Dù có biến đổi như thế nào thì cái gốc vẫn còn đó. Sự biến đổi chỉ là làm cho phù hợp với thời đại, cả về công năng lẫn thị giác”- NTK Thủy Nguyễn.
Cơn sốt mang tên "Áo dài cách tân"
Đó là nhận định của NTK Thủy Nguyễn, người được mệnh danh là “người đàn bà của gấm” với những thiết kế mang đậm hồn Việt mà vẫn có hơi thở của cuộc sống hiện đại khi mà áo dài cách tân đang lên ngôi, thậm chí là tạo cơn sốt từ Tết Đinh Dậu 2017 cho tới nay.
Hoa hậu Mỹ Linh và Á hậu Thanh Tú diện áo dài dạo phố
Thay vì diện những bộ váy đầm sành điệu để đi chơi Tết thì nhiều người lại lựa chọn áo dài để du xuân. Đáng chú ý nhất phải kể đến những mẫu áo dài từ chất liệu gấm sang trọng, tinh xảo. Khi đó, tà áo dài được xem như một kiểu áo nằm tách riêng khỏi tổng thể trang phục truyền thống và được kết hợp với nhiều kiểu quần phong cách như jeans, quần ống rộng, quần culottes...
Bằng sự đột phá về chất liệu, kiểu dáng, các nhà thiết kế nổi tiếng về mảng áo dài như Thủy Nguyễn, Anh Thư, Thuận Nguyễn, Đức Hùng... đã tạo nên những thiết kế áo dài sang trọng, cách tân xứng đáng để xuất hiện tại một sự kiện mang tính giải trí.
Đó là những tà áo dài cách điệu về kiểu dáng nhưng vẫn giữ được các chi tiết truyền thống. Các người đẹp showbiz thường lựa chọn áo có màu sắc bắt mắt, dễ gây chú ý hoặc in họa tiết mang hơi thở hiện đại, đồng thời kết hợp thêm những món phụ kiện tạo vẻ hiện đại như xắc tay, giày cao gót. Bên cạnh đó, chiếc mấn đội đầu cũng được cách điệu để tạo thành một món phụ kiện độc đáo.
Cũng phải nói thêm rằng, chưa bao giờ tà áo dài Việt lại được yêu chuộng nhiều đến như thế tại các sự kiện giải trí trong nước, gắn liền với các ngôi sao hàng đầu.
Không thể thiếu hiểu biết mà xúc phạm áo dài Việt
Nếu chỉ dừng ở đó thì đâu có cuộc tranh luận gay gắt trong những ngày vừa qua liên quan đến những mẫu áo dài được kết hợp với chân váy, thậm chí là váy đụp vừa rộ lên những ngày Tết cổ truyền 2017 vừa qua. Có lẽ, sự cách tân, sức sáng tạo này đã vượt ra khỏi cái gọi là áo dài truyền thống.
Nói như NTK Thủy Nguyễn, tất cả các giá trị đều được nuôi dưỡng và có gốc gác, nên chưa có một ai trong giới thời trang gọi đây là áo dài. “Người đàn bà gấm” cho rằng đây chỉ là trào lưu tự phát trong giới trẻ, là quyền cá nhân của con người, nhưng đã là trào lưu tự phát và không được xã hội ủng hộ thì chắn chắn nó sẽ nhanh chóng tắt.
Thay vì vạt áo dài như trước, đi kèm với những chiếc quần dài như truyền thống, thì áo dài cách tân của năm 2017 lại là sự kết hợp của vạt áo ngắn với chân váy đụp hay chân váy hiện đại. Vạt của những chiếc áo dài thậm chí được cắt ngắn quá đầu gối, chất liệu được may từ lụa, gấm thô với đủ màu sắc sặc sỡ hình rồng, phượng, hoa đào, hoa mai... Thay cho quần dài là chiếc váy bồng bềnh xếp ly có vẻ giống chiếc váy đụp mà các bà, các cụ vẫn mặc ngày xưa. Có ý kiến cho rằng những chiếc áo dài này “Tấm Cám không ra Tấm Cám, Xúy Vân không ra Xúy Vân, Thị Nở không ra Thị Nở...”, đang gây tranh cãi gay gắt trong cộng đồng.
“Năm trước là áo dài mặc với quần ống bó, thôi thì cũng tạm chấp nhận dù nhìn hơi không giống ai cho lắm, giống như sữa pha với nước mắm để uống buổi sáng. Năm nay các chị em chân cò cẳng nhện bơi trong cái váy đụp, bên trên là thân áo dài, ôi thôi, mắm tôm pha với ca cao"- nhà báo Hoàng Nguyên Vũ phải thốt lên như thế.
NTK Sỹ Hoàng cho rằng những bộ trang phục mà các bạn trẻ đang mặc và gọi là áo dài cách tân thực chất là trang phục mùa hè của người Trung Quốc. Đồng quan điểm với anh, NTK Anh Thư bày tỏ: “Nếu gọi bộ trang phục một số bạn trẻ đang mặc như thân áo dài với váy là trang phục dân tộc là không đúng. Nói đúng hơn đó là những bộ trang phục biến tấu từ áo sẩm, sườn xám của Trung Quốc. Từ cách đây nhiều năm, tôi sang Trung Quốc và nhìn thấy những bộ trang phục như thế này bày bán ở chợ và người ta mặc rất nhiều. Có thể người Việt mình sang Trung Quốc thấy hay hay mang về rồi may nhái theo như thế. Hoặc người ta nhập hàng về bán nguyên bộ, giá cũng mềm, nhìn lạ lạ nên nhiều người mua. Những bộ trang phục thế này, ở một số chợ lớn Sài Gòn bày bán rất nhiều, có thể hàng Trung Quốc cũng có thể là hàng nhái”.
Còn nhà thiết kế Đức Hùng kiên quyết: “Tôi khẳng định luôn, đó không phải áo dài Việt Nam. Nếu chúng ta cổ xúy, ủng hộ kiểu áo dài cách tân phối với váy đụp này thì hình ảnh tà áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ bị mai một đi. Nếu cho rằng bộ trang phục đó là áo dài dân tộc là sai lầm của người sử dụng. Tôi cũng mong những người đang sử dụng trang phục này đừng nghĩ đó là áo dài truyền thống mà hãy coi đó là bộ cánh thời trang mang tính giải trí”.
Cũng như chia sẻ của NTK Thủy Nguyễn, theo NTK Đức Hùng thì sự cách tân nào cũng chỉ có giới hạn. Nếu cứ biến tấu một cách thiếu hiểu biết rồi coi đó là trang phục truyền thống rồi dần dần các thế hệ sau cũng nhìn nhận lệch lạc đi về trang phục dân tộc.
Là một trong những người khởi xướng phong trào mặc áo dài dịp Tết cổ truền vừa qua, MC Phan Anh cho rằng chuyện áo dài cách tân thực ra không có gì đáng bàn nếu những người thiết kế, người mặc hiểu rõ nét đặc trưng của nó, và hiểu rõ bối cảnh không gian văn hoá mà mình mặc. Nhưng việc nhiều người đã mặc một trang phục xuất xứ từ Trung Quốc và gọi đấy là áo dài cách tân thì anh cho là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng và cần phải lên tiếng để bảo vệ nét đẹp văn hoá của tà áo dài truyền thống Việt Nam. Ai thích mặc cứ mặc, đó là quyền của họ, song không thể thiếu hiểu biết mà xúc phạm tà áo dài Việt.