Năm 2022, TAND các cấp chủ động, đẩy mạnh thực hiện thành công các giải pháp đột phá nên các mặt công tác tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
1. Công tác xét xử đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội
Năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt tỷ lệ 88,9 %, cao hơn năm trước 7,7 %. So với năm 2021, số vụ việc đã thụ lý tăng 29.944 vụ; đã giải quyết tăng 68.021 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,9%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra (không quá 1,5%).
Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Trong năm qua, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.027 tỷ và các tài sản khác; có 521 vụ với 1.348 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt là hơn 776 tỷ đồng.
2. Xây dựng thành công các đề án về cải cách tư pháp
Trong năm 2022, TANDTC đã xây dựng và hoàn thành với chất lượng cao 4 chuyên đề, đề án quan trọng về cải cách tư pháp gồm: Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2020, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Đề án “Xây dựng luật pháp người chưa thành niên”, Đề án “Xây dựng Tòa án điện tử tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các Đề án này đã cung cấp những luận cứ quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết Trung ương 6 khóa 13 về tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2020, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua tại Hội nghị Trung ương 6, là cơ sở quan trọng để xây dựng Tòa án độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính; có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp trong xã hội, bảo đảm quyền tài phán quốc gia.
3. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 Pháp lệnh do TANDTC chủ trì xây dựng
Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, TANDTC đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.Các pháp lệnh được xây dựng đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao.
Cả 03 pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong năm 2022 đã ghi dấu ấn quan trọng của TANDTC trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động tư pháp, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
4. Tổ chức xét xử trực tuyến thành công hơn 4.000 vụ án
Thực hiện Nghị quyết số 33về tổ chức phiên tòa trực tuyến; ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, các Tòa án đã chủ động tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến. Tính đến nay, các Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 4.000 vụ án.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, góp phần chủ động và thích ứng linh hoạt, tạo cơ chế thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, giảm thiểu thời gian, chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động và quản trị Tòa án theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.
5. Ban hành Thông tư quy định việc phân công ngẫu nhiên Thẩm phán xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền
Ngày 15/12/2022, TANDTC đã ban hành Thông tư số 01/TT-CA quy định việc phân công ngẫu nhiên Thẩm phán xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đó, các vụ án, vụ việc sẽ được phân công ngẫu nhiên theo trình tự, phương pháp xác định trước để đảm bảo tính khách quan, vô tư trongviệc phân công án.
Việc phân công ngẫu nhiên theo trình tự, phương pháp xác định trước theo Thông tư 01 của TANDTC là nhằm hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch theo tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
6. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Tòa án, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.
Trong năm 2022, việc đưa phần mềm “Trợ lý ảo” vào khai thác, sử dụng được xem là một bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Tòa án.
Ngày 06/12, TANDTC Việt Nam phối hợp với Tòa án tối cao Hàn Quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) tổ chức Lễ Khánh thành hệ thống quản lý án tổng hợp. Hệ thống quản lý án tổng hợp tập do Tòa án tối cao Hàn Quốc hỗ trợ thông qua dự án KOICA, được xây dựng theo hướng tin học hóa toàn bộ các quy trình từ khâu tiếp nhận đơn, hồ sơ vụ án đến khâu thụ lý, giải quyết, kết thúc vụ án và liên thông các cấp xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; đồng thời cung cấp các chức năng quản lý văn bản tố tụng, tống đạt, phân công án ngẫu nhiên, lưu trữ và báo cáo thống kê.
Cùng với Trung tâm Giám sát và điều hành hoạt động TAND và tổ chức phiên tòa trực tuyến; ứng dựng phần mềm “Trợ lý ảo”, Hệ thống quản lý án tổng hợp được coi là những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tòa án điện tử.
7. Biên soạn cuốnsách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”
Để ghi lại những chặng đường vẻ vang trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của TAND, Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”. Bộ sách gồm 03 tập, 08 chương, được biên soạn công phu, đồ sộ, số lượng lên đến hàng nghìn trang sách với nhiều hình ảnh, tư liệu quý, nhiều thông tin hữu ích. Bộ sách là công trình khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của TAND; khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng; đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của hệ thống Tòa án; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng rất vinh quang.
8. Tổ chức thành công nhiều hội thảo và tích cực, chủ động tham gia hội nhập quốc tế
Trong các ngày 10, 11/08, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Việt Nam tham dự Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Lào-Việt Nam-Campuchia lần thứ 6 về phòng, chống, đấu tranh và ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia và tương trợ lẫn nhau về lĩnh vực tư pháp diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào.
Tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Malaysia từ ngày 4-5/11, Tòa án Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp nhiều sáng kiến xây dựng; đề nghị của Việt Nam về việc ghi nhận Hội đồng Chánh án ASEAN như một thực thể chính trị đã đạt được sự đồng thuận và ghi vào hiến chương của ASEAN, nhiều sáng kiến của Việt Nam trong việc kiểm soát và phòng chống đại dịch Covid-19 đã được Hội đồng Chánh án ASEAN đánh giá cao.
Bên cạnh đó, TANDTC còn tổ chức gần 20 Hội thảo, Tọa đàm cho trên 1.000 Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án; Luật Phá sản; tư pháp người chưa thành niên…
9. Hoàn thành trang bị ô tô cho toàn hệ thống Tòa án
Trên cơ sở đề nghị của TANDTC và ý kiến của Bộ Tài chính, ngày 29/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt đối tượng, tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của hệ thống TAND.
Đề án trang bị phương tiện làm việc của hệ thống TAND giai đoạn 2020 đến 2024 được phê duyệt kinh phí để mua sắm 537 xe ô tô trang bị đầy đủ 100 phần trăm xe ô tô cho các đơn vị Tòa án cấp huyện.
Việc hoàn thành trang bị phương tiện ô tô cho các Tòa án nhằm phục vụ công tác xét xử lưu động, hòa giải, thẩm định chứng cứ, phối hợp với các cơ quan trong hoạt động tố tụng giúp cho các Thẩm phán, Thư ký đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án, đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
10. Tổ chức thành công Hội thao TAND lần thứ IV-2022
Hội thao TAND lần thứ IV diễn ra trong các ngày 10, 11/9 tại Quảng Ninh là một trong chuỗi các sự kiện quan trọng được tổ chức nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống TAND.
Việc tổ chức Hội thao với quy mô toàn hệ thống đã khích lệ phong trào rèn luyện thể dục, thể thao, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đồng thời là dịp để cán bộ, công chức Tòa án gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt khối đoàn kết, thống nhất, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.