Những nhà tham mưu cho Chính phủ đưa ra gói cứu trợ bất động sản thời điểm này là “cập thời vũ”.
Có thể coi đó là chiếc bánh mừng trước nhà mới cho khoảng 40 ngàn gia đình Việt Nam còn vô gia cư. Nhưng giờ là lúc cắt chiếc bánh ấy như thế nào? Chia phần hoá ra không dễ như thiên hạ nghĩ.
Thế gian quả là biến đổi khó lường. Mới vài năm trước muốn mua một căn nhà thương mại giá trên trời, người ta phải xếp hàng từ nửa đêm để đăng ký. Thời đó ông chủ doanh nghiệp bất động sản là ông trời con theo mọi nghĩa. Thậm chí gặp được họ còn khó hơn cả gặp…Trời! Chỉ cần dự án được phê duyệt, sắp được phê duyệt, có thể được phê duyệt… là đã có thứ để bán. Bán trên bản vẽ hươu vẽ vượn, mù tăm hơn bán vịt trời, nhưng tiền thu về thì tươi giãy đành đạch. Chúng nhanh chóng biến thành ô tô hạng sang, thành biệt thự, thành khu nghỉ sinh thái theo kiểu ăn chơi của các ông vua dầu lửa Ả-rập.
Còn giờ đây, sau mới có bốn, năm năm thì sự thể ra sao? Bong bóng bất động sản vỡ toang-không vỡ mới là lạ. Giá bất động sản lao thẳng đứng. Các ông chủ bất chấp mọi tiêu chuẩn tối thiểu về liêm sỉ để chạy làng, nuốt lời hứa, cãi chày cái cối, ăn vạ Nhà nước. Hàng trăm ngàn căn nhà hoặc đành bỏ dở không thể xây tiếp, hoặc xây xong chả có ma nào đến ở. Bán thì không ai mua. Nhưng để thì không có tiền trả lãi ngân hàng. Tài sản bạt ngàn nhưng tiền thì phải bòn từng xu. Nền kinh tế bước vào kỷ nguyên nợ xấu với cái vòng luẩn quẩn gỡ mãi mà vẫn rối như tơ vò. Tất cả đều có nguyên nhân từ bất động sản. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là tại bởi lòng tham vô độ và mù quáng của những con cá mập tàn bạo, sẵn sàng nuốt cả bao cát vào bụng để thoả mãn cảm giác dã thú.
Nói lại những chuyện đó không phải cho bõ hờn-Không ai giải được cơn hờn giận của hàng triệu người khổ lây vì nợ xấu- mà với mong muốn lịch sử sẽ không lặp lại thêm một lần nữa.
Gói cứu trợ thị trường bất động sản (sau đây gọi là gói cứu trợ), dù dưới cái tên nào, thì thực chất cũng là lấy tiền của hàng chục triệu người để ưu đãi vài chục ngàn người vô gia cư. Mục tiêu của chương trình này còn là hy vọng ở tác dụng phụ của nó: nhờ cú huých ấy mà thị trường bất động sản ấm trở lại. Nói là phụ nhưng thực chất đó mới là cái đích của dự án. Bởi vì cứu thị trường, là giải cứu vài chục tỉ USD (thậm chí con số có thể hàng trăm tỉ) đang bị chôn dưới móng những toà nhà dang dở hay trên những khu đất bỏ hoang sau khi giành giật nhau từng mét vuông.
Trong khi cái mục tiêu lớn lao kia còn rất xa, phụ thuộc vào cơ giời vận đất, thì việc đơn giản hơn là làm thế nào để có thể giải ngân gói cứu trợ, tức là đưa tiền hỗ trợ lãi suất đến tay các đối tượng của chương trình để họ mua được nhà, đã gặp vô vàn trở ngại bởi đủ thứ quy định.
Câu hỏi đầu tiên là ai sẽ nằm trong danh sách được vay tiền từ gói cứu trợ?
Với khoảng 800.000 gia đình ở các thành phố lớn cần nhà ở, thì chọn ra khoảng 30.000-40.000 gia đình quả là rất khó. Vô cùng khó luôn. Đấy là chưa kể các đối tượng cần nhà ở đang sinh sống tại nông thôn, không dễ gì có thể loại họ ra khỏi diện những người cần được trợ giúp?
Câu hỏi tiếp theo là căn cứ để xác định một gia đình nào đó thuộc diện thu nhập thấp? Chỉ dựa vào bảng lương tháng, hay phải cộng toàn bộ thu nhập? Rất nhiều người lương thấp, nhưng thu nhập thì không hề thấp. Đó là thực tế ở Việt Nam. Thực tế này phản ánh điều gì chưa vội nói nhưng nó liên quan đến mong muốn có sự công bằng tương đối trong việc xác định cho ai vay tiền từ gói cứu trợ?
Câu hỏi thứ ba là bao nhiêu tiền thu nhập của một gia đình cho một tháng, một năm thì được coi là thấp?
Chỉ riêng tiêu chí này đã thấy mỗi người nói một phách, cứ loạn cả lên, khiến dân tình hoang mang và không nhịn được cười.
Giả định mọi tiêu chí vừa nêu đã thoả mãn, thì vẫn còn câu hỏi thứ tư: Làm cách nào để các đối tượng trong diện ưu đãi có thể vay tiền ở ngân hàng?
Chỉ riêng đoạn cuối này của con đường đến với gói cứu trợ đã vô cùng gập ghềnh. Căn nhà họ đứng tên mua, vì còn lâu mới là của họ nên không thể mang ra thế chấp. Trong khi đó họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đã thu nhập thấp thì khó mà thoả mãn tiêu chí của ngân hàng về khả năng trả nợ hàng tháng. Còn đã có tài sản thế chấp, có thể trả nợ bình thường thì đâu còn là người thu nhập thấp nữa?
Đến đây lại lòi ra tiếp câu hỏi thứ năm: Ngân hàng đóng vai trò giúp Nhà nước trong gói cứu trợ, hay họ được cấp một cục và tuỳ ý đưa ra các quy định khi cho vay? Quá trình giám sát việc thực hiện như thế nào?
Câu hỏi này có vẻ như là thừa, nhưng nếu lường tới việc ngân hàng có thể lợi dụng hàng ngàn tỉ đồng lãi suất thấp giải ngân chậm, tệ hơn, nếu họ chủ động gây khó khăn về thủ tục để găm vốn cho vay lãi suất cao, thì vấn đề không hề dễ bỏ qua chút nào.
Còn nhiều câu hỏi nữa nhưng người viết dừng lại vì không muốn làm rối vấn đề.
Không phải cứ tung tiền ra là mọi việc xong xuôi. Tiền mà không biết sử dụng, luôn đi kèm với tai hoạ. Bởi vì nếu cứ để tình trạng nhùng nhằng như hiện nay gắn với gói cứu trợ, sẽ dẫn đến những phát sinh tiêu cực sau:
Bất công trong việc xác định đối tượng cần được hỗ trợ, nhen mầm của những phản ứng tiêu cực.
Chia rẽ xã hội khi nhiều người nghèo, những người ở nông thôn cảm thấy họ bị phân biệt đối xử.
Phát sinh tiêu cực trong việc tiếp cận nguồn vốn với các loại phí ngầm nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, gây rối kỷ cương, phép nước và làm mất đi tính nhân đạo của dự án.
Tiếp tay cho nạn cò mồi thủ tục.
Tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ khi trao cho một số người những quyền lực tài chính khổng lồ mà không có cơ chế giám sát hữu hiệu.
Trên thực tế mới chỉ có doanh nghiệp tiếp cận được vốn (Nghe nói khoảng 9.000 tỉ đồng). Việc này diễn ra quá chóng vánh, chỉ với động tác ký cái rẹt (so với tốc độ giải ngân cho cá nhân) khiến người ta cứ muốn nêu tiếp một câu hỏi nữa: Liêu có vấn đề cánh hẩu, nhóm lợi ích thò tay lông lá vào gói quà cho người nghèo này?
Bởi vì khi một doanh nghiệp có thể vay hàng ngàn tỉ với lãi suất ưu đãi, thời gian kéo dài nhiều năm, thực chất họ đã được hỗ trợ một khoản tiền thực hàng chục tỉ. Số tiền này liệu có được sử dụng đúng nguyên tắc và liệu có là miếng mồi để một nhóm người nhắm vào đòi chia chác, qua mặt nhà nước?
Những chuyện đó không còn là dự đoán, mà nó luôn xảy ra ngay trước mắt hàng triệu người trong nhiều năm qua, ở mọi lĩnh vực. Nhưng với dự án mang tính chất ưu đãi người nghèo thì những tiêu cực đó là không thể chấp nhận.
Nhưng cái nghịch lý đáng bàn lại là: Nếu không có cách nào khác, thì không thể giải ngân gói cứu trợ bất động sản một cách minh bạch. Nghĩa là muốn tránh tình trạng cơm treo, mèo nhịn đói, thì phải chấp nhận tiêu cực, chấp nhận thoả thuận ngầm giữa các bên, chấp nhận những bất công.
Một chương trình kinh tế, xã hội mà khi thực hiện nó gặp phải khó khăn mang tính loại trừ như vậy thì nên bình tĩnh xem lại. Còn thời gian để các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn về tài chính, ngân hàng cùng ngồi lại, bàn bạc và tham mưu cho chính phủ về cách giải cứu thị trường bất động sản. Đã có nhiều bài học giải cứu thị trường thành công trên thế giới để các vị tham khảo.
Khi đó sẽ không còn những phát ngôn bất nhất, tiêu chí bất nhất, quy định bất nhất…hậu quả của sự lúng túng, thiếu tự tin từ ngay những người hướng dẫn thực hiện khiến dân chúng cứ quay như đèn cù về mọi hướng mà vẫn không tìm thấy cách thức phải làm thế nào, chứ chưa nói đến việc bao giờ thì có thể bắt đầu.