Ngày 27/3, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị can liên quan đến vụ án tiêm nhầm vắc-xin dẫn đến cái chết thương tâm của ba trẻ sơ sinh tại Hướng Hóa (Quảng Trị) vào ngày 20/7/2013.
Theo đó, 4 bị cáo bị VKS truy tố gồm: y sĩ Nguyễn Thị Thuận bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”; bị cáo Nguyễn Văn Thiện (Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hướng Hóa), Trần Thị Hải Vân (Y tá trưởng, khoa Sản) và Lê Huỳnh Sơn (Phó Phòng Kế hoạch - tổng hợp) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, sáng ngày 20/7/2013, sau khi nhận y lệnh của bác sỹ, y sỹ Thuận đã viết 3 phiếu tiêm chủng vắc-xin viêm gan B rồi trực tiếp đến tại phòng khám của bệnh viện yêu cầu mở khóa phòng bảo quản vắc xin để lấy thuốc tiêm. Do mất điện nên bà Thuận bật đèn pin điện thoại di động để chiếu sáng, mở tủ lấy 3 lọ thuốc trong hộp giấy không đậy nắp, rồi dùng bơm kim tiêm hút thuốc và tiêm cho 3 trẻ sơ sinh. Sau đó, bà Thuận tiếp tục đi thăm khám cho các bệnh nhân khác.
Đến khoảng 8h30 cùng ngày, khi nghe tiếng kêu cứu của các sản phụ, y sỹ Thuận chạy đến đưa các cháu đến phòng cấp cứu. Tuy nhiên, các cháu đã tử vong ngay sau đó.
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận day dứt trước sai phạm của mình
Biết mình tiêm nhầm thuốc, bà Thuận tức tốc đến tủ lạnh khoa phòng khám lấy hộp thuốc đựng 3 lọ thuốc mà trước đó đã lấy tiêm cho 3 trẻ. Đồng thời, lấy 3 lọ vắc-xin viêm gan B trong tủ lạnh bơm hết thuốc ra và bỏ 3 vỏ thuốc này vào sọt rác nhằm che dấu hành vi sai trái của mình.
Được biết, loại thuốc mà bị can Thuận tiêm cho 3 trẻ dẫn đến tử vong là thuốc Esmeron - thuốc giãn cơ dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc mà bác sỹ gây mê Lê Huỳnh Sơn đã tự gửi vào trước đó. Tại thời điểm này, y sỹ Thuận chưa hề được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về tiêm chủng vắc-xin.
Trong thời gian được ủy quyền quản lý hoạt động của bệnh viện, ông Nguyễn Văn Thiện quyết định cho Khoa dược nhập 50 lọ thuốc Esmeron để dùng cho việc phẫu thuật. Đồng thời, chỉ định Lê Huỳnh Sơn được phép y lệnh và trực tiếp sử dụng thuốc này.
Đến ngày 18/7/2013, Đoàn kiểm tra Sở Y tế tỉnh Quảng Trị tổ chức kiểm tra công tác bảo quản, sử dụng vắc xin tại bệnh viện đã phát hiện việc bảo quản vắc xin sai quy định. Mặc dù ông Thiện đã nghe và tiếp thu ý kiến song vẫn không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong việc chỉ đạo, đôn đốc cho nhân viên khắc phục sai phạm. Trong khi đó, Trần Thị Hải Vân được giao trách nhiệm quản lý tủ lạnh để bảo quản thuốc nhưng lại không thường xuyên kiểm tra, giám sát dẫn đến việc Lê Huỳnh Sơn tự ý bỏ thuốc Esmeron và các sinh phẩm khác vào tủ lạnh không đúng quy định.
Hành vi thiếu trách nhiệm của Thiện, Sơn, Vân là nguyên nhân dẫn đến y sỹ Thuận lấy nhầm thuốc, gây ra cái chết đau lòng của 3 trẻ sơ sinh.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều nhận tội, riêng Trần Thị Hải Vân một mực khẳng định rằng mình không hề có tội với lý do: bản cáo trạng mà Vân nhận được và bản cáo trạng do kiểm sát viên trình bày trước tòa lại khác nhau. Ngoài ra, Vân khai rằng, bị cáo có chức trách bảo quản tủ lạnh (chứa sinh phẩm, thuốc của bệnh viện) theo chỉ đạo của Trưởng khoa sản bệnh viện Hướng Hóa từ năm 2009 nhưng chỉ quản lí 2 ngăn 1 và 3, còn ngăn 2 thì cấp trên đã giao cho khoa sản quản lí nên chị không có quyền kiểm tra ngăn đó.
Khi được nói lời sau cùng trước lúc Tòa nghị án, nỗi ân hận day dứt khiến y sỹ Thuận bật khóc nức nở: “Tiêm nhầm thuốc gây ra cái chết cho các đứa trẻ vô tội, đến ngày chết xuống mồ, lương tâm bị cáo vẫn mang theo nỗi ân hận này. Suốt 12 tháng ở trại tạm giam, bị cáo rất ăn năn hối cải trước những việc làm sai trái của mình. Bản thân bị cáo đau ốm thường xuyên, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn mong gia đình bị hại và Hội đồng xét xử thông cảm và tha thứ, tuyên bị cáo mức án thấp nhất để sớm trở về nuôi con”.
Mặc dù suy sụp trước nỗi đau mất con nhưng gia đình các bị hại vẫn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Chị Trần Thị Hà rơm rớm nước mắt tâm sự: “Nỗi mất mát của gia đình chúng tôi không gì có thể bù đắp nổi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tai nạn nghề nghiệp chẳng ai muốn nên tôi mong quý tòa giảm nhẹ mức án cho các bị cáo để họ có cơ hội trở lại phục vụ cho nhân dân”.
Sau khi xem xét các tình tiết, chứng cứ và tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Thị Thuận 5 năm tù; Lê Huỳnh Sơn 4 năm tù; Nguyễn Văn Thiện 3 năm tù; Trần Thị Hải Vân 3 năm tù treo; buộc các bị cáo liên đới bồi thường dân sự cho gia đình các bị hại.