Sáng nay (7/7), gần 1 triệu thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trong thời gian 120 phút.
Tại điểm thi Trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân), từ 6h sáng, trường đã mở cổng, bắt đầu đo nhiệt độ cho thí sinh. Nhà trường kẻ lối đi, vẽ mũi tên phân luồng để tiết kiệm thời gian kiểm tra sức khỏe cho thí sinh. Sau khi đo nhiệt độ, các em rửa tay và di chuyển lên phòng thi. Phía ngoài cổng, phụ huynh dựng xe thành hàng, nhiều người đợi đến khi con vào phòng thi mới rời đi.
Với tâm trạng hồi hộp, thí sinh Đinh Bích Ngọc (THPT Yên Hòa, Hà Nội) chia sẻ, cả đêm qua em thao thức không ngủ được, sáng nay có mặt rất sớm ở điểm thi để tránh bị tắc đường và cũng phần nào yên tâm hơn là ngồi ở nhà đợi gần đến giờ mới đi.
"Em chọn môn Ngữ văn để xét tuyển vào đại học nên cũng tự ra những tiêu chí khắt khe hơn trong việc ôn luyện. Hầu hết các bài văn và bài thơ trong chương trình lớp 12 và 11 em đều học thuộc lòng và cố gắng hiểu được chính xác nội dung câu chuyện muốn gửi gắm điều gì.
Em không dự đoán trước đề thi, như thế rất dễ bị "học tủ" rồi "lệch tủ" với em tác phẩm nào cũng được, em muốn được làm luôn bài ngay lúc này".
Phạm Thùy Linh được mẹ chở đến điểm thi Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, em thức dậy từ sớm kiểm tra dụng cụ thi, khẩu trang và gel kháng khuẩn. Gặp các bạn ở hành lang, em và mọi người mang tài liệu ôn lại một số nội dung. "Em khá lo lắng, môn Văn không phải là sở trường nên cố gắng tập trung ôn nhiều", nữ sinh nói.
Lê Việt Anh, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, có mặt tại điểm thi từ 6h30. Thi tổ hợp D01, Văn là một trong ba môn trọng tâm (cùng Toán, tiếng Anh) để xét tuyển đại học, Việt Anh tỏ ra lo lắng, liên tục xoa hai tay vào nhau, rồi lại vỗ vào chân. Nam sinh thích phần thơ hơn truyện ngắn và mong đề thi vào bài Việt Bắc. "Em mong Văn được khoảng 7,5-8, vào đúng phần em đã ôn", nam sinh nói, đặt mục tiêu 22-23 điểm để trúng tuyển vào Học viện Tài chính.
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.002.432, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi được thực hiện khẩn trương, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương với 2.243 Điểm thi với 42.293 phòng thi.
Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.