Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

Ý Thơ| 01/05/2015 07:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam và Cuba như hai anh em sinh đôi ở Đông bán cầu và Tây bán cầu, như hai người lính đứng gác cho sự nghiệp hòa bình và bình yên của thế giới.

14 năm học tập và công tác tại Cuba, 5 năm đảm trách cương vị Đại sứ Việt Nam tại Cuba, hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba, đối với Đại sứ Phạm Tiến Tư, những người anh, người đồng chí, người bạn, người em, những bà con đồng bào các nước châu Mỹ Latinh này là một phần không thể tách rời trong tâm thức và tình cảm của ông.

Báo Công lý xin mời độc giả tiếp tục theo dõi những chia sẻ của Đại sứ Phạm Tiến Tư về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và người bạn lớn Cuba mang tên: “Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức”.

Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

Đại sứ Phạm Tiến Tư chia sẻ về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba.

Nếu trong chiến đấu, Cuba vì Việt Nam mà “sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, thì trong thời bình, người bạn lớn ấy lại sẵn sàng đổ mồ hôi để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam 10 lần to đẹp hơn, như Bác Hồ hằng mong muốn trong di chúc gửi lại toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam.

Cuba, với Việt Nam, có một quan hệ hết sức đặc biệt. Quan hệ đặc biệt đó có thể được khái quát bằng tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị anh em thủy chung, trong sáng, vô tư. Đó là mối quan hệ nhất quán trong việc giúp đỡ, ủng hộ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, ưu tiên, ưu đãi cho nhau theo điều kiện thực tế của đất nước mình, để cùng xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công trên hai đất nước Việt Nam và Cuba.

Đứng về mặt ngoại giao, chúng ta vẫn thường nói rằng, đối ngoại là sự kéo dài của đối nội. Song đây không phải là nhân tố phụ thuộc vào đối nội mà là hai nhân tố bổ trợ cho nhau.

Cụ thể, trong chiến đấu, khi đối ngoại tập hợp sức mạnh toàn thế giới đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam, thì sức mạnh nội tại của chúng ta cũng được nhân lên gấp bội để đánh thắng kẻ thù. Và điều này cũng được thể hiện trong quá trình xây dựng lại đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

Chủ tịch Fidel Castro và phái đoàn Cuba thăm vùng đất mới được giải phóng tại Quảng Trị vào năm 1973. Ảnh: Granma

Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

Chủ tịch Fidel Castro phất cờ của quân giải phóng tại cứ điểm 241, gần căn cứ Dốc Miếu (Quảng Trị). Ảnh: Granma

Về mặt đối ngoại, Việt Nam và Cuba có điểm tương đồng rất lớn. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong sự tương đồng về hoàn cảnh lịch sử.

Ngược trở lại quá khứ, Việt Nam và Cuba đều là hai nước nhỏ, đều bị chủ nghĩa thực dân đô hộ hàng trăm năm. Nếu ở Việt Nam là thực dân Pháp, thì ở Cuba là thực dân Tây Ban Nha. Và sau này, khi Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thì chính Mỹ cũng áp dụng chủ nghĩa thực dân kiểu mới tại Cuba.

Nhắc lại chuyện cũ để chúng ta khẳng định với nhau một điều rõ ràng là, khi cùng hoàn cảnh thì người ta dễ thông cảm với nhau hơn, hiểu nhau hơn, đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Về mục tiêu cách mạng và phong cách ngoại giao: Cuba cũng là một đất nước rất sáng tạo, mềm mỏng, uyển chuyển trong chính sách đối ngoại để tập hợp được một lực lượng nhân dân thế giới đứng bên cạnh mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Và điều này cũng thể hiện trong việc từng bước Cuba tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm thiết lập lại quan hệ ngoại giao, từng bước bình thường hóa quan hệ với Mỹ ở thời điểm hiện nay.

Về tinh thần quốc tế chủ nghĩa, nếu Việt Nam giúp các dân tộc bạn (như Lào, Campuchia) cả trong sự nghiệp chống Pháp và chống Mỹ để giành độc lập dân tộc, thì Cuba cũng là một nước có tinh thần chủ nghĩa quốc tế rất cao.

Cuba đã vượt trùng dương đi cứu bạn, sang giúp nhân dân Angola để giải phóng đất nước, cùng một số nước châu Phi khác như Zambia, Zimbabwe, Nam Phi… và một số quốc gia ở châu Mỹ Latinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuba quan niệm giúp bạn là giúp mình, cũng như Bác Hồ từng nói, chúng ta giúp Lào, giúp Campuchia cũng là giúp mình.

Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Fidel Castro dang rộng vòng tay khi gặp nhau tại nhà riêng Đại tướng năm 2003. Ảnh: Đại tá Xuân Gụ, nguyên Trưởng ban ảnh báo Quân Đội Nhân Dân (Nguồn: TTO)

Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Fidel Castro tại phòng truyền thống gia đình năm 2003. Ảnh: Đại tá Xuân Gụ, nguyên Trưởng ban ảnh báo Quân Đội Nhân Dân (Nguồn: TTO)

Phong cách đối ngoại của hai nước có nhiều điểm giống nhau, rõ nét nhất đó là một chính sách đối ngoại nhất quán, hòa bình, đoàn kết hữu nghị, đoàn kết quốc tế, nhưng phải có nguyên tắc.

Do cùng chung mục tiêu chiến lược (giải phóng dân tộc để tiến lên chủ nghĩa xã hội), Việt Nam và Cuba là đồng minh chiến lược của nhau, đã, đang và sẽ đi với nhau đến cùng, chứ không phải đồng minh sách lược (chỉ trong một giai đoạn).

Nói về phương pháp ngoại giao, chúng ta thường có câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Như vậy là, để thực hiện mục tiêu chiến lược không thay đổi, phương pháp sách lược phải mềm dẻo, uyển chuyển tùy thuộc vào từng thời kỳ, từng giai đoạn, cũng như từng đối tác để có thể hóa giải mâu thuẫn, biến thách thức thành cơ hội. Hai nước đều có một phương châm: “Biến đại sự thành trung sự, trung sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.

Một điểm tương đồng nữa về phong cách đối ngoại giữa hai nước, đó là hòa đồng, hội nhập nhưng vẫn giữ được mình, “đổi mới mà không đổi màu, hội nhập nhưng không hòa tan”.

Sự vô tư, trong sáng, vị tha, hào phóng, hào hiệp, giúp đỡ mà không hề tính toán kể công cũng là nét đẹp tiêu biểu trong quan hệ đối ngoại giữa hai nước chúng ta. Cuba thường nói, đã giúp đỡ mà kể công thì đó không phải là giúp đỡ. Chủ tịch Fidel Castro cũng từng có một câu để nói về sự giúp đỡ khảng khái, thật lòng như sau: “Toàn bộ sự vinh quang trên thế giới không chứa nổi trong một hạt ngô”.

Đứng về mặt đường lối chính sách, phong cách đối ngoại, Việt Nam và Cuba có nhiều điểm tương đồng, song cũng có những điểm khác biệt nhau, phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán của mỗi một nước.

Về mặt địa lý, Việt Nam ở phía Đông, nên có phong cách phía đông mềm dẻo, khôn khéo, kiên trì, nhẫn nại. Cuba thì ở phương Tây nên mang phong cách khảng khái, sôi nổi, nhiệt tình, bộc trực. Mặc dù mọi sự so sánh đều khập khiễng, song chúng ta có thể nói, người Cuba có tính cách như anh Hai Nam Bộ vậy.

Nhưng rõ ràng, Cuba là người bạn chí cốt cùng chung mục tiêu, cùng chung chiến hào, cùng chung mặt trận chống áp bức bóc lột, chống thực dân đế quốc và cùng tiến lên một hướng là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là đường lối chính sách đối ngoại đặc trưng mà Chủ tịch Fidel Castro từng khái quát: quan hệ Việt Nam - Cuba nói chung, và quan hệ đối ngoại giữa hai nước nói riêng, là biểu tượng của thời đại.

Còn Bác Hồ lúc sinh thời, khi đón một đoàn cấp cao của Cuba, đã nói một câu rất đẹp: Việt Nam và Cuba như là hai anh em sinh đôi, một người ở Tây bán cầu là Cuba, một người ở Đông bán cầu là Việt Nam. Do hoàn cảnh địa lý, cách 12 giờ. Nếu ở Việt Nam là ban ngày, thì ở Cuba là ban đêm, và ngược lại.

Hai anh em sinh đôi như hai người lính đứng gác cho sự nghiệp hòa bình và bình yên của thế giới. Khi Việt nam ngủ thì Cuba thức để gác giấc ngủ của Việt Nam, và đến khi Cuba ngủ thì Việt Nam lại thức để gác giấc ngủ của Cuba.

Đón đọc Phần 3 cuộc trò chuyện với Đại sứ Phạm Tiến Tư: Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba: Con đường nhiều chông gai! trên Báo Công lý vào ngày 02/5/2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi Việt Nam ngủ, thì Cuba thức