Bộ VHTT&DL yêu cầu trả lương cho các nghệ sĩ làm tại Hãng phim truyện Việt Nam

Hà Thu| 21/09/2017 19:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ VHTT&DL yêu cầu trước mắt là phải trả lương cho anh em nghệ sĩ đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam và sẽ có chế tài xử lý nếu đơn vị cổ đông chiến lược làm sai.

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có buổi gặp mặt báo chí trả lời những vấn đề liên quan đến công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trong gần 2 tháng qua.

Bộ VHTT&DL yêu cầu trả lương cho các nghệ sĩ làm tại Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tại buổi gặp gỡ báo chí vào sáng nay (21/9)

Trả lời báo chí về những lùm xùm xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng  Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Bộ đã mời anh Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch HĐQT Cty Vận tải thủy, đơn vị cổ đông chiến lược; NSND Vương Đức đại diện Ban Giám đốc Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam; hai vị đại diện phần vốn cổ phần của Nhà nước và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lên văn phòng Bộ làm việc chiều 20/9".

Nhà đầu tư chiến lược đã nhận lỗi trước lãnh đạo Bộ về những gì đã xảy ra và cam kết sẽ thực hiện đúng cam kết của nhà đầu tư trong phương án cổ phần hóa. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu đơn vị này phải xây dựng quy chế làm việc trong đó có phân công cán bộ cho rõ ràng, sắp xếp phòng ban lại cho hợp lý, sửa chữa nơi làm việc. Yêu cầu không được cho thuê bất cứ mặt bằng nào thuộc quyền sử dụng của Hãng phim hiện nay. Trước mắt là trả lương tháng 7, 8, 9 như tháng 6 trước khi cổ phần, sau đó thì phải tính toán lại trả lương như thế nào theo điều lệ công ty và theo luật pháp quy định.

Hãng phim truyện Việt Nam có bề dày truyền thống, là cái nôi của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng, có hàng trăm tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị lịch sử và nghệ thuật được trong nước và quốc tế đánh giá cao. Điều này khiến Bộ rất trăn trở và nghiên cứu rất kỹ khi tiến hành cổ phần hoá. Đến năm 2010, Hãng phim truyện Việt Nam chuyển sang công ty TNHH MTV (một thành viên) theo luật doanh nghiệp. Theo luật phải trong vòng một năm, từ 23/6/2017 đến 23/6/1028 mới chính thức cổ phần hoá xong”- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết.

Bộ VHTT&DL yêu cầu trả lương cho các nghệ sĩ làm tại Hãng phim truyện Việt Nam

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS)

Về quá trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam đang được nhiều anh em nghệ sĩ và dư luận đặc biệt quan tâm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định việc cổ phần hóa ở VFS đã được thực hiện tất cả các bước đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng các lô đất vàng ở số 4 Thụy Khuê vào mục đích kinh doanh nhà hàng, khách sạn... theo quy định là không được phép. Theo quy định, khi tiến hành cổ phần hóa, đơn vị cổ đông chiến lược phải trình phương án sử dụng đất để UBND TP. Hà Nội xác định chỗ này có đúng theo quy hoạch hay không, có đúng phương án cổ phần hóa hay không.

Trong phương án cổ phần hoá, toàn bộ đất đai tập trung cho sản xuất phim và dịch vụ phim. Trong cam kết sử dụng đất đó, nếu đơn vị cổ đông chiến lược không thực hiện đúng cam kết sẽ bị xử lý chế tài bằng cách là thu hồi hoặc rút giấy phép xây dựng hoặc đưa ra tòa theo Nghị định 59 cho nên nhà đầu tư không thể làm một mình được.

“Để làm được điều này chúng tôi chỉ đạo cho người đại diện TP. Hà Nội, tổ chức Đảng, đoàn thể ở đó phải giám sát thường xuyên và báo cáo cụ thể. Bộ có 3 người ở Hãng phim tham gia Hội đồng cổ đông phải có ý kiến nếu họ làm sai và có chế tài xử lý” - Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến việc sử dụng mảnh đất tại số 4 Thụy Khuê của VFS, theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, vì nhiều lý do nên Hãng phim truyện Việt Nam đã lỗ 20 năm qua với con số lên tới gần 40 tỷ đồng. Trong khi đó, mặt bằng sử dụng của Hãng phim hiện này là đất thuê của thành phố Hà Nội và không được tính vào giá trị của doanh nghiệp.

Đặc biệt trước khi duyệt kế hoạch cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam phải có phương án sử dụng từng khu đất và phương án đó phải phù hợp với phương án cổ phần hóa.

"Mấy miếng đất đúng là đất vàng, vị trí rất đẹp, nhưng không được tính vào giá trị. Nhiều người thắc mắc thế nhà đầu tư sẽ sử dụng cái này để làm nhà hàng, khách sạn… nhưng theo quy định của luật thì không được làm như thế. Để cổ phần hoá Hãng phim phải trình phương án sử dụng đất đai của hãng phim và phương án này phải phù hợp với phương án cổ phần hoá", ông Huỳnh Vĩnh Ái nói.

Về vấn đề định giá giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam đang gây bức xúc dư luận, nhất là khi phía Công ty vận tải thủy cho rằng giá trị thương hiệu của VFS là “0 đồng”, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết Bộ VHTT&DL đã gửi công văn đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ là cơ quan quản lí nhà nước về sở hữu trí tuệ và gửi công văn cho Bộ Tài chính nhưng cả hai Bộ này chưa có văn bản nào tính giá trị liên quan đến văn hóa lịch sử truyền thống. “Việc xác định giá trị thương hiệu phải tuân thủ đúng Nghị định 59 và thông tư 127, còn tất cả những bộ phim của Hãng phim truyện Việt Nam đều do nhà nước tài trợ và đặt hàng nên quyền sở hữu thuộc về nhà nước”-ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết thêm.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái giải thích thêm, thời gian qua dư luận cũng có đôi chút hiểu nhầm. Việc nói Bộ VHTT&DL “bán nguyên đất” cho doanh nghiệp là sai vì trước khi duyệt kế hoạch cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam phải có phương án sử dụng từng khu đất và phương án đó phải phù hợp với phương án cổ phần hóa.

Sau đó phương án sẽ được trình lên Bộ VHTT&DL, Bộ thẩm định, rồi chuyển qua UBND TP. Hà Nội để họ xem xét cho thuê đất phù hợp với quy hoạch của địa phương.

Trước đó, tại buổi gặp làm việc với đại diện Cty Vận tải thủy, lãnh đạo Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam để tìm giải pháp làm dịu bớt căng thẳng tại đơn vị này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ đạo rằng, Cty CP đầu tư và phát triển phim Việt Nam phải công khai việc sửa chữa, nâng cấp trụ sở số 4 Thụy Khuê để phục vụ mục đích làm phim, tuyệt đối không cho thuê làm bất cứ việc gì khác và phải thông báo cụ thể cho các nghệ sĩ. Phải rút kinh nghiệm trong khâu quản lý – điều hành và xây dựng theo hướng vừa ổn định, vừa phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trước mắt, Ban lãnh đạo công ty cần phải giải quyết những vấn đề mà các nghệ sĩ bức xúc và dư luận quan tâm. Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo cổ phần hóa bám sát những diễn biến tại công ty, đề nghị những người đại diện cho phần vốn nhà nước trong công ty luôn kiểm soát và có báo cáo cụ thể với Bộ nếu có những phát sinh ảnh hưởng đến phần vốn nhà nước tại đây.

Đại diện đơn vị cổ đông chiến lược, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vận tải thủy cam kết sẽ làm tốt những việc trước đó đã cam kết với Bộ VHTT&DL, đảm bảo đời sống của nghệ sĩ tốt hơn trước khi cổ phần hoá, không để nhà nước gánh nợ cũng như bù lỗ cho hoạt động của công ty.

Vị này thừa nhận, thời gian vừa qua, Ban lãnh đạo công ty đã không làm tốt công tác quản lý, điều hành. Việc này sẽ được rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục, hạn chế tối đa việc tạo thêm những hiểu lầm không đáng có tại công ty.

“Doanh thu hàng năm của Hãng phim phụ thuộc chủ yếu vào đơn đặt hàng của nhà nước. Nguồn thu này chiếm đến 90% tổng doanh thu. Nguồn thu này được trích ra một phần để trả lương, vận hành bộ máy và sản xuất phim vì thế dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài. Theo báo cáo tài chính đến thời điểm cổ phần hóa thì Hãng phim đã lỗ 39,9 tỷ (2004 - 2014). Đời sống cán bộ công nhân viên không được đảm bảo, chỉ chi được 1/2 lương so với mức lương tối thiểu nhà nước quy định”- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói tại buổi gặp gỡ với báo chí sáng 21/9.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ VHTT&DL yêu cầu trả lương cho các nghệ sĩ làm tại Hãng phim truyện Việt Nam