20 thái cực đầu tư nổi bật trong năm 2013 (Phần 2)

(TH)| 13/12/2013 17:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc kiếm tiền trong năm 2013 không quá khó khăn nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, đã có tới 9/10 cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 sắp khép lại năm 2013 với sắc xanh.

 20 thái cực đầu tư nổi bật trong năm 2013 (Phần 2)

Tuy nhiên, nhiều kênh tài sản khác lại trải qua một năm khá tồi tệ. Chỉ 2/5 quỹ đầu tư trái phiếu Mỹ đem lại mức hòa vốn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cổ phiếu của các thị trường chứng khoán mới nổi vẫn chưa thể phục hồi khỏi mức đáy xác lập trong mùa hè vừa qua. Và hầu như tất cả các kênh đầu tư liên quan tới vàng đều thua lỗ.

Khi thời điểm cuối năm đã cận kề, Bloomberg công bố các kênh đầu tư có mức tăng trưởng tốt nhất và tệ nhất cho đến thời điểm hiện tại, từ cổ phiếu và các quỹ tương hỗ cho đến các mô hình công ty hợp danh hữu hạn (Master-Limited Partnership – MLP) niêm yết trên sàn chứng khoán và các vụ IPO.

Số liệu này được thu thập trong giai đoạn từ ngày 31/12/2012 đến ngày 02/12/2013. Các kênh tài sản được so sánh dựa trên tiêu chí tổng tỷ suất sinh lời, bao gồm cả thay đổi giá và tỷ suất cổ tức (dividend yield).

1. Hàng hóa tăng giá mạnh nhất

Khí thiên nhiên trên sàn Nymex: Tăng 18.1%

Trước đà gia tăng của sản lượng khí nhờ kỹ thuật khoan mới, giá khí thiên nhiên đã giảm một nửa so với thời điểm 2008. Tuy nhiên, đà sụt giảm này đã chấm dứt trong năm 2013 và số liệu hôm 03/12 của Chính phủ cho thấy các quỹ đầu cơ đã gia tăng đặt cược vào nhiên liệu này trước các dự báo về thời tiết lạnh hơn tại Mỹ.

Cơ sở so sánh: Trong số 18 hàng hóa trên toàn cầu được Bloomberg theo dõi.

2. Hàng hóa giảm giá mạnh nhất

Ngô trên sàn CBOT: Giảm 41.2%

Sản lượng thu hoạch kỷ lục của nông dân Mỹ chỉ là một trong các nhân tố đẩy giá ngô giảm mạnh trong năm nay. Trong tháng 11, các quan chức Trung Quốc bắt đầu ngăn chặn các tàu chở ngô của Mỹ với lý do sự biến đổi về mặt di truyền vẫn chưa được chấp thuận.

Cơ sở so sánh: Trong số 18 hàng hóa trên toàn cầu được Bloomberg theo dõi.

3. Quỹ ETF tăng trưởng mạnh nhất

Guggenheim Solar ETF: Tăng 144.8%

Hiện Guggenheim Solar ETF đang đầu tư vào 27 công ty năng lượng mặt trời tại Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Được biết, cổ phiếu của các công ty năng lượng mặt trời lao dốc mạnh trong năm 2011 khi giá của các bảng điều khiển năng lượng mặt trời giảm mạnh đến 52% do nguồn cung dư thừa.

Nhóm cổ phiếu này tiếp tục rớt giá trong năm 2012 và chỉ bắt đầu phục hồi trở lại trong năm nay khi tình trạng dư thừa nguồn cung chấm dứt. Sự đảo chiều này đã đẩy Bloomberg Solar Global Large Solar Energy Index, chỉ số của các nhà sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời, tăng gấp 3 lần. Từng có thời điểm, giá trị của chỉ số này bốc hơi đến 87%.

Cơ sở so sánh: Trong số 1,141 quỹ ETF tại Mỹ. Các chứng chỉ hoán đổi danh mục (exchange-traded notes - ETN) và các quỹ ETF sử dụng đòn bẩy không được tính.

4. Quỹ ETF sụt giảm mạnh nhất

ProShares VIX Short-Term Futures ETF (VIXY): Giảm 63.9%

VIXY được thành lập để kiếm tiền từ tình trạng lộn xộn của thị trường và chính chiến lược này đã mang lại cho quỹ một năm khá tồi tệ khi tâm lý trên thị trường khá ổn định. Hiện VIXY đang đầu tư vào các công cụ gắn liền với Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), vốn được xem là thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo Bloomberg Industries, VIX đã chạm đáy 5 năm vào tháng 1/2013 và duy trì tại mức này trong phần lớn thời gian của năm khi mối lo lắng về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ dần suy giảm. Do đầu tư vào các hợp đồng tương lai với giá trị sụt giảm qua thời gian nên kết quả của VIXY tồi tệ hơn nhiều so với chỉ số VIX.

Cơ sở so sánh: Trong số 1,141 quỹ ETF tại Mỹ. Các chứng chỉ hoán đổi danh mục (exchange-traded notes - ETN) và các quỹ ETF sử dụng đòn bẩy không được tính.

5. Công ty hợp danh hữu hạn (MLP) tăng trưởng mạnh nhất

Icahn Enterprises L.P.: Tăng 193.8%

Rất ít người biết đến tỷ phú Carl Icahn bởi sự liên quan của ông đối với các công ty hợp danh hữu hạn (MLP). Thế nhưng theo Bloomberg Billionaires Index, Icahn Enterprises lại đóng góp tới 50% giá trị tài sản ròng của ông. MLP là một mô hình công ty hợp danh hữu hạn niêm yết trên sàn chứng khoán đem lại lợi ích về thuế và cổ tức khá cao. Các công ty này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, hàng hóa và bất động sản.

Cơ sở so sánh: Trong số 108 công ty hợp danh hữu hạn (Master-Limited Partnership – MLP) niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ với vốn hóa thị trường ít nhất 500 triệu USD.

6. Công ty hợp danh hữu hạn (MLP) sụt giảm mạnh nhất

Rentech Nitrogen Partners LP: Giảm 45.1%

Rentech Nitrogen Partners LP nằm trong số các MLP tăng trưởng mạnh nhất 2012 với tỷ suất sinh lời 154%. Tuy nhiên, trong năm nay, cổ phiếu của công ty phân đạm này lại chìm nghỉm theo giá các sản phẩm phân bón của hãng. Rentech Nitrogen Partners LP công bố quý thua lỗ đầu tiên vào ngày 07/11. Theo kỳ vọng từ các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Bloomberg, Công ty sẽ làm ăn có lãi trở lại vào năm tới.

Cơ sở so sánh: Trong số 108 công ty hợp danh hữu hạn (Master-Limited Partnership – MLP) niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ với vốn hóa thị trường ít nhất 500 triệu USD.

7. Vụ IPO tăng giá mạnh nhất của Mỹ

Aratana Therapeutics Inc.: Tăng 175.9%

Mục tiêu của Giám đốc điều hành Steven St. Peter là đưa Aratana Therapeutics Inc. trở thành “công ty dẫn đầu trong lĩnh vực trị liệu thú cưng”. Lên sàn vào ngày 26/06 nhưng Aratana vẫn chưa có doanh thu và hiện Công ty đang sáng chế một số loại thuốc cho chó và mèo. Tháng 11 vừa qua, Công ty công bố kết quả đầy hứa hẹn cho một loại thuốc có tác dụng xoa dịu cơn đau của các chú chó bị viêm khớp.

Với tổng giá trị của các vụ IPO đã được công bố tính đến thời điểm này lên tới hơn 77 tỷ USD, bao gồm cả vụ chào bán của Twitter hôm 06/11, năm 2013 sắp trở thành năm sôi động nhất của hoạt động IPO kể từ năm 2010.

Cơ sở so sánh: Trong số 163 vụ IPO tại Mỹ trong năm 2013 với vốn hóa thị trường ít nhất 250 triệu USD, so với giá mở cửa.

8. Vụ IPO giảm giá mạnh nhất của Mỹ

Tremor Video: Giảm 60.6%

Giá cổ phiếu Tremor Video đã giảm một nửa trong phiên giao dịch 08/11 sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh quý 3 khiến nhà đầu tư lo sợ. Thêm vào đó, nhà cung cấp công nghệ cho ngành quảng cáo video trực tuyến này còn cho biết doanh thu quý 4 sẽ thấp hơn so với dự báo. Các quan chức điều hành công ty cho rằng nguyên nhân dẫn đến đà sụt giảm này là do dự báo về sự thay đổi của các động lực trong ngành quảng cáo.

Cơ sở so sánh: Trong số 163 vụ IPO tại Mỹ trong năm 2013 với vốn hóa thị trường ít nhất 250 triệu USD, so với giá mở cửa.

9. Đồng tiền tăng giá mạnh nhất

Đồng Krone của Đan Mạch: Tăng 2.66%

Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy đồng USD giảm giá so với đồng EUR trong năm 2013. Ngân hàng Trung ương Đan Mạch đã có chính sách neo giá đồng Krone theo đồng EUR nên khi EUR tăng 2.65% so với USD thì đồng Krone cũng tăng 2.66%. Hôm 02/12, Thống đốc NHTW Đan Mạch Lars Rohde cho biết: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ tỷ giá”.

Cơ sở so sánh: Trong số 16 đồng tiền chủ chốt neo theo đồng USD do Bloomberg theo dõi.

10. Đồng tiền giảm giá mạnh nhất

Đồng Rand của Nam Phi: Giảm 17.5%

Nối gót các nỗ lực kích thích tiền tệ của Fed, trong năm 2013 Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã tung ra chương trình nới lỏng tiền tệ có quy mô rất lớn. Động thái này đã đẩy đồng JPY giảm giá mạnh 15.7% so với đồng USD. Tuy nhiên, đà sụt giảm của đồng Rand Nam Phi còn tồi tệ hơn.

Chiến lược gia Michael Keenan của Barclays cho biết đồng Rand giảm giá mạnh vì lo ngại Fed sẽ sớm thu hồi chương trình nới lỏng định lượng (QE), qua đó cắt giảm dòng tiền vào các tài sản rủi ro của các thị trường mới nổi. Theo số liệu của JSE Ltd, nhà đầu tư nước ngoài đã bán 3.5 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu của Nam Phi trong tháng 11 và đầu tháng 12.

Cơ sở so sánh: Trong số 16 đồng tiền chủ chốt neo theo đồng USD do Bloomberg theo dõi.

Phước Phạm (Theo Bloomberg)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
20 thái cực đầu tư nổi bật trong năm 2013 (Phần 2)