3 người giúp tử tù Nguyễn Văn Tình bỏ trốn bị tạm giữ

Đỗ Việt| 18/09/2017 12:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ 3 người có liên quan đến quá trình chạy trốn của tử tù Nguyễn Văn Tình để điều tra hành vi che giấu và tiếp tay cho Tình bỏ trốn.

3 người giúp tử tù Nguyễn Văn Tình bỏ trốn bị tạm giữ

Nguyễn Văn Tình (giữa) khi bị bắt giữ

Theo nguồn tin của phóng viên, ngày 18/9 Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ 3 người có liên quan đến quá trình chạy trốn của tử tù Nguyễn Văn Tình để điều tra hành vi che giấu tội phạm.

Ba đối tượng gồm: Nguyễn Văn Hạnh (SN 1972); Nguyễn Văn Việt (SN 1985); Nguyễn Văn Ba (SN 1989 cùng trú tại xóm Mùn 6, xã Yên Quan, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Trước đó, rạng sáng ngày 11/9,  sau khi trốn khỏi trại tạm giam T16 Bộ Công an, Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ đã về xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai mượn một xe máy của người thân để trốn chạy. Khoảng 10h cùng ngày Tình và Thọ chia tay mỗi tên chạy một hướng.

Tình đã đi chiếc xe máy mượn được lên xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn. Sau đó, để tránh bị phát hiện, Tình để lại xe máy và được người thân cho mượn một chiếc xe không biển kiểm soát khác tiếp tục bỏ trốn cho đến khi bị bắt giữ.

Tại cuộc họp báo thông tin về việc bắt giữ hai tử tù vào chiều 17/9, Đại tá Phạm Trọng Điềm, Phó Cục trưởng C47 cho biết, khi ra khỏi trại giam, Tình đã nhờ điện thoại người đi đường để thông báo cho bố mẹ, bạn bè. Không phải có một người giúp đỡ mà nhiều người giúp Tình và tiếp tay cho Tình trốn chạy.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, đối với hành vi của những người liên quan, dù có biết rõ 2 tử tù bỏ trốn đã cung cấp tiền bạc, cho mượn xe máy hoặc ở cùng đối tượng trong hành trình bỏ chạy trốn thì cũng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về tội che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm theo qui định tại Điều 313 và 314 BLHS.

Tuy nhiên, nếu xác định những người liên quan này biết rõ 2 đối tượng này đã bỏ trốn tại Trại giam đã che giấu, không tố giác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội che giấu tội phạm và Tội không tố giác tội phạm theo Điều 313 và 314 BLHS thì cũng cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định 167/2013 với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi “cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức".

Điều 314. Tội không tố giác tội phạm

1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm được quy định tại Điều 313 của Bộ luật này đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
3 người giúp tử tù Nguyễn Văn Tình bỏ trốn bị tạm giữ