Nước mắt người đàn ông 20 năm trốn tội giết người

congly.com.vn| 13/04/2012 11:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần nửa đời người bỏ trốn song cái án giết người thì không thể trốn được nên khi bị bắt, mái tóc đã muối tiêu, người đàn ông này luôn tìm cách tự sát. Còn gì đau đớn hơn khi mà đời người có hạn, án nợ vẫn phải trả trong khi 20 năm bỏ trốn sống chui lủi nào được thanh thản.

Sỹ Hùng được dẫn giải từ phiên tòa về trại giam

Người đàn ông trốn trại vì sợ phải sống 20 năm cải tạo trong tù ấy, giờ tóc muối tiêu vẫn phải hầu Tòa là Nguyễn Sỹ Hùng, SN 1958, trú tại xã Nghi Ân, Tp. Vinh (Nghệ An). Thêm tội trốn trại, cộng với 18 năm tù bị tuyên cách đây 20 năm (do đã cải tạo được 2 năm) về tội giết người, thời gian đi tù của ông ta cứ tưởng được rút ngắn, cuối cùng lại dài hơn ông ta tưởng. Gục mặt vào đôi bàn tay xương xẩu, nước mắt nhạt nhòa khi nhận ra rằng quyết định trốn trại của ông ta cách đây 20 năm thật sai lầm bởi nó chẳng giúp ích gì mà còn kéo dài hơn thời gian đi tù, chưa kể nửa đời người đi trốn luôn sống trong nơm nớp sợ hãi.

Ông ta kể lại cái đêm tay mình nhúng máu người, gây ra tội ác. Đó là đêm 4-3-1982 tại sân vận động giáp ranh giữa xã Nghi Ân và Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, trong khi hàng trăm người đang chăm chú ngước nhìn lên chiếc phông trắng, theo dõi bộ phim “Đến hẹn lại lên” thì ở một góc sân bỗng xảy ra ầm ĩ. Nguyên nhân là chẳng biết thanh niên trong lúc xem phim, hút thuốc lá vô tình làm cháy áo của một cô gái. Vậy là cãi vã xảy ra khi hai nhóm thanh niên xã Nghi Ân và xã Nghi Phong đổ tội cho nhau. Hùng đại diện cho thanh niên xã Nghi Ân nhảy vào ẩu đả với Hoàng Văn Lam, thanh niên của xã Nghi Phong. Máu yêng hùng nổi lên, Nguyễn Sỹ Hùng cầm con dao trong tay bất ngờ đâm nhiều nhát vào ngực Hoàng Văn Lam khiến nạn nhân chết tại chỗ.

Bị tuyên phạt mức án chung thân, Hùng được đưa về cải tạo tại trại giam số 3, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Nhờ cải tạo tốt nên đến năm 1989 Hùng được giảm án xuống còn 20 năm. Đang từ chỗ không biết có ngày trở về đoàn tụ với gia đình, được sang mức án tù có thời hạn, Hùng thấy tương lai mình có hứa hẹn hơn bởi dẫu sao thì vẫn còn hơn cái án chung thân và nếu phấn đấu tốt, biết đâu thời gian ở tù sẽ được rút ngắn. Nghĩ vậy nên Hùng phấn đấu ác lắm, rất chăm chỉ lao động, chấp hành tốt các nội quy và tích cực tham gia vào các phong trào của phân trại. Đang yên lành tử tế như vậy thì Hùng mắc bệnh và chuyển vào khu bệnh xá điều trị ấy là bước ngoặt lớn thứ 2 sau lần giết người của cuộc đời Hùng.

Theo lời Hùng kể thì những ngày nằm điều trị bệnh ở trạm xá, Hùng được 2 phạm nhân cũng nằm điều trị ở đây hỏi chuyện. Cùng cảnh lao tù, họ dễ dàng cởi mở trò chuyện với nhau và rồi chẳng hiểu sao những câu nói của họ rằng ở tù đủ 20 năm thì coi như hết đời, lúc mãn hạn tóc bạc, nghề không, tiền không thì làm gì còn tương lai… khiến Hùng trằn trọc mãi. Đêm 5-3-1991, xuôi tai trước những lời tỉ tê của 2 bạn tù, Hùng đã cùng họ chui qua cửa sổ khu y tế của trại giam rồi cắm đầu chạy. Vượt khỏi trại tù được 500m thì bị quản giáo và bảo vệ phát hiện, cả 3 chia làm 3 hướng khác nhau, riêng Nguyễn Sỹ Hùng băng theo bìa rừng chạy sang huyện Anh Sơn, xuống huyện Đô Lương rồi mò xuống Tp. Vinh. Sau khi xin được một ít tiền, Hùng bắt xe thẳng vào thôn Tân Trung A, xã EaToh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi trốn thoát vào Tây Nguyên, Hùng lấy tên là Nguyễn Hữu Vinh sống chui lủi bằng nghề làm thuê, song do nhanh nhẹn nên một thời gian sau anh ta đã mua được đất, lập trang trại trồng cà phê.

Về phần 2 kẻ bỏ trốn cùng Hùng đêm hôm đó, một kẻ bị bắt lại sau đó vài ngày còn một kẻ mãi tới năm 2001 mới bị bắt nhưng thông tin về tù nhân cuối cùng trốn trại Nguyễn Sỹ Hùng vẫn không thấy đâu. Mặc dù vậy nhưng với tội đặc biệt nguy hiểm lại trốn trại thì Hùng không thoát khỏi lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc. Nhiều lực lượng tham gia truy bắt tên sổng tù nguy hiểm này trong đó có các trinh sát bắt truy nã Công an tỉnh Nghệ An. Từ rất nhiều kênh thông tin, kể cả thông tin rất ngắn ngủi của tên trốn trại bị bắt năm 2001, các trinh sát sơ bộ nắm được rằng Hùng đang lẩn trốn ở các tỉnh Tây Nguyên, anh ta đã thay tên đổi họ và cưới vợ, sinh con.

Về phía Hùng, sau khi lấy vợ sinh con, kinh tế gia đình bắt đầu khá giả nhưng lúc nào Hùng cũng khao khát được về quê dù chỉ một lần để xem bố mẹ, anh em giờ sống ra sao. Cứ nghĩ tới quê hương, Hùng lại trào nước mắt để rồi nơm nớp sợ hãi khi nghĩ tới cảnh bị bắt lại. Để thay hình đổi dạng, trốn lệnh truy nã, Hùng tự nhổ hai chiếc răng vẩu của mình rồi đi trồng răng giả, để tóc dài xõa nhằm che đi một số nét không thể thay đổi trên khuôn. Thấy Hùng chăm chỉ biết làm kinh tế nên người dân trong xóm trong đó phần lớn là người ở các tỉnh ngoài Bắc vào lập nghiệp, tín nhiệm, bầu anh ta làm Trưởng xóm. Cứ nghĩ không còn ai nhận diện được mình, Hùng đưa vợ con về thăm quê mà không nghĩ rằng mọi tội ác nếu chưa đền tội thì có bao năm trôi qua đi nữa vẫn phải trả giá. Và việc Hùng giết người, trốn trại không thể nào rơi vào quên lãng cho dù đã 20 năm trôi qua.

Chuyến thăm thân của Hùng diễn ra rất ngắn ngủi rồi Hùng nhanh chóng đưa vợ con trở lại Đắk Lắk song cũng đủ manh mối để các trinh sát phát hiện ra tung tích của kẻ đào tẩu.

Một buổi sáng, tại ngôi nhà khang trang của Trưởng xóm Nguyễn Hữu Vinh, chủ nhà đi vắng, chỉ có vợ và 4 con ở nhà, người vợ của ông xóm trưởng tỉ tê kể chuyện gia đình, khoe rằng chồng mình cũng là người từ Nghệ An vào lập nghiệp. Qua những bức ảnh treo trên tường, các trinh sát xác định Nguyễn Hữu Vinh chắc chắn là tù trốn trại Nguyễn Sỹ Hùng.

Thấy những thương lái cà phê từ Nghệ An vào có vẻ cởi mở, thật thà, người vợ mời mọi người ở lại và đi gọi chồng về nói chuyện. Sau một hồi hàn huyên, tâm sự, bất ngờ, một trinh sát sang vỗ vai ông Trưởng xóm rồi hỏi: “Nguyễn Sỹ Hùng, anh vẫn khỏe chứ?”. Chỉ nghe có vậy, ông Trưởng xóm bật dậy để chạy nhưng đã bị các trinh sát chặn lại và phải ngoan ngoãn tra tay vào còng. Trên suốt đường dẫn giải từ Tây Nguyên về Nghệ An, Nguyễn Sỹ Hùng luôn tìm cách tự tử bằng cách đập đầu vào thành xe chở phạm. Hùng bảo chỉ muốn chết đi cho xong vì lúc phạm tội còn trẻ, trốn tội rồi lấy vợ sinh con, giờ anh ta để tiếng xấu cho vợ con phải chịu nên không đành lòng.

Ngày 21-7-2011, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án trốn khỏi nơi giam giữ ra xét xử. 18 năm tù của lần phạm tội trước đó thi hành còn dang dở, cộng với 10 tháng tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ là cái giá mà Hùng phải trả.

Chủ tọa tuyên án xong, Hùng chỉ còn biết bưng mặt khóc. Nước mắt của sự lỡ một lầm hai và sự ân hận vì để tiếng xấu cho người vợ trẻ và 4 đứa con thơ dại.

Nguyễn Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt người đàn ông 20 năm trốn tội giết người