Trước thực trạng các vụ việc như án mạng, tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng liên quan đến sử dụng rượu bia gây ra có xu hướng ngày một gia tăng, có ý kiến cho rằng nên có quy định cấm uống rượu bia các ngày lễ, Tết.
Rượu bia – thủ phạm đang “đe dọa” xã hội
Đầu tháng 5/2014, thôn 6 (xã Yên Phong, Yên Định, Thanh Hóa) – một làng quê xưa nay vốn yên bình đã “dậy sóng” trước tin ông Nguyễn Thiện Cầu (SN 1960, trú tại thôn 6), dùng dao chém con dâu hơn 10 nhát, khiến con dâu trọng thương đã phải nhập viện.
Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến người con dâu gục ngã trên vũng máu trước hiên nhà, bên cạnh là đứa trẻ mới 9 ngày tuổi, tay ôm chặt mẹ và khóc thét lên vì sợ hãi.
Nguyên nhân của vụ việc thương tâm trên cũng chính vì rượu, khi ông Cầu đã bị “ma men” dẫn lối, không làm chủ được hành vi của mình. Theo người dân nơi đây thì ông Cầu là người nghiện rượu đã nhiều năm nay, là “tín đồ” của “ma men” nên làm được bao nhiêu tiền, ông đều dốc hết vào những cuộc nhậu, mỗi khi say xỉn thì lại đánh chửi vợ con, vì thế mà gia đình luôn căng thẳng bởi mâu thuẫn.
Con trai đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, chỉ còn lại cô con dâu (mới sinh con) và bà vợ ông Cầu, nhưng họ cũng không chịu nổi mỗi khi ông say xỉn nên đã phải dọn ra ở riêng, tránh người chồng, người cha đã bị “ma men” dẫn lối.
Nhưng rồi tránh cũng chẳng thoát, ngày 6/5/2014, ông Cầu vác dao trèo qua cổng ngôi nhà mà vợ và con dâu đang mượn ở tạm để tìm vợ về nhà. Thời điểm trên, người con dâu đang nằm nghỉ cùng con trai mới sinh được 9 ngày trên giường, thì bất ngờ ông Cầu cầm dao chém nhiều nhát vào đầu, tay.
Sau khi vụ việc xảy ra, ông Cầu đã bị cơ quan chức năng bắt giữ và chắc chắn sẽ phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc nhất của pháp luật cho những hành vi côn đồ của mình. Nhưng vụ việc trên đã khiến cho cả gia đình tan nát bởi nó đã trở thành vết thương không thể lành.
Số lượng các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, không làm chủ được tốc độ đang trở nên phổ biến. (Ảnh: T.L).
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến mâu thuẫn mà nguyên nhân sâu xa là do rượu bia gây ra. Trong khi đó, theo số liệu thống kê mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI) thì có tới 60% số vụ bạo hành gia đình có nguyên nhân trực tiếp từ rượu, bia.
Trên thực tế, rất nhiều người (chủ yếu là nam giới) chỉ có hành vi bạo hành với vợ, con sau khi đã say rượu bia. Bạo hành gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe mà còn để lại những tổn thương tinh thần sâu sắc, ảnh hưởng đến tâm, sinh lý bình thường của nạn nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho thấy, chỉ trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2015, cả nước đã xảy ra 209 vụ tai nạn giao thông làm chết 104 người và bị thương 135 người (tăng 17 vụ so với năm 2013). Riêng trong ngày 4/1, cả nước đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông, làm chết 22 người và bị thương 38 người.
Một điều dễ nhận ra là đa phần các vụ tai nạn giao thông và số người bị thương vong nói trên đều liên quan đến vấn đề sử dụng rượu bia nên không làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ trong hai năm (2013 – 2014), cả nước đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc rượu, trong đó có những vụ ngộ độc rượu tập thể làm chết nhiều người…
Sự lạm dụng rượu bia quá mức đã và đang trở thành vấn đề đáng báo động, là sự quan ngại cho toàn xã hội, thậm chí có ý kiến cho rằng rượu, bia và các đồ uống có cồn gây nghiện đang là “thủ phạm” chính của những “rắc rối” trong xã hội hiện nay.
Kiến nghị cấm rượu bia ngày lễ, Tết
Trước những hậu quả to lớn từ việc lạm dụng rượu, bia gây ra, nhiều ý kiến cho rằng nên cấm kinh doanh và sử dụng rượu, bia trong các ngày lễ, Tết.
Nhìn người con trai 25 tuổi, vẫn hôn mê man bất tỉnh nằm trên giường của phòng cấp cứu của Bệnh viện Việt – Đức, ông Nguyễn Văn Giang, 62 tuổi (trú tại 231 Lương Thế Vinh, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), mắt ngân ngấn nước kể: “Nó uống rượu say rồi bị tai nạn xe máy. Hôm mồng 1 Tết Dương lịch, nó lấy xe ra ngoài bảo là đi liên hoan với bạn, đến khoảng 23h30 thì có người gọi điện cho tôi báo nó bị tai nạn giao thông, đang nằm trong Bệnh viện Việt – Đức. Bác sĩ bảo nó bị chấn thương sọ não, khó có thể phục hồi, có thể bị liệt suốt đời…”.
Con trai ông Giang hôn mê trên giường bệnh vì tai nạn giao thông (Ảnh: H.S)
“Trước khi đi tôi đã dặn rồi, con uống ít bia rượu thôi rồi về sớm, nó vâng vâng dạ dạ rồi đi. Trẻ người, lại vui bạn bè, có tí men vào là bốc đồng lên, phóng nhanh nên đâm vào đuôi xe ô tô. Mấy ngày nay tôi phải túc trực trong bệnh viện, cũng chẳng còn hi vọng gì”, ông Giang mệt mỏi.
Ông Giang nói thêm: “Là người trong cuộc, tôi hiểu hơn ai hết nỗi đau này. Tất cả cũng vì rượu bia mà ra cả thôi. Uống nhiều bia rượu, không làm chủ được suy nghĩ và hành vi bản thân, dẫn đến nhiều vụ việc rắc rối khác. Theo tôi, các cơ quan chức năng nên cấm kinh doanh và sử dụng rượu bia trong các ngày lễ, Tết…”.
Theo PGS.TS, Đại tá Cao Tiến Đức – Trưởng khoa Tâm thần và Tâm lý học Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội), thì trong vài năm trở lại đây, số lượng các ca phải nhập viện để điều trị chứng rối loạn tâm thần do sử dụng quá nhiều rượu bia có xu hướng gia tăng.
“Theo số liệu điều tra thì mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, 400.000 lít rượu, đủ để nói mức độ lạm dụng rượu bia ở nước ta kinh khủng đến mức nào. Tỉ lệ thuận với đó là các tác hại đi kèm do rượu bia gây ra như các bệnh về huyết áp, dạ dày, gan,… và đặc biệt là chứng rối loạn tâm thần vì rượu bia”, PGS.TS Cao Tiến Đức nói.
“Nếu như trước kia, mỗi năm bệnh viện chỉ nhận khoảng chục ca nhập viện vì chứng loạn thần do rượu thì trong vài năm trở lại đây, số lượng này đã tăng lên đến hàng trăm ca mỗi năm. Tôi nghĩ chúng ta cần phải có những biện pháp cụ thể và hữu hiệu để hạn chế việc lạm dụng rượu bia như hiện nay”, PGS.TS Cao Tiến Đức kiến nghị.
Nhằm hạn chế việc lạm dụng rượu bia, đặc biệt là rượu không đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm, tháng 7/2014, Bộ Y tế đã có Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ.
Trước đó, năm 2012, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP trong đó quy định những cơ sở sản xuất rượu bia trong nước phải có giấy phép đăng ký.
Tuy nhiên, đến nay, những quy định này vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống...