Trên 2 tỷ người lớn và trẻ em, tương đương 1/3 dân số thế giới đang trong tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
Đây là con số báo động được đăng tải trong một nghiên cứu mới công bố vào ngày 12/6.
Nghiên cứu do Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) tiến hành tại trường Đại học Washington phát hiện ra rằng, gần 108 triệu trẻ em và hơn 600 triệu người trưởng thành có cân nặng ở mức béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 và tỷ lệ tử vong hơn 60%.
1/3 dân số toàn cầu thừa cân hoặc béo phì
BMI được tính bằng cách lấy trọng lượng của một người bằng kilôgam chia cho chiều cao bình phương và là dấu hiệu cho thấy một người có cân nặng khỏe mạnh hay không. Chỉ số BMI trên 25 là thừa cân, trên 30 là béo phì và trên 40 là béo phì dạng bệnh.
Theo nghiên cứu này, Mỹ là nước có tỷ lệ trẻ em và người trưởng thành trẻ tuổi bị béo phì cao nhất (khoảng 13%), còn Ai Cập có số người trưởng thành bị béo phì cao nhất (35%). Tỷ lệ dân số bị béo phì thấp nhất là ở Bangladesh và Việt Nam (khoảng 1%).
Nghiên cứu được tiến hành tại 195 quốc gia trong khoảng thời gian 35 năm cũng chỉ ra rằng, khoảng 4 triệu người đã thiệt mạng trong cùng năm 2015 do các vấn đề về sức khoẻ như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và các bệnh khác liên quan đến béo phì và cân nặng.
Các nhà khoa học cho rằng kết quả này chỉ ra "cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu đang ngày càng lan rộng và gây ra nhiều vấn đề". Vì thừa cân sẽ kéo theo nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, ung thư…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng người bị béo phì được cho là do quá trình đô thị hóa, chế độ ăn không hợp lý và lười vận động.