Mỗi người mỗi kiểu, mỗi thủ đoạn khác nhau để lừa gạt tiền bạc của thiên hạ. Nhưng tất cả đều chung một đáp số cuối cùng là không thoát được sự trừng phạt của pháp luật.
Tom Petters
Tom Petters đã bị kết án 50 năm tù vì lừa đảo và rửa tiền
Năm 2010, doanh nhân bang Minnesota - Tom Petters đã bị kết án 50 năm tù vì lừa đảo và rửa tiền trong một vụ Ponzi lên tới 3,65 tỷ USD. Lĩnh án khi đã 52 tuổi, có lẽ Petters đến chết vẫn chưa ra khỏi nhà đá. Đây được xem là vụ Ponzi lớn thứ ba trong lịch sử sau vụ Bernie Madoff và vụ Alan Stanford.
Petters từng là CEO kiêm Chủ tịch Tập đoàn Petters Group Worldwide. Ông ta cùng những kẻ đồng lõa đã thuyết phục các nhà đầu tư rót tiền cho họ mua thiết bị điện máy, rồi bán cho các hãng bán lẻ như Costco hay Sam’s Club. Nhưng trên thực tế, Petters dùng tiền này cho các hoạt động kinh doanh khác của ông ta và trả lãi cho các nhà đầu tư khác.
Cuộc sống xa hoa của Petters chỉ kết thúc khi vào năm 2008, Deanna Coleman – Phó Chủ tịch Tập đoàn Petters Group Worldwide đã giúp Petters lừa đảo suốt 10 năm qua bị tố cáo và điều tra.
Lou Pearlman
Lou Pearlman là người đã tạo ra hai nhóm nhạc đình đám thập niên 90 - Backstreet Boys và ‘NSync. Tuy nhiên, ông ta cũng là kẻ lừa đảo nổi tiếng theo mô hình Ponzi.
Pearlman đã thành lập một công ty ảo có tên Dịch vụ Du lịch xuyên lục địa. Sau đó, ông ta mồi chài các nhà đầu tư lắm tiền nhiều của mua cổ phiếu công ty khi trưng ra các tờ khai thuế, số liệu tài chính giả mạo, thậm chí là cả vé VIP đến các buổi biểu diễn của hai nhóm nhạc.
Lou Pearlman là người đã tạo ra hai nhóm nhạc đình đám thập niên 90 - Backstreet Boys và ‘NSync
Pearlman đã tạo ra 1 mạng lưới lừa đảo rất tinh vi. Ông ta còn lấy tên một công ty dịch vụ tư vấn qua điện thoại có tên Cohen & Siegel để làm hãng kiểm toán bảo đảm cho các văn bản tài chính. Trùm lừa đảo này còn dùng tờ khai thuế giả nộp cho ngân hàng và tạo ra một chi nhánh nhà băng giả tại Đức để tăng uy tín.
Vụ lừa đảo của Pearlman kéo dài tới hơn 20 năm. Tổng cộng, Pearlman đã lừa được 300 triệu USD từ 1.000 nhà đầu tư cá nhân, rất nhiều trong số đó là bạn bè và họ hàng của ông ta.
Nhiều ngân hàng như Bank of America hay Washington Mutual cũng rót vào công ty này 150 triệu USD. Trong tất cả phi vụ, ông ta đều cam kết trả lãi cao hơn các khoản đầu tư truyền thống. Dĩ nhiên, lợi nhuận trả cho người đi trước đều lấy từ người đến sau.
Các công tố viên cho biết từ năm 2003 đến 2006, Pearlman nhận 118 triệu USD tiền đầu tư. Trong đó, ông ta trả 43 triệu USD cho nhà đầu tư, rồi chi 38 triệu USD cho bản thân.
Tuy nhiên, việc làm của ông ta bị phát giác vào năm 2006. Pearlman đã tìm cách bỏ trốn, nhưng bị bắt khi đang trên đường tẩu thoát sang Indonesia. Năm 2008, ông ta bị đem ra xét xử và kết án 25 năm tù giam.
Norman Hsu
Cựu nhân viên huy động vốn cho Đảng Dân chủ của Mỹ - Norman Hsu
Năm 2009, cựu nhân viên huy động vốn cho Đảng Dân chủ của Mỹ - Norman Hsu đã bị buộc tội điều hành đường dây lừa đảo kiểu Ponzi với quy mô 60 triệu USD.
Hsu tìm mọi cách thuyết phục nhà đầu tư đổ tiền vào công ty Next Components của ông ta, cam kết trả lợi nhuận 14-24% cứ mỗi 70-130 ngày. Tuy nhiên, ông ta sau đó lại dùng số tiền này trả cho nhà đầu tư trước, trả lương nhân viên, đóng góp cho các chiến dịch chính trị và ăn chơi xa xỉ.
Khi vụ việc bị phát hiện, các chính trị gia từng nhận tiền đóng góp từ Hsu như Hillary Clinton, Eliot Spitzer, Andrew Cuomo, Barack Obama hay Al Franken đều quyên hết tiền cho từ thiện. Hsu sau đó bị kết án 24 năm tù.