Kỳ 3: Kẻ thoát án tử hình trên trường bắn

congly.com.vn| 13/04/2012 11:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Được thoát án tử hình ngay tại trường bắn nhưng cũng là lúc Phạm Bá Dìn và Trần Văn Kế chứng kiến trực tiếp cảnh 4 “đồng đội” khác của mình gục xuống sau làn đạn, kết thúc cuộc đền tội.

Dù bản thân từng reo rắc “cái chết trắng” cho bao người, nhưng hắn cũng không kiềm chế nổi, quá sợ hãi rồi ngất lịm…

Trùm đường dây buôn bán ma túy Phạm Bá Dìn

Chân dung “trùm” ma túy

Trong thời gian từ năm 1995 đến 1998, Phạm Bá Dìn (tức Kiểm) sinh năm 1968, trú tại Thành Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa cấu kết với Trần Văn Kế và đồng bọn chặt chẽ với nhau thành một đường dây mua bán ma túy trái phép có quy mô lớn, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Lai Châu… với số lượng ma túy đặc biệt lớn.

Đường dây vận chuyển, buôn bán ma túy theo 2 hướng Điện Biên, Lai Châu và Mường Lát, Thanh Hóa về Hà Nội và Nam Định tiêu thụ. Dìn là người cung cấp phần rất lớn ma túy cho đường dây này.

Đường dây buôn bán ma túy bị triệt phá nhưng tên “trùm sò” Phạm Bá Dìn vẫn còn là ẩn số lớn, nên cuộc điều tra, vây bắt Dìn được lực lượng Công an chuẩn bị khá công phu. Dìn là người dân tộc Thái, nhà nằm sâu trong núi giáp biên giới Lào. Phải mất mấy tháng trời ròng rã, các trinh sát mới lần tìm chính xác tung tích tên trùm cáo già này.

Tuy mới học hết lớp 3 nhưng Dìn sắp đặt và tính toán, chỉ đạo mạng lưới buôn bán hêrôin đâu ra đấy và ranh ma không kém những tên trùm ma túy dưới xuôi. Nhà Dìn giàu nhất vùng, từ năm 1996, khi vùng miền núi dân tộc thiểu số này còn chưa biết đến ánh sáng đèn điện thì nhà Dìn đã có máy phát điện riêng và lắp một ăngten parabol thu tới 60 kênh truyền hình, trong nhà nhiều tiện nghi đắt tiền.

Một số đồng bọn trong đường dây của y đã bị bắt nhưng hắn vẫn “án binh bất động”, đi đâu cũng mang theo súng phòng vệ cẩn mật, hễ thấy động là chuồn ngay vào rừng lẩn trốn.

Đường vào nhà Dìn cực kỳ khó khăn, một bên là vực sâu, một bên là rừng núi hiểm trở và phải đi qua con sông Mã rộng lớn chỉ có con đò ngang duy nhất nhưng lại do người nhà của Dìn chuyên chở, nếu không khéo bị phát hiện, Dìn bỏ trốn vào rừng sẽ khó lòng mà bắt được. Chỉ có con đường từ Lào sang là gần nhất nhưng lại dễ bị động hơn, nên sau khi cân nhắc tính toán kỹ lưỡng, lực lượng Công an quyết định đóng giả người dân đi buôn bán trà trộn hòng đánh lạc hướng.

Đi hết đường ô tô chạy, các chiến sĩ Công an phải đi xe ôm gần 20 km đường rừng, rồi cuốc bộ 15km đường sình lầy, trơn trượt, chỉ cần sơ sểnh có thể lao xuống vực như chơi, lúc đến bản Sơn Thành đã gần một giờ sáng. Lực lượng Công an ngay lập tức được tập hợp, Phạm Bá Dìn bị bắt tại chỗ và đưa đi ngay trong đêm.

Sau đó, đường dây buôn bán trái phép 71 bánh hêrôin và 4,7 kg nhựa thuốc phiện do Phạm Bá Dìn cầm đầu cùng 24 bị cáo được đưa ra xét xử. Đây là vụ án ma túy có quy mô và tính chất nghiêm trọng nhất từ trước tới nay mà TAND tỉnh Thanh Hóa đưa ra xét xử.

Phiên tòa kéo dài 15 ngày trời ròng rã mới kết thúc với 21 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt từ tù chung thân trở lên, 6 án tử hình, còn lại từ 16-20 năm. Để đảm bảo an ninh trật tự cho việc xét xử, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phải huy động gần 400 Cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự quanh phiên tòa.

Cùng thời điểm, một nửa của đường dây buôn bán ma túy của Dìn cũng được đưa ra xét xử tại Nam Định với số lượng bị cáo tương đương, có 6 bị cáo bị tử hình, 5 bị phạt tù chung thân, còn lại là tù 16-20 năm. Nửa đường dây này, bên cạnh những tên tuổi buôn bán ma túy có máu mặt như Nguyễn Thị Tốt, Ngô Văn Đệ, Mai Văn Cao… còn phải kể đến cặp vợ chồng Đinh Thị Dung và Ngô Văn Ngọc.

Trong lúc túng quẫn vì nợ nần cờ bạc, được sự nhiệt tình “giúp đỡ” của Quyết -một “chân rết” của Dìn, Ngọc đã lao vào hút hêrôin rồi sau đó là mua bán kiếm lời. Dung là trợ thủ đắc lực của chồng và biến nhà mình thành nơi trung chuyển “hàng trắng”. Chúng đã mua bán trót lọt 11 chuyến hàng với số tiền hàng tỷ đồng. Cứ nghĩ đơn giản rằng mình giúp đỡ chồng, Dung không ngờ có ngày chồng bị tử hình, còn bản thân mình phải rơi vào vòng tù tội.

Ngày mà Ngọc lĩnh án tử hình, Dung vào “tiếp quản” án chung thân, chỉ còn lại đàn con bơ vơ nheo nhóc, Dung mới thấy hết được tội lỗi của mình gây ra với xã hội, với các con, Dung gào khóc thảm thiết nhưng đã quá muộn màng. Hình ảnh đứa con gái lớn cố chạy theo chiếc xe bít bùng gào khóc thảm thiết “mẹ ơi đừng bỏ con”, đã ám ảnh bất cứ ai có mặt ở phiên tòa hôm ấy.

Phút “thoát” án tử hình ngoạn mục

Việc tổ chức thi hành án đối với 6 tử tù tại Thanh Hóa khá phức tạp vì phải huy động hàng trăm chiến sĩ Công an, bộ đội và một số ban, ngành tham gia làm nhiệm vụ. Ít có vụ xử bắn nào lại có mặt nhiều tử tội đến vậy. Để bắn cùng một lúc 6 tên tử tù, riêng đội bắn phải cần tới 18 chiến sĩ cảnh sát, 18 khẩu súng. Rồi 6 cỗ quan tài, xe chở phạm nhân, lực lượng hỗ trợ thi hành án… được chuẩn bị đầy đủ.

Gần 3 giờ sáng, Hội đồng thi hành án đã có mặt ở trại giam làm các thủ tục trước giờ ra pháp trường. Sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình đọc quyết định bác đơn đề nghị giảm án tử hình với từng bị cáo, trong số 6 tử tù có hai phạm nhân cứ líu ríu không nói nên lời. Thấy có diễn biến bất thường, Hội đồng thi hành án tạm thời dừng lại để xem xét.

Lúc đó Phạm Bá Dìn và Trần Văn Kế mới lập cập xin khai thêm đầu mối nhưng vì quá sợ hãi không nói rõ thành lời. Hội đồng thi hành án yêu cầu lấy giấy bút để hai tên tử tù khai rõ những tình tiết liên quan đến những đường dây mới. Theo quy định của pháp luật, trong những trường hợp như vậy phải hoãn thi hành án để tiếp tục điều tra, nhưng với việc tử hình với 6 bị cáo đã được chuẩn bị tư thế sẵn sàng như vậy nếu phải dừng ngang giữa chừng rất phức tạp và tốn kém.

Mặt khác, tại thời điểm đó, việc xác định lời khai của kẻ tử tù đúng hay đó chỉ là cái “chiêu” để hắn kéo dài thêm sự sống, thật không dễ dàng gì.

Không còn cách nào khác, Chủ tịch Hội đồng thi hành án lúc đó là Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ chỉ đạo: một mặt lấy lại lời khai của Dìn và Kế nhiều lần để xác định là có cơ sở, rồi chỉ đạo lực lượng thi hành án tiếp tục thực hiện kế hoạch bình thường như đã định, một mặt liên hệ xin ý kiến chỉ đạo của TANDTC.

Đoàn xe vẫn cứ đi sâu vào núi, vì đường sá núi non hiểm trở, sóng điện thoại không có, phải gần đến nơi mới liên hệ được với lãnh đạo TANDTC, lúc đó là Phó Chánh án Mai Ngọc Trinh đã chỉ dạo dứt khoát: nếu có cơ sở phải dừng thi hành án để điều tra và đồng ý hoãn thi hành án 2 tử tù, bắn 4 tử tù.

Căng thẳng đã được giải tỏa, Chủ tịch Hội đồng thi hành án ngay lập tức yêu cầu Công an cho dừng bắn hai phạm nhân Dìn và Kế, chỉ thi hành đối với 4 phạm nhân còn lại. Lúc đó, đội dẫn giải đã đưa cả 6 phạm nhân ra pháp trường, trói vào cột chỉ chờ lệnh hành quyết. Dìn và Kế thoát nạn tức thời nhưng chứng kiến 4 “đồng đội” của mình gục xuống đền tội sau loạt đạn, hắn sợ hãi đến ngất xỉu.

Phạm Bá Dìn và Trần Văn Kế được trở về trại giam để chờ kết quả điều tra.

Dìn trở nên lầm lì, ít nói hơn và tích cực hợp tác với cơ quan Công an. Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, Phạm Bá Dìn và Trần Văn Kế có khai thêm một số hành vi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến đối tượng khác. Song những lời khai thêm này không đáng được khoan hồng tha tội chết, nên hai năm sau, Dìn và Kế đều phải lãnh án tử hình.

M.Thoa

Kỳ cuối: Những hồi ức sau tiếng súng pháp trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ 3: Kẻ thoát án tử hình trên trường bắn