An toàn thực phẩm: Đừng để có lỗi với người dân

Bảo Nam| 03/04/2016 18:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

An toàn thực phẩm không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của cả các nước phát triển. Điều quan trọng là chúng ta làm gì để hạn chế và đẩy lùi thực phẩm bẩn đang ngày càng tràn lan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Phát biểu trước Quốc hội chiều 1/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nói: “Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng hóa chất kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy, đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn, nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Vì thế nên có vấn đề rất lớn, chúng tôi đang chỉ đạo để làm sao giúp cho nhân dân biết được, yên tâm để tiêu dùng và phải tiếp tục ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm không an toàn”.

Nếu quả đúng như phát biểu của ông Bộ trưởng, thì có lẽ vấn đề an toàn thực phẩm ở nước ta không đáng bàn nữa, và người dân có thể yên tâm về bữa cơm hàng ngày của gia đình mình. Nhưng thực sự có đúng là như vậy, và có thật là người dân không biết?

An toàn thực phẩm: Đừng để có lỗi với người dân

Cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ thực phẩm bẩn

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong năm 2015, toàn quốc ghi nhận 171 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Mỗi năm, nước ta có thêm 150.000 ca mắc ung thư mới và 75.000 ca tử vong, mà nguyên nhân phần nhiều do thực phẩm bẩn, đó là những con số bề nổi. Hậu quả nặng nề do thực phẩm bẩn đang hàng ngày bào mòn sức khỏe nhân dân, làm suy yếu nòi giống dân tộc thì không thể thống kê.

Cần phải nói rằng an toàn thực phẩm không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề của  cả các nước phát triển. Ngay ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 75 triệu ca tiêu chảy liên quan tới thực phẩm. Nói như vậy để không nên chủ quan cho rằng đa số thực phẩm an toàn vì có thể hôm nay lấy mẫu an toàn thì ngày hôm sau cũng cơ sở đó lại sản xuất thực phẩm bẩn.

Hiện nay, mặc dù nông sản, thực phẩm của Việt Nam được xuất khẩu đi khoảng 120 nước và vùng lãnh thổ, nhiều món ăn, thực phẩm của Việt Nam được du khách khen ngợi nhưng mối lo về mất an toàn thực phẩm vẫn tồn tại.

Chẳng hạn như tỉ lệ tồn dư chất bảo vệ thực vật, kháng sinh, kim loại nặng trên các nông sản của chúng ta còn chiếm tỉ lệ cao; tình hình nhập lậu thực phẩm qua biên giới rất phức tạp. Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm từ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn hiện hữu; thực phẩm không đảm bảo chất lượng còn đang được lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm, các nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, thức ăn tại các khu vực du lịch, lễ hội, bến tàu, bến xe vẫn không đảm bảo… đang trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trả lời báo chí, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho rằng,  vấn đề Việt Nam trở thành nơi tiêu thụ thực phẩm bẩn của thế giới vẫn là nguy cơ thường trực.

Nguyên nhân của thực phẩm bẩn là rất nhiều. Đầu tiên là tập quán canh tác của hơn 10 triệu hộ nông dân vẫn chưa thay đổi. Hình ảnh người nông dân sau khi phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật mang bình phun súc rửa ở sông ngòi hay chuyện dùng nước cống rửa rau, tưới rau bằng dầu luyn vẫn thường xuất hiện trên báo. Thêm vào đó, điều kiện vệ sinh, kiến thức về sử dụng phụ gia của khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm vẫn còn rất yếu kém.

Nguyên nhân khác là hệ thống quản lý, thanh tra an toàn thực phẩm vừa thiếu, vừa yếu, lại chưa được đào tạo chính quy và bản thân các cơ quan này chưa và không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Những chuyện đó, người dân đều biết cả, nhưng muốn có thực phẩm sạch thì phải vào siêu thị lớn, và trong khi đa số người dân còn có mức thu nhập thấp thì dù biết là bẩn vẫn cứ phải… ăn.

Nói như vậy để thấy rằng, để kết luận về tình trạng thực phẩm bẩn không thể chỉ dựa vào những mẫu kiểm định và những bản báo cáo, bởi không có một cơ quan nào có đủ khả năng, nhân lực để kiểm định hàng triệu hộ nông dân, hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.

Nhiều người nói rằng thực phẩm bẩn là do pháp luật chúng ta chưa nghiêm, đó chỉ là một phần. Hiện mức phạt về hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đối với tổ chức tối đa là 200 triệu đồng. Nếu mức phạt đó không tương xứng với hành vi vi phạm thì cho phép phạt gấp bảy lần tổng giá trị hàng hóa vi phạm.

Ngoài ra còn có hình thức phạt bổ sung như rút giấy phép, công khai thông tin những cơ sở, tổ chức vi phạm. Sắp tới, từ ngày 1/7 khi  Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, cho phép xử lý hình sự hành vi sử dụng chất cấm mà chưa cần có hậu quả ngay.

Như vậy, quy định của pháp luật cũng khá đầy đủ, và hình phạt cũng là đủ tính răn đe. Vấn đề là các cơ quan được giao trách nhiệm xử lý sẽ thực hiện như thế nào. Như bà Trần Việt Nga nói: Công cụ thì chúng ta đã có, nếu không làm tốt thì chúng ta có lỗi với nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn thực phẩm: Đừng để có lỗi với người dân