Ngày 20/2, tại thành phố Nha Trang, trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM1), nhóm công tác về chống buôn bán và chặt phá rừng bất hợp pháp (EGILAT) đã tiến hành cuộc họp bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên rừng bền vững.
Hơn 580 đại biểu tham gia các chương trình nghị sự SOM 1
Trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM1) và các cuộc họp liên quan, hơn 580 đại biểu APEC đã tham dự các hoạt động của 8 nhóm công tác, tiểu ban và hội thảo của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), chống tham nhũng và minh bạch hóa (ACTWG), di chuyển doanh nhân (BMG), khoa học đời sống và đổi mới (LSIF), chuyên gia về khai thác gỗ trái phép và thương mại liên quan (EGILAT), tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), luật và chính sách cạnh tranh (CPLG) và các thủ tục hải quan (SCCP).
Ngày 20/2, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM1) tại Nha Trang đã bước sang ngày thứ 3 với sự tham gia của hơn 580 đại biểu đến từ 21 quốc gia thành viên APEC
Các nhóm chống tham nhũng và minh bạch hóa, di chuyển doanh nhân đã kết thúc cuộc họp đầu tiên của năm 2017 với việc thông qua chương trình hoạt động và các ưu tiên công tác trong năm 2017. Các đại biểu đều bày tỏ mong muốn hợp tác, cụ thể hoá các ưu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017, góp phần triển khai mục tiêu chung của Diễn đàn về tự do hóa thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực. Các cuộc họp cũng rà soát việc triển khai các chương trình hợp tác dài hạn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong các lĩnh vực liên quan, nổi bật là Tuyên bố Bắc Kinh về phòng chống tham nhũng, Chương trình Thẻ đi lại doanh nhân (ABTC)…
Tiếp theo các cuộc họp trù bị của hai ngày trước, hôm nay các nhóm tiêu chuẩn và hợp chuẩn và phát triển nguồn nhân lực bước vào cuộc họp chính thức đầu tiên. Cuộc họp của tiêu chuẩn và hợp chuẩn đã tập trung nghe báo cáo tiến độ triển khai Chương trình hành động tập thể về tạo thuận lợi thương mại, cũng như trao đổi về các sáng kiến, dự án về hài hòa chính sách theo các tiêu chuẩn quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn và hợp chuẩn trong lĩnh vực giáo dục…
Trong khi đó, các đại biểu tham dự cuộc họp phát triển nguồn nhân lực đã dành nhiều thời gian thảo luận về kế hoạch hoạt động năm 2017, kế hoạch chiến lược của nhóm trong thời gian tới cũng như đánh giá lại hiệu quả hoạt động của nhóm trong năm qua. Các đại biểu đều nhấn mạnh hợp tác về phát triển nguồn nhân lực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017, cần góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư, hướng tới tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội và thịnh vượng của các nền kinh tế thành viên. Với mục tiêu này, nhóm thống nhất sẽ thúc đẩy công tác chuẩn bị để tổ chức thành công “Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số” tại thành phố Hà Nội vào tháng 5 tới.
Đoàn Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt vai trò chủ nhà, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng đã tham dự và phát biểu khai mạc các cuộc họp liên quan. Các Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng) và Thanh tra Chính phủ đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch của các cuộc họp liên quan. Qua đó Việt Nam đã chia sẻ kết quả triển khai nhiều sáng kiến, trong đó có dự án “Thúc đẩy thương mại hóa và đầu tư đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiềm năng,” hội thảo “Thu hút sự tham gia của xã hội vào công tác phòng chống tham nhũng”...
Đại biểu từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tham dự các cuộc họp nói trên đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam, trong bối cảnh đây là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của quốc tế và các nước trong khu vực.
Các hoạt động giao lưu văn hóa và giới thiệu về đất nước, con người của nền kinh tế chủ nhà là một nét đặc trưng của Diễn đàn APEC. Trong ngày 20/2, các đại biểu Nhóm Cơ chế đối tác chính sách khoa học, công nghệ và Đổi mới APEC đã thăm quan Viện Hải dương học và Tháp Bà Ponagar - những địa điểm du lịch hấp dẫn và tiêu biểu của Xứ trầm hương.
Họp nhóm công tác về chống buôn bán, chặt phá rừng
Trong khuôn khổ Hội nghị, Nhóm công tác về chống buôn bán và chặt phá rừng bất hợp pháp (EGILAT) đã tiến hành cuộc họp nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững, chống buôn bán, phá rừng trái phép, nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC về thương mại gỗ hợp pháp.
Cuộc họp tập trung thảo luận, tìm kiếm các biện pháp tăng cường mối liên kết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho mục đích nói trên; đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa những hộ nông dân trồng rừng quy mô nhỏ với những công ty chế biến gỗ xuất khẩu đa quốc gia nhằm tăng giá trị cây trồng, đảm bảo chỉ có gỗ khai thác hợp pháp được đưa vào chuỗi cung ứng chế biến xuất khẩu.
Thông tin từ diễn đàn cho biết, diện tích rừng của các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương chiếm khoảng 53% diện tích rừng thế giới, chiếm 60% tổng sản lượng sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới, chiếm 80% tổng giá trị thương mại gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu.
Nhiệm vụ của mỗi nền kinh tế là phải bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững, thông qua việc thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp. Nhóm công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về chống khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp (EGILAT) đã được thành lập từ năm 2011.
Từ đó đến nay, Nhóm này đã thực sự trở thành một diễn đàn rất hiệu quả cho các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, quan điểm, bài học kinh nghiệm, những thành công, vấn đề liên quan đến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, đối với Việt Nam, những nỗ lực ngăn chặn phá rừng, thực thi pháp luật, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, từng bước chuyển từ nhiều rừng sang rừng có chất lượng tốt hơn… đã đạt được những kết quả tích cực. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2000-2015, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% năm 2010 lên 40,84% năm 2015.