Với tiêu đề “Tôn giáo, Bạo động và Tự do”, một cuộc điều tra đã tập trung vào quan điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc tấn công tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo.
Người Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ gì về vụ tấn công vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo hồi tháng trước? Họ tin rằng có một cuộc viễn chinh mới của phương Tây nhằm chống lại thế giới Hồi giáo? Bao nhiêu người Thổ Nhĩ Kỳ muốn bảo tồn một nền cộng hòa thế tục?
Metropoll, một công ty điều tra dư luận nổi tiếng có trụ sở tại Thủ đô Ankara đã đặt ra những câu hỏi này cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng phương pháp phỏng vấn thống kê thực hiện trên 2.579 cá nhân đến từ 28 tỉnh, thành, Metropoll đã đưa ra kết quả khá thú vị.
Với tiêu đề “Tôn giáo, Bạo động và Tự do”, cuộc điều tra đã tập trung vào quan điểm của người Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc tấn công tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo.
Kết quả bất ngờ, chỉ có 16% số người tham gia cuộc điều tra cho rằng đây là “một cuộc tấn công tự do ngôn luận” - quan điểm được cho là chiếm ưu thế ở phương Tây. Trong khi đó, có tới 56% nhấn mạnh rằng Charlie Hebdo đã sai khi “lăng mạ” nhà tiên tri Muhammad, đồng thời cũng cho rằng hành động giết hại các nhà báo cũng là sai lầm.
20% số người tham gia có phản ứng đáng lo ngại nhất, họ tin rằng các tác phẩm đả kích nhà tiên tri “đã gây ra những phản ứng mà họ xứng đáng được nhận”. Trong số những cử tri Đảng Công lý và Phát triển (AKP), tỉ lệ đồng tình với ý kiến này lên tới 26%.
61% đồng ý rằng “họ đã lăng mạ nhà tiên tri, nhưng sai lầm khi giết họ”.
Ở câu hỏi thứ hai về cuộc tấn công Charlie Hebdo: “Ai mới là người thực sự làm việc này?”, chỉ có 31% số người tham gia nghĩ rằng các chiến binh Hồi giáo cực đoan phải “chịu trách nhiệm”. Trong số các cử tri của AKP, thậm chí số người có quan điểm này còn thấp hơn, chỉ có 18%.
Câu trả lời phổ biến nhất đó là “các cơ quan tình báo nước ngoài”, đáng kể ám chỉ đến Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Mossad và một số tổ chức tương tự.
Trong tất cả số người tham gia, 44% lựa chọn giả thiết âm mưu này, thậm chí trong số các cử tri AKP còn lên tới 56%. Điều này khẳng định sự áp đảo của học thuyết âm mưu tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở câu hỏi thứ ba “Ai là nạn nhân thực sự?", chỉ có 22% số người tham gia cuộc điều tra tin rằng các nhà báo của Charlie Hebdo là “nạn nhân thực sự”; trong khi 24% cho rằng các “nạn nhân thực sự” chính là người Hồi giáo sinh sống ở châu Âu.
Một phần lớn hơn nhiều, 43% xác định “nạn nhân thực sự” là “thế giới Hồi giáo”. Trong số các cử tri AKP, tỉ lệ này đã tăng lên 55%.