Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Hà Thu| 20/07/2017 16:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu không có bản hợp đồng ký với nhà sản xuất thì hẳn người chơi các gameshow truyền hình thực tế không phải ngậm ngùi “diễn” cho hết kịch bản để rồi bị dư luận chỉ trích, lên án vì thiếu văn hóa ứng xử.

Căng thẳng, mẫu thuẫn là có thật

Mấy ngày vừa qua, làng mẫu lại dấy lên câu chuyện người mẫu chèn ép, ganh ghét nhau khi xuất hiện cảnh xô xát, chửi nhau trên sóng truyền hình. Mặc dù câu chuyện này không còn mới nhưng nó vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận khi liên quan đến các gameshow truyền hình hiện nay, ở đó có mối liên hệ giữa nhà sản xuất và nhà đài.

Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Cuộc ẩu đả giữa các thí sinh Vietnam's Next Top Model 2017 là câu chuyện ồn ào thời gian qua

Tuy nhiên, chưa nói đến nhà đài, nhà sản xuất, nhiều người đặt câu hỏi, việc ganh ghét giữa các thí sinh dấy lên câu hỏi về tính chân thực của chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Liệu đây là đời sống thật của giới người mẫu hay chỉ là diễn xuất của người chơi, chiêu trò dàn dựng của ban tổ chức nhằm tạo kịch tính, thu hút khán giả?

Một số người từng tham gia chương trình này ở Việt Nam và cả nước ngoài đều cho rằng căng thẳng ở nhà chung là có thật. Chế Nguyễn Quỳnh Châu, thí sinh Vietnam’s Next Top Model 2014 khẳng định những gì lên sóng là thực tế, nhà sản xuất không cố tình đẩy mâu thuẫn lên cao trào. Thậm chí, cô từng chứng kiến nhiều câu chuyện kinh khủng hơn ở nhà chung nhưng sau đó được cắt bớt khi lên sóng. "Tôi biết nhiều người có xích mích nhưng không thể hiện trên sàn catwalk. Tôi nghĩ đó là cảm xúc thật, không phải đóng kịch", Quỳnh Châu chia sẻ.

Tham gia Asia's Next Top Model 2016, Minh Tú từng gây chú ý với những phát ngôn thẳng thắn, gây sốc trên truyền hình như gọi đối thủ người Indonesia là "đồ khốn". Người mẫu cho biết họ thường tranh cãi quanh chuyện người ngủ sớm, người ngủ muộn gây ồn ào trong nhà chung. Cô cho biết mỗi người một cách suy nghĩ nên khó có thể hòa hợp trong thời gian ngắn. Hay như trường hợp của Mai Ngô ở Asia’s Next Top 2015 cũng từng gây tranh cãi khi có những phát ngôn “ăn miếng trả miếng” với các thí sinh khác khi ở nhà chung.

Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Minh Tú cũng có màn tranh luận với các thí sinh tại Asia's Next Top 2017

Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Mai  Ngô của Asia' s Next Top Model 2016 từng bị các thí sinh khác ghét khi ở nhà chung

Chân dài Hồng Xuân, vừa dừng chân ở tập 4 Vietnam’s Next Top Model 2017 tiết lộ rằng mình đã bị tổn thương, bị stress và phải thức trắng 2 ngày sau những gì diễn ở nhà chung.

Sự thật thứ hai là bản hợp đồng với nhà sản xuất

Dư luận thì chỉ trích người mẫu, tảy chay chương trình, nhưng có ai biết được rằng diễn biến này cũng có nguyên do của nó mà một phần chính là từ phía nhà sản xuất, nhà đài. Để tăng rating, lợi nhuận nên nhà sản xuất thay vì khai thác chuyện chuyên môn, kỹ năng mà khai thác chuyện hậu trường. Đành rằng câu chuyện hậu trường chỉ chiếm thời lượng nhỏ khi lên sóng, thậm chỉ chiếm 1/3 thời lượng phát sóng nhưng từng ấy cũng đủ để khuấy động dư luận, là “miếng mồi ngon” để thu hút sự chú ý của dư luận.

Còn nhớ trước đó, Vietnam’s Next Top Model với lịch sử 7 mùa phát sóng, trong khi The Face-Gương mặt thương hiệu vừa qua 1 mùa, không thể phủ nhận sức nóng của cả hai chương trình này. Nhiều khán giả đã từng “ăn ngủ” cùng cả hai gameshow “siêu hot” này.

Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Dàn HLV The Face mùa 2: Lan Khuê, Minh Tú và Hoàng Thùy

Tuy nhiên, sau thành công của một vài mùa đầu tiên, cũng  như một số gameshow khác dần dần “thoái trào” khi nhà sản xuất không tìm ra được gương mặt nổi bật, nội dung hấp dẫn. Thay vào đó là sự can thiệp, kiểm soát tất cả diễn biến của câu chuyện. Dù mọi người thừa hiểu truyền hình thực tế luôn dùng câu chuyện hậu trường để đẩy sự kịch tính của chương trình lên đỉnh dư luận nhưng chuyện mâu thuẫn của thí sinh với nhau ở hậu trường cuộc thi mà Vietnam’s Next Top Model 2017 hay The Face- Gương mặt thương hiệu đang đánh  mất khán giả ruột của chính mình. 

Câu chuyện của Hồng Xuân, chân dài 1m9 vừa dừng chân ở tập 4 Vietnam’s Next Top Model khiến nhiều người phải suy nghĩ. Việc cô cho biết những gì mình đã trải qua thật kinh khủng, trước khi đưa ra quyết định chia sẻ với mọi người cô đã mất 2 ngày thức trắng: “Tôi mệt mỏi với những gì đang diễn ra. Thật sự hai đêm qua quá kinh khủng với tôi. Vào nghề tuy chưa lâu nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình phải tranh giành với ai. Và hôm nay, sau 2 đêm thức trắng vì stress, tôi nghĩ mình nên nói ra những gì mình nghĩ để mọi người hiểu”. Theo chia sẻ của Hồng Xuân, những gì mà khán giả nhìn thấy trên sóng truyền hình chỉ là bề nổi và rằng nếu không bị ràng buộc về bản hợp đồng với nhà đài cô đã lên tiếng về sự thật đang diễn ra ở nhà chung Vietnam’s Next Top Model.

Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Hồng Xuân

“Ở đây tôi chỉ muốn nói đến cách sống và làm việc của mình, chưa bao giờ vì danh tiếng mà tôi đu bám theo thị phi. Tôi chấp nhận mình nhạt nhưng nhạt để yên bình. Tôi không bon chen và càng không như dân mạng nói bất chấp để lên sóng.

Các bạn sẽ làm gì nếu là tôi, vừa bị ảnh hưởng tinh thần vừa đau đớn về thể xác. Ai chịu cho tôi những tổn thương này, chỉ có mình tôi thôi”- Hồng Xuân chia sẻ.

Siêu mẫu Xuân Lan, cựu Host của Vietnam’s Next Top Model cảm thấy chua xót khi hình ảnh của nghề người mẫu  bị bóp méo, trở nên 'xấu xí' ở nhiều game show hiện nay. Cô cho rằng bản chất thật của các người mẫu đó không phải như vậy.  "Các em thí sinh tại chương trình năm nay đa số đều đã từng được Xuân Lan đào tạo và còn làm việc với tôi nên tôi đánh giá rằng bản chất, tính cách của các em ấy không phải như mọi người nhìn thấy trên truyền hình thực tế. Ở ngoài, các em có thể có cá tính của riêng mình nhưng không phải kiểu thô lỗ, xấu xí như vậy. Các cô gái ấy ở ngoài rất chuyên nghiệp, họ dễ thương, đi làm đúng giờ và lễ phép. Không những vậy các em còn có nhiều nỗ lực để bám trụ, phát triển nghề nghiệp tích cực. Không hiểu đến mùa thi năm nay tự dưng cái hình ảnh mà các bạn đã cố gắng nỗ lực để xây dựng đó bị xấu đi một cách thảm thương"- Xuân Lan cho biết.

Siêu mẫu Xuân Lan cũng cho rằng không nên vì một hành động của nhóm thí sinh trong chương trình mà đánh đồng văn hóa ứng xử của cả giới người mẫu. Việc một vài người mẫu như Cao Thiên Trang, Thùy Dương, Kikki Lê, Nguyễn Hợp hay Hồng Xuân ở phiên bản All Stars năm nay có những hành xử được nhiều người cho là “ồn ào như chợ tôm, chợ cá”, thực chất có như những gì chúng ta nhìn thấy khi mà bản thân những người trong cuộc đều thừa nhận rằng đó chỉ là một phần của sự việc, thời lượng của chương trình thì có hạn nên có những đoạn nhà sản xuất đã cắt đi, không được phát sóng.

Hay như có một ý kiến trái chiều nhưng chính những người trong cuộc cũng không thể lên tiếng nói rõ ràng mọi chuyện vì “đã trót ký hợp đồng” với nhà sản xuất nên không thể nói ra chuyện gì đang diễn ra, chỉ biết rằng mọi thứ đã được sắp xếp theo ý đồ của nhà sản xuất. Cũng bởi hiểu rõ khi đặt bút ký hợp đồng với nhà sản xuất mà nghệ sĩ Trung Dân từng thừa nhận rằng mình không bao giờ ký hợp đồng nào cả vì sự ràng buộc, đến lúc khó rút chân ra được khi mình rơi vào thế khó xử.

Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Nhiều người trong giới đặt vấn đề rằng chuyện nhà sản xuất muốn tạo scandal để tăng rating (chỉ số người xem) nên bất chấp sự chỉ trích của công luận là một lẽ nhưng cái chính vẫn là sự dễ dãi của đơn vị phát sóng. Hình như nhà đài buông lỏng kiểm duyệt thì phải?

Chia sẻ với báo chí, nghệ sĩ Mỹ Uyên cho biết: “Tôi không tham gia game show nhưng cũng không đả phá game show. Ai làm được cái gì thì cứ làm thôi. Khi mà công chúng có sự phê phán về game show, chắc hẳn những người làm chương trình phải biết rút kinh nghiệm, làm kỹ hơn. Cũng mong các nhà đài, nhà quản lý chặt chẽ hơn trong kiểm duyệt chất lượng game show khi cho lên sóng, các nghệ sĩ tham gia game thì không nên dễ dãi để có những chương trình chất lượng hơn, không còn bị khán giả phản ứng”.

Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?

Câu chuyện Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân từng gây ồn ào thời gian dài

Có thể nhắc lại câu chuyện gây ồn ào giữa Hương Giang Idol và nghệ sĩ Trung Dân từ game show “Siêu sao đoán chữ" thời gian vừa qua. Ngay từ cái tên đã phản cảm (chỉ có mục đích tự sướng cho người chơi). Những gương mặt nghệ sĩ đó là "siêu sao" cả ư? Vậy nước ta là cường quốc của nghệ thuật? Phần câu hỏi thì khán giả khó có thể chấp nhận được vì nội dung giải trí “rẻ tiền” như "đút đầu vô đâu?", “Đội cái gì?"… Mục đích của chương trình là là tôn vinh "siêu sao" hay đem nghệ sĩ ra đùa giỡn tào lao trước khán giả truyền hình? Dù là mua chương trình cũng phải biết chọn lọc cho phù hợp với văn hóa của người Việt.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhà biên kịch Vương Huyền Cơ cho rằng nhà đài hình như thả lỏng việc thẩm định format mặc kệ cho các công ty truyền thông thao túng. Nếu không chấn chỉnh từ bây giờ thì đừng trách văn hóa người xem xuống cấp. Chẳng lẽ tắt tivi hoặc chuyển kênh coi phim nước ngoài.

Câu chuyện ồn ào của Trấn Thành cách đây chưa lâu với Đài Vĩnh Long là một ví dụ điển hình. Sau một loạt những phát ngôn khi ngồi ghế nóng của Trấn Thành, nhà đài này đã cắt hợp đồng, nói không với nam danh hài, loại anh khỏi danh sách huấn luyện viên của Tuyệt đỉnh song ca nhí. Nhà đài này cho biết, hình ảnh của Trấn Thành không phù hợp với đối tượng nhí mà chương trình này hướng tới. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng, vậy tại sao phía đài vẫn mời danh hài ngồi ở vị trí huấn luyện viên, chỉ khi dư luận lên án, chỉ trích anh về những hành xử kém duyên ở một vài gameshow hài khác, họ mới loại danh hài ra khỏi danh sách. Đại diện của Trấn Thành từng tuyên bố sau lời cấm cửa này được đưa ra: "Đó là chuyện của nhà sản xuất và họ được quyền chọn chứ chúng tôi đâu có được quyền chọn".

Vậy phải chăng, trách nhiệm ở đây không chỉ là người nghệ sĩ mà nhiều người quên rằng có có sự hiện diện của nhà sản xuất và nhà đài. Nghệ sĩ chỉ vì kí hợp đồng với nhà sản xuất, còn việc kịch bản như thế nào đều do nhà sản xuất thực hiện, nhà đài kiểm duyệt. Cho đến hiện tại, chỉ có nghệ sĩ mới là người bị lên án, đứng giữa luồng dư luận trái chiều, còn phía nhà đài, nhà sản xuất gần như vô can, đứng ngoài tâm bão ấy?

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền hình thực tế: Nhà sản xuất tạo scandal, nhà đài buông lỏng kiểm duyệt?