồ ăn khác, hưởng thụ những dịch vụ khác, như là một thế giới mới được mở ra. Trải nghiệm mang lại hạnh phúc. Đến cuối cùng thì ai cũng đi tìm kiếm hạnh phúc, và những trải nghiệm du lịch tạo ra điều đó. Đó có thể là hạnh phúc ngay lúc bạn đi, cũng có thể là cảm xúc về những hoài niệm khi bạn nhớ lại.
Tổng mức đầu tư lên Bà Nà là bao nhiêu?
Nếu theo đăng ký là 8.000 tỷ. Nhưng con số thực tế thì tôi nghĩ là sẽ hơn. Mười năm bây giờ mới chỉ là bắt đầu. Số khách đến Bà Nà hiện vẫn khiêm tốn so với những khu vui chơi lớn trên thế giới một năm đón 20 triệu khách. Với đà tăng trưởng của Đà Nẵng và của Việt Nam thì dư địa còn rất nhiều, còn nhiều việc mình chưa làm và có thể làm được. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư tại đây.
Kỳ vọng trong tương lai của Sun Group với Bà Nà là gì?
Chúng tôi chờ đón con số 15 triệu khách. Hiệp hội các công viên giải trí và du lịch quốc tế (IAAPA) sang đây họ rất bất ngờ vì chất lượng hoàn thiện dịch vụ của mình không thua kém gì trên thế giới. Họ ngạc nhiên là tại Việt Nam mình lại có một công trình như thế.
Khi trao đổi nội bộ, chúng tôi đưa ra nhiệm vụ "Đưa Việt Nam đến với thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam". Xa hơn, thì chúng tôi muốn những dự án của Sun World trên khắp cả nước trở thành địa điểm không thể bỏ qua khi đến Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể có Disneyland của riêng mình.
Ông nhắc nhiều đến Disneyland, một công viên đã vượt qua ý nghĩa của địa điểm kinh doanh du lịch để thành biểu tượng văn hóa. Còn vai trò của Bà Nà Hills là gì?
Tất nhiên chúng tôi cũng muốn Sun World trở thành một thương hiệu như Disneyland. Nhưng thật ra Bà Nà Hills từ lúc xây xong đã là một biểu tượng rồi. Nó không phải là biểu tượng thương mại dịch vụ, mà là biểu tượng cho quyết tâm phát triển của một thành phố.
Dự án đó đã được tạo ra từ sự trùng khớp giữa tầm nhìn của doanh nghiệp tư nhân và chính quyền, và đặc biệt là sự cam kết đồng hành của nhân dân thành phố. Đó không chỉ là chuyện của du lịch.
Xin cảm ơn ông.