Một trong những nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nhận được sự đồng thuận của cả cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và của nhiều ý kiến các ĐBQH là cần thu gọn đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Điều này, góp phần khắc phục được tính hình thức trong kê khai, bảo đảm khách quan, minh bạch trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án. Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.

Phương án 2 quy định, đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1. Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, VPQH, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là ĐBQH chuyên trách thì giao cho UBTVQH kiểm soát.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải sửa đổi mô hình cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Theo đó, cần tăng cường hơn tính tập trung và phù hợp với hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Từ yêu cầu đó, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình thống nhất chọn phương án 2 của dự thảo Luật để tăng cường hơn tính tập trung, bảo đảm khách quan, minh bạch trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu trong kiểm soát tài sản, thu nhập.

Theo dự thảo Luật, cơ quan thanh tra được giao nhiệm vụ thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người kiểm soát việc thanh tra, ai sẽ là người kiểm soát tài sản của cơ quan thanh tra? Riêng Tổng Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có một cơ quan nào kiểm soát. Để bảo đảm mọi đối tượng thuộc diện phải kê khai đều phải chịu sự kiểm soát của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định này vào trong dự thảo Luật.

Một vấn đề khác được đặt ra, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được giao nhiệm vụ nhưng lại không kiểm soát được thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào? Để nâng cao hiệu quả kiểm soát tài sản, thu nhập cũng như trách nhiệm của người đứng đầu, cần có quy định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc kiểm soát thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai kiểm soát?