Vụ kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang: Xử lý thế nào?

Đỗ Việt| 08/04/2016 16:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc người dân bức xúc đánh hội đồng khiến đối tượng trộm chó tử vong là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”.

Người dân “tự xử”  kẻ trộm chó

Trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ trộm chó gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm mất an ninh trật tự. Thủ đoạn trộm chó của những đối tượng này ngày càng tinh vi, trắng trợn, đặc biệt hơn đối tượng trộm chó còn tấn công lại những người phát hiện bằng những công cụ tự chế, vũ khí nguy hiểm như súng bắn điện, dùi cui điện, dao, kiếm … gây ra những cái chết oan uổng cho người khác. Bức xúc trước những hành vi đó nhiều người dân đã đánh những kẻ trộm chó và vô tình vướng phải vòng lao lý.

Điển hình như vụ việc xảy ra tại làng Danh Thượng 2 xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang vào đầu tháng 9/2013. Hai kẻ trộm chó là Đặng Văn Thịnh (41 tuổi ở xã Danh Thắng) và Đặng Bá Đông (37 tuổi ở xã Xuân Cẩm) vào làng bắt trộm chó.

Khi bị người dân phát hiện và truy đuổi, các đối tượng bỏ chạy nhưng không thoát. Trước khi bị đánh hội đồng đến chết, cả hai đối tượng đều tấn công người dân rất quyết liệt bằng hung khí gồm roi điện, dao, gậy.

Vụ kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang: Xử lý thế nào?

Hai đối tượng trộm chó bị dân đánh hội đồng

Khi cơ quan Công an có mặt thì hai kẻ trộm chó đều đã tử vong. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố 7 đối tượng để điều tra. Nhưng sự việc trở nên phức tạp khi khoảng 800 hộ dân ở trong và ngoài làng Danh Thượng 2 cùng đứng ra nhận tội đánh chết kẻ trộm chó.

Mới đây nhất, vào trưa ngày 5/4, tại khu vực  ngòi Cầu Sim (xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) một người đàn ông trộm chó đã bị người dân bắt giữ. Nhận được tin báo Công an đã tới hiện trường và phát hiện đối tượng trên bị thương tích nên đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng người đàn ông này đã tử vong tại bệnh viện.

Qua xác minh, Công an huyện Việt Yên làm rõ danh tính người tử vong là Võ Văn Tính (SN 1969, trú tại phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh). Vào khoảng 11 giờ cùng ngày, Tính trộm một con chó tại thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên thì bị người dân phát hiện truy đuổi.

Tính nổ xe máy bỏ chạy, vừa chạy vừa rút khẩu súng ngắn (súng K54) bắn vào đám đông, tuy nhiên đạn không trúng ai. Tới khu vực ngòi Cầu Sim thì Tính bị người dân bắt giữ, đánh đập.

Vi phạm pháp luật

Có thể thấy những bức xúc của người dân khi bị mất đi những con vật yêu quý, gắn bó với gia đình họ thậm chí như một thành viên trong gia đinh là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ vì vậy mà kẻ trộm chó bị đánh chết thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Những người tham gia đánh hội đồng khiến kẻ trộm chó chết chắc hẳn cũng sẽ hối hận, day dứt về việc làm của mình khi bình tâm, suy nghĩ lại, bởi dù sao họ cũng đã tước đi mạng sống của một con người trái pháp luật.

Vụ kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang: Xử lý thế nào?

Việc đánh chết trộm chó là vi phạm pháp luật

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng Luật sư Interla (Đoàn luật sư  Hà Nội) để có cái nhìn chân thực nhất về vụ việc.

Phóng viên: Thưa Luật sư, việc người dân bức xúc đánh hội đồng kẻ trộm chó dẫn đến tử vong có vi phạm pháp luật hay không và bị xử lý như thế nào?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Trong vụ việc trên, mặc dù khi bị người dân phát hiện và truy đuổi đối tượng trộm chó đã rút súng quân dụng giấu trong áo bắn nhiều phát vào những người truy đuổi là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng của người khác.

Tuy nhiên, việc người dân bức xúc đánh hội đồng khiến đối tượng trộm chó tử vong là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự theo tội danh “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” Điều 95 Bộ luật hình sự:“Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Hoặc bị truy cứu về tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo quy định tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự:“Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người mà tỷ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.

Ngoài ra những người này còn có thể còn bị truy cứu về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự.

Phóng viên: Tình trạng gia tăng của những vụ người dân đánh chết trộm chó có đáng lo ngại?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Việc liên tiếp xảy ra những vụ người dân đánh chết trộm chó là rất đáng lo ngại và gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Trước hết, nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có nghĩa là không có ai ở trên luật hay ngoài luật mà mọi người đều phải tuân theo pháp luật. Việc người dân tự ý xử lý và đánh chết kẻ trộm chó là vi phạm quy định của pháp luật bởi việc xử lý hành vi vi phạm hay phạm tội thuộc quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước theo luật định.

Nếu người dân cứ tự ý xử lý không tuân theo pháp luật và hành vi này không bị xử lý nghiêm minh thì sẽ dẫn đến những tiền lệ xấu, pháp luật không được coi trọng. Mọi người tự ý hành xử theo ý muốn, cảm xúc của mình và sẽ dẫn đến một xã hội hỗn loạn, mất kiểm soát.

Phóng viên: Trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi để xảy ra vụ việc trên bị xử lý như thế nào thưa luật sư?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Khi người dân phát hiện tội phạm cần phải báo ngay cho Công an hoặc Cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý ngăn chặn tội phạm. Trong trường hợp này người dân không báo cho Công an mà lại tự ý xử lý nên không thể quy trách nhiệm của chính quyền và cơ quan chức năng được. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu nguyên nhân xảy ra tình trạng trộm chó để tìm ra những giải pháp ngăn ngừa, phòng chống tội phạm tránh những sự việc tương tự, đáng tiếc xảy ra.

Việc trộm chó diễn ra ngày càng nhiều cũng do nguyên nhân nhu cầu ăn thịt chó của người Việt Nam. Tính trung bình hàng năm chúng ta tiêu thụ hơn 5 triệu con chó từ việc buôn bán chó nuôi, bắt trộm chó và buôn lậu bất hợp pháp. Thiết nghĩ nếu chúng ta hạn chế việc ăn thịt chó đồng thời nâng cao đời sống, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao mức sống cho người dân thì chắc chắn sẽ không có những vụ trộm chó xảy ra.

Bên cạnh đó cần phải xử lý thật nghiêm minh những đối tượng ăn trộm chó, tuyên truyền, giáo dục họ để họ hiểu rõ hành vi vi phạm của họ. Việc này giúp làm giảm đi những bức xúc của người dân và đem lại niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật tránh xảy ra việc vướng vào vòng lao lý khi tự ý hành xử những người trộm chó.

Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú)Rất khó để quy trách nhiệm chính quyền địa phương

Rất khó để quy trách nhiệm chính quyền địa phương, vì sự cuồng nộ của người dân chỉ diễn ra trong vài phút, chính quyền địa phương chưa kịp can thiệp. Nếu chính quyền địa phương đã có mặt kịp thời khống chế được kẻ trộm chó  nhưng để nhân dân đánh là có lỗi.

Về nguyên tắc, mọi hành vi phạm tội đều được xử lý theo quy định của pháp luật. Việc người dân “tự xử” kẻ trộm là hết sức đáng lo ngại vì  người dân bị cuốn theo một tâm lý đám đông, mà tâm lý đám đông rất khó kiểm soát.

Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân hiểu. Đặc biệt Hội luật gia các tỉnh thành nên có đoàn công tác tuyên truyền để người dân ý thức hơn việc hành xử ra sao cho đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang: Xử lý thế nào?