Vai trò và thực tiễn tham gia tố tụng tại Tòa án của đại diện Công đoàn

Cao Tỉnh - Hoàng Hạnh| 01/05/2015 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động được quy định tại Điều 10 Luật Công đoàn và được quy định chi tiết tại Nghị định số 43/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013.

Tuy nhiên, vai trò của Công đoàn trong việc tham gia tố tụng tại Tòa án vẫn còn mờ nhạt…

Quyền và trách nhiệm

Công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ người lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân khi người lao động yêu cầu; đại diện cho người lao động tham gia quá trình giải quyết tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền; tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động theo yêu cầu. Công đoàn cấp trên có trách nhiệm tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo quy định của pháp luật lao động; hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm nêu trên. Công đoàn có quyền và trách nhiệm trong việc kiến nghị với tổ chức, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.

Vai trò và thực tiễn tham gia tố tụng tại Tòa án của đại diện Công đoàn

Công đoàn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động

Công đoàn cơ sở tại đơn vị sử dụng lao động có quyền và trách nhiệm trong việc đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền và trách nhiệm: Lấy ý kiến tập thể lao động để đình công theo quy định của pháp luật lao động; ra quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công; rút quyết định đình công nếu chưa đình công; tiến hành đình công theo quy định của pháp luật lao động; thực hiện quy định về không được đình công, hoãn, ngừng đình công theo quy định của pháp luật lao động; yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp theo quy định của pháp luật. Những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở đã nêu trên.

Thực tiễn tham gia tố tụng của đại diện Công đoàn

Chức năng bảo vệ lợi ích người lao động của Công đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để thực hiện chức năng này, Công đoàn tham gia cùng chính quyền tìm việc làm và tạo điều kiện làm việc cho người lao động, Công đoàn tham gia trong lĩnh vực tiền lương, giải quyết tranh chấp lao động, đề nghị Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định của pháp luật… Những quy định này đã được pháp luật thừa nhận rất cụ thể, rõ ràng trong Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn. Như vậy, cùng với những yếu tố khác, công đoàn có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, tổ chức công đoàn chưa thực hiện tốt chức năng của mình, nhất là trong lĩnh vực đại diện người lao động giải quyết tranh chấp vì các lý do sau:

Cán bộ công đoàn hầu hết là không chuyên trách, đều là người làm công hưởng lương của chủ doanh nghiệp, chịu sự phụ thuộc nên dễ tự ti, e ngại nếu thẳng thắn nêu ra những vấn đề cần trao đổi, sợ bị chủ doanh nghiệp trù dập, kiếm cớ để sa thải. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chưa thật sự đặt hết niềm tin vào tổ chức Công đoàn để nhờ họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi việc tranh chấp phải ra Tòa án giải quyết.

Thực tế cho thấy: Các vụ án tranh chấp lao động cá nhân mà Tòa án thụ lý giải quyết hầu như vắng bóng việc người lao động ủy quyền cho tổ chức Công đoàn; còn đối với các vụ án tranh chấp lao động tập thể thì trong một thời gian dài cũng chưa có vụ nào đưa đến Tòa án giải quyết. Vì vậy, mặc dù pháp luật có quy định: Tổ chức Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp nơi xảy ra tranh chấp hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp - nơi không có tổ chức Công đoàn cơ sở được quyền khởi kiện ra Tòa theo ủy quyền của người lao động, nếu là tranh chấp lao động cá nhân; hoặc tự mình đứng tư cách là nguyên đơn khởi kiện trong vụ án tranh chấp lao động tập thể thì vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tham gia tố tụng tại Tòa án vẫn còn mờ nhạt, chưa thật sự mạnh để thực hiện tốt chức năng bảo vệ lợi ích của người lao động.

Mặt khác, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng chưa có cơ chế cho tổ chức Công đoàn được tham gia giải quyết vụ việc lao động tại Tòa án theo đề nghị của Tòa án, hoặc theo đề nghị của các bên đương sự trong các phiên hòa giải, nên phần nào hạn chế vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện cũng như cùng tham gia giải quyết tranh chấp vụ việc lao động tại Tòa án. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò và thực tiễn tham gia tố tụng tại Tòa án của đại diện Công đoàn