Vụ Trưởng ban tiếp công dân Trung ương bị hành hung: Xử lý nghiêm những người có hành vi gây rối

Mai Thoa| 01/06/2016 08:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc Trưởng ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Hồng Điệp bị một số người đi khiếu kiện hành hung, gây thương tích. Đây là hành vi đáng lên án và phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Có tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng việc khiếu kiện của công dân

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ khi xảy ra vụ việc xô xát, hành hung lãnh đạo Ban tiếp công dân Trung ương, đến nay tình hình tại trụ sở Ban vẫn rất phức tạp; có đông người dân đến khiếu kiện tập trung la ó, đập cổng đòi xông vào bên trong khu làm việc, trong khi lực lượng bảo vệ mỏng rất vất vả để ngăn cản các đối tượng quá khích trèo tường, trèo cổng để vào bên trong…

Báo cáo của Ban tiếp công dân Trung ương cho thấy, tình trạng này xảy ra từ trước và trong bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tình hình khiếu kiện của công dân tại trụ sở Tiếp công dân của Trung ương vẫn diễn ra phức tạp, đoàn đông của các địa phương kết hợp với các đối tượng khiếu kiện đơn lẻ gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực lên các cơ quan tiếp công dân và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường tại trụ sở. Đáng chú ý những đối tượng này dùng băng rôn, hô khẩu hiệu để quay phim chụp ảnh đưa lên các trang mạng xã hội như facebook...

Tình trạng công dân vi phạm Nội quy trụ sở (căng băng rôn, khẩu hiệu, la hét, cởi quần áo, dựng lều trước cổng trụ sở; chặn xe, đập phá cổng…) ngày càng gia tăng; một số đối tượng có thái độ thiếu nghiêm túc, lời nói xúc phạm cán bộ, công chức tiếp công dân, khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền vận động thì có thái độ quá khích, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công cán bộ. Điển hình như công dân Phạm Xuân Thái, tỉnh Nam Định đấm vào mặt cán bộ tiếp công dân Ban Nội chính Trung ương; một số công dân ở An Giang dùng đá đập vào cổng sắt cơ quan gây tiếng động lớn, khi lực lượng bảo vệ nhắc nhở thì bị những người này xô ngã; một số đối tượng khác cũng có hành vi chửi bới xô xát với cán bộ tiếp công dân, thậm chí còn đuổi đánh, túm áo, tấn công cán bộ Công an phường Quang Trung khi lực lượng này xuống tham gia bảo vệ…

Vụ Trưởng ban tiếp công dân Trung ương bị hành hung: Xử lý nghiêm những người có hành vi gây rối

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương

Đỉnh điểm của tình hình phức tạp này là ngày 24/5 vừa qua, một số đối tượng quá khích đã có hành vi túm áo, xô đẩy, cào cấu Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp ngã đập đầu vào gốc cây tại sân trụ sở khiến dư luận rất bức xúc.

 Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cho hay, thời gian vừa qua, có tình trạng một số phần tử xấu, lợi dụng việc khiếu kiện xúi giục bà con, kích động công dân tập trung đông  người căng băng rôn, khẩu hiệu gây mất trật tự tại trụ sở. Việc các công dân khiếu kiện chây ỳ không trở về địa phương, thường xuyên tập trung tại trụ sở tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về tình hình an ninh trật tự tại đây. Đặc biệt từ khi diễn ra hiện tượng khiếu kiện, hành hung cán bộ và lực lượng bảo vệ gây thương tích nặng như việc công dân Phạm Thị Thuận (Thanh Hóa) dùng dao chém cán bộ của Ban gây thương tích nặng hồi đầu năm 2016, cùng những lời lẽ đe dọa sẽ hành hung tiếp của công dân đã gây hoang mang, lo lắng cho các cán bộ tiếp công dân tại đây.

Những giải pháp khả thi

Theo quy định hiện hành, nhiệm vụ của Ban Tiếp công dân Trung ương là tổ chức tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của công dân, nhất là những đơn thư, khiếu nại tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Với trách nhiệm của mình, Ban Tiếp công dân cũng đã tiếp nhận phản ánh, đơn thư của công dân và hướng dẫn họ thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời liên hệ với các lãnh đạo địa phương có đoàn khiếu kiện đông người lưu lại dài ngày vận động, bố trí đưa công dân trở về địa phương; tham gia tiếp, đối thoại với công dân tại một số tỉnh có những vụ việc bức xúc kéo dài.

Chỉ thị số 35/-CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác. Theo đó, người đứng đầu tổ chức đảng, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân…

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, qua công tác tiếp dân, xử lý đơn thư cho thấy nhiều trường hợp khiếu nại đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết đúng quy định, nhưng công dân vẫn tiếp tục có khiếu nại. Song trong số đó, cũng nhiều trường hợp công dân bức xúc do chính quyền địa phương chưa giải quyết kịp thời, hoặc giải quyết không đúng, không đủ; hoặc giải quyết đúng, đủ nhưng tuyên truyền không hiệu quả, không đến nơi đến chốn dẫn đến tình trạng dân bức xúc phải kéo ra Trung ương. Còn theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng TTCP, qua thanh tra công vụ thấy rằng, Chủ tịch UBND các cấp ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc, chưa rõ ràng theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Tiếp công dân. Do đó vụ việc không được giải quyết kịp thời, chất lượng giải quyết khiếu nại chưa tốt, chưa khách quan. Công dân chưa tin việc giải quyết ở cấp cơ sở nên khiếu kiện vượt cấp lên các cơ quan Trung ương.

Trước thực trạng như vậy, các ý kiến cho rằng, giải pháp đưa ra là phải công khai minh bạch việc thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế xã hội mà người dân có quyền lợi hoặc quyền lợi bị xâm phạm; chăm lo cuộc sống cho người dân bằng những chính sách an sinh xã hội để họ đảm bảo ổn định cuộc sống. Tăng cường thanh tra trách nhiệm công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu xem có đúng là đã tiếp công dân hay không? Lãnh đạo địa phương nào để công dân khiếu kiện dài ngày, lâu ngày phải xem xét đánh giá lại năng lực lãnh đạo, phải kỷ luật, thuyên chuyển công tác... Có một thực tế là một số nơi chính quyền còn ngại, sợ đụng chạm, đổ lỗi do hậu quả từ lịch sử để lại, sai sót do lớp lãnh đạo cũ…

Cùng với đó là Luật Tiếp công dân hiện nay đang có những bất cập, cần sửa đổi. Đó là địa vị pháp lý của Ban tiếp công dân Trung ương hiện nay chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ vì hiện nay chỉ là một đơn vị cấp Vụ của TTCP. Ông Điệp cũng đề nghị, về lâu dài mong rằng các cơ quan Nhà nước, kể cả các đại biểu Quốc hội, Cơ quan của Đảng, MTTQ… khắc phục tình trạng chuyển đơn lòng vòng, làm cho người dân không biết đơn của mình sẽ đi đâu, về đâu...

Từ vụ việc trên, dư luận cho rằng, ai làm sai cũng phải bị xử lý nghiêm minh, người dân hay cán bộ làm sai cũng phải xử lý theo luật định. Không thể để tinh thần thượng tôn pháp luật bị mai một, khi tình trạng quá khích gây hậu quả nghiêm trọng của công dân bị tái diễn hay việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cao của công dân không được chú trọng từ các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ Trưởng ban tiếp công dân Trung ương bị hành hung: Xử lý nghiêm những người có hành vi gây rối