9 triệu đơn vị máu được tiếp nhận trong một thập kỷ

Thảo Nguyên| 29/04/2018 07:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhìn lại 10 năm trở lại đây (2008 - 2017), phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước đã có những thay đổi rõ rệt, số đơn vị máu tiếp nhận tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước và đạt chỉ tiêu đề ra.


Trước nhu cầu nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị ngày càng trở nên cấp thiết, quyết định sự sống còn của bệnh nhân cần máu trên cả nước, ngày 26/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 - 2017 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2018 - 2022, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, trong 10 năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trong cả nước không ngừng phát triển và thu được kết quả tích cực, số đơn vị máu tiếp nhận tăng nhanh hằng năm cả về số lượng và chất lượng.

Từ năm 2008 đến hết 2017, cả nước đã tiếp nhận được 9.212.670 đơn vị máu hiến tặng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Trong đó, hiến máu tình nguyện là 98%, hiến máu nhắc lại đạt 41,5% và tỷ lệ hiến máu đạt gần 1,6%.

9 triệu đơn vị máu được tiếp nhận trong một thập kỷ

10 năm qua, công tác hiến máu tính nguyện đã thu được nhiều kết quả tích cực

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu máu phục vụ điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã phát huy vai trò trong chỉ đạo tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào hiến máu cứu người, nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân.

Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 447.266 cuộc tuyên truyền, vận động về hiến máu tình nguyện  với 15.482.986 sản phẩm truyền thông. Nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện  được tổ chức sáng tạo, thành công như: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết, Lễ hội Xuân Hồng, Chủ nhật đỏ,…

Cũng trong 10 năm qua, cả nước đã thành lập được 3.363 câu lạc bộ với 135.000 thành viên tham gia như: CLB hiến máu dự bị, CLB máu hiếm, CLB gia đình máu hiếm, CLB vận động hiến máu tình nguyện.

Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh, hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, công tác hiến máu tình nguyện còn gặp các khó khăn, thách thức, đó là: nhu cầu điều trị máu và các chế phẩm của người bệnh tiếp tục tăng; công tác tuyên truyền, vận động hiến máu chưa liên tục, rộng khắp tới mọi người có tiềm năng hiến máu, lực lượng hiến máu chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên; kế hoạch hiến máu thường tập trung vào một số thời điểm, chưa dàn đều các tháng trong năm, nhân lực chuyên trách về công tác vận động hiến máu tình nguyện còn thiếu và kinh nghiệm vẫn còn hạn chế; chưa phối hợp tốt trong tổ chức hiến máu và đơn vị tiếp nhận máu; năng lực bảo quản, sản xuất và cung cấp các chế phẩm máu của các trung tâm máu, các bệnh viện vẫn còn hạn chế; chính sách khuyến khích, động viên người hiến máu cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện. Ở một số thời điểm, nhất là vào dịp Tết, dịp hè, tại nhiều địa phương, khu vực còn tình trạng thiếu máu.

Giai đoạn 2018-2022, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đặt mục tiêu đạt tối thiểu 2% dân số hiến máu và đạt tỷ lệ 100% hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó, tăng dần số lượng người có đủ sức khỏe tham gia hiến máu, đảm bảo cung cấp đủ máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân; đến năm 2022 đạt tối thiểu 2% dân số hiến máu và đạt tỷ lệ 100% người hiến máu tình nguyện.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
9 triệu đơn vị máu được tiếp nhận trong một thập kỷ