Cùng nhìn lại câu chuyện tình đẹp nhất làng báo thế kỷ 20

Hà Kim| 22/06/2016 06:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghề báo thực sự đã là “ông tơ, bà nguyệt” trong câu chuyện tình Robert Capa – Gerda Taro. Đôi uyên ương, dù cùng chung gốc gác Hungary trong huyết quản nhưng lại đến từ hai quốc gia khác nhau.

Robert Capa - chủ nhân của hàng loạt bức ảnh chiến tranh kinh điển, người đã được vinh danh là phóng viên ảnh chiến trường vĩ đại nhất thế kỷ 20. Không những thế, Robert Capa còn là nhân vật chính của câu chuyện tình được xem là đẹp nhất làng báo thế kỷ 20. Càng ngạc nhiên hơn, khi một nửa yêu thương của tay máy lừng danh này cũng là một nữ phóng viên chiến trường quả cảm - Gerda Taro.

Robert Capa, tên khai sinh là Andre Friedmann sinh ra tại thủ đô Budapest (Hungary) và định cư ở Paris (Pháp). Còn Gerda Taro, tên thật là Gerta Pohorylle, lớn lên trong một gia đình người Đức – Hungary gốc Do Thái ở thành phố Stuttgart, miền nam nước Đức.

Họ gặp nhau vào năm 1933, khi Gerda Taro bị bắt vì phát hành tờ rơi chống phát xít. Sau khi được trả tự do, Taro bị buộc rời khỏi nước Đức, tới lánh nạn tại Paris, Pháp. Cũng trong thời điểm này, Robert Capa cũng phải chọn Paris làm nơi định cư để trốn chạy sự truy đuổi của Đức quốc xã.

Cùng nhìn lại câu chuyện tình đẹp nhất làng báo thế kỷ 20

Robert Capa – Gerda Taro đã cùng nhau tạo nên một câu chuyện tình được xem là đẹp nhất làng báo thế kỷ 20

Tuy cách biệt về tuổi tác (Gerda Taro hơn  Robert Capa đến 3 tuổi) và khác nhau về nguồn gốc xuất thân, nhưng hoàn cảnh xô đẩy đã khiến hai con người xa lạ dần xích lại bên nhau. Nhưng có lẽ, chính những tương đồng trong công việc mới thực sự là ngọn lửa nhen nhóm lên tình yêu giữa họ.

Với công việc của một phóng viên và biên tập viên nhiếp ảnh cho hãng ảnh Alliance Photo, đã giúp Taro có nhiều cơ hội được gặp gỡ Robert Capa, lúc ấy đang là một nhiếp ảnh gia tự do thường cộng tác với Alliance Photo.

Cùng làm việc với nhau và cùng một mối quan tâm chung, nên hai người đã “say” nhau lúc nào không biết. Chỉ rõ một điều rằng, tình yêu dường như đã là nguồn động lực bất tận để Robert Capa– Gerda Taro làm việc và bất chấp mọi nguy hiểm.

Giữa họ, dường như không chỉ là một đôi tình nhân đơn thuần mà còn là cặp bài trùng ăn ý. Chàng dạy nàng về nhiếp ảnh còn nàng dạy chàng cách hoàn thiện bản thân. Họ đã kề vai sát cánh trên những hành trình rong ruổi gian nan và cũng đầy lãng mạn.

Và cũng từ khi yêu Robert Capa, Gerda Taro chấp nhận lùi về phía sau, làm hậu phương vững chắc cho người yêu. Trên cương vị là trợ lý riêng của Robert Capa, Gerda Taro đã vạch ra cho chàng nhiếp ảnh gia tài năng một kế hoạch tác nghiệp bài bản, công phu. Thậm chí, Gerda Taro còn vạch ra một chiến dịch quảng bá tên tuổi cho Robert Capat.

Chuyện tình của họ có lẽ vẫn mãi đẹp, nếu như không có cuộc nội chiến Tây Ban Nha nổ ra vào năm 1936. Lúc đó, Robert Capa và Gerda Taro cùng nhau tham gia vào cuộc chiến để nâng cao chuyên môn của họ, đồng thời chống chủ nghĩa phát xít. Chính tại đây, ngày 5/9/1936, Capa đã có cho mình một trong những bức ảnh để đời mang tên "The Falling Soldier" – chớp lại được khoảnh khắc ngã xuống của người lính dân quân anh dũng.

Tuy nhiên, mọi chuyện không thể mãi êm đềm và dường như định mệnh đã sắp đặt cho Taro một kết cục cuối cùng. Trong các chuyến tác nghiệp trước, bà thường đi chung với Robert Capa, nhưng chuyến đi ngày 25/7/1936 ấy, người đồng hành với bà lại là nhiếp ảnh gia người Canada, Ted Allan.

Vào thời khắc đó, dường như cái "tôi" trong Gerda Taro là lớn hơn tất cả. Bà muốn chứng tỏ bản thân, cũng như muốn sở hữu những hình ảnh ấn tượng nhất, nên nữ phóng viên người Đức đã không màng tới nguy hiểm, khiến bản thân rơi vào tình huống không thể kiểm soát nổi.

Ngày hôm đó, Gerda Taro lăn lộn trong các đường hào ở Brunete, phía Tây Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, cùng những người lính Cộng hòa. Bom dội và máy bay oanh tạc mặt đất, nhưng Taro vẫn không ngừng chụp ảnh. Say nghề tới mức Taro nhảy cả lên một xe ô tô đang chở thương binh để tác nghiệp. Nhưng bất hạnh đến thật bất ngờ. Chiếc xe ô tô Taro đang đứng tác nghiệp đột ngột đụng phải một chiếc xe tăng. Gerda Taro bị nghiền nát và mất vào ngày hôm sau ở một bệnh viện gần đó.

Cùng nhìn lại câu chuyện tình đẹp nhất làng báo thế kỷ 20

Gerda Taro đã trở thành nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận

Gerda Taro đã ra đi ở tuổi 27, trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, đây là một sự kiện gây chấn động thời bấy giờ. Và theo ghi nhận của báo chí thế giới, Gerda Taro đã trở thành nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận.

Sau bao nhiêu năm rong ruổi cùng người tình ở khắp các chiến trường, chỉ một lần đơn độc bước vào vùng khói lửa, Gerda Taro vĩnh viễn bỏ lại quãng đời đẹp nhất của thời thanh xuân.

Về phía Capa, ông hoàn toàn bị choáng váng và về sau ông cũng không hề kết hôn. Robert Capa vẫn tâm sự rằng, ông đã không bao giờ tha thứ cho bản thân mình khi để Gerda Taro ra chiến trường mà không có mình đi cùng. Ông luôn cảm thấy phải chịu một phần trách nhiệm, vì mình là người đã đưa Gerda Taro vào con đường của một nhiếp ảnh gia chiến trường.

Sau cái chết của Taro và ngay cả khi còn sống, thì những thành quả công việc của bà đều đã bị đồng hóa với công việc của người tình - Robert Capa. Vì thế, nếu tên tuổi của Robert Capa được công nhận ở tầm quốc tế, Gerda Taro gần như bị quên lãng.

Chỉ đến khi người ta tìm thấy một chiếc vali ở Mexico vào năm 2007, trong có 4.500 tấm phim, ảnh của Capa, Taro và đồng nghiệp của họ. Trong số này có cả những hình ảnh của Taro mà trước đây vẫn được cho là của Capa. Đơn cử như bức "The Falling Soldier" lừng danh.

Từ giờ khắc ấy, công chúng nhiếp ảnh mới rõ một điều rằng, làng nhiếp ảnh báo chí thế kỷ 20 không chỉ có Margaret Bourke White, Martha Gellhorn, Marie Colvin… mà còn có Gerda Taro – một phóng viên ảnh can đảm được cả thế giới ngưỡng mộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng nhìn lại câu chuyện tình đẹp nhất làng báo thế kỷ 20