Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Thảo Nguyên| 22/12/2018 11:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liệu pháp miễn dịch là hình thức tăng cường khả năng nhận biết và loại bỏ các tế bào ung thư. Với trị liệu bằng nguyên lý mới của liệu pháp miễn dịch, dấu hiệu ung thư đã biến mất ở nhiều loại ung thư.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư vừa được Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức tại Hà Nội.

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, hiện nay ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đứng trước cả bệnh tim mạch, đột quỵ, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính... Các loại ung thư hàng đầu hay gặp ở nữ giới là ung thư vú, cổ tử cung, tuyến giáp. Còn ở nam giới dễ mắc nhất là ung thư phổi, dạ dày, gan, thực quản... Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do chế độ ăn uống, thuốc lá, nhiễm khuẩn, ô nhiễm môi trường... 

Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng giảm đi ở Mỹ, Nhật và châu Âu nhưng gia tăng ở các nước đang phát triển. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocal) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm nước ta có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Chính vì vậy, làm thế nào để điều trị ung thư hiệu quả đang là vấn đề được ngành Y tế và cả xã hội đặc biệt quan tâm.

Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị trình bày báo cáo tại hội nghị

Trong lịch sử y học, điều trị ung thư đã trải qua nhiều hình thức như phẫu trị, xạ trị, hóa trị, nhưng các phương pháp điều trị này có thể tạm thời làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này có thể làm giảm số lượng tế bào bạch cầu được tạo ra trong tủy xương.

Theo PGS Nghị, bên cạnh những ưu điểm mang lại, phương pháp điều trị ung thư có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch lan vào tủy xương. Trong đó, tủy xương có giá trị tạo ra các tế bào máu giúp chống nhiễm trùng: bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch, nhưng nó cũng có thể xảy ra với các bệnh ung thư khác. Ung thư có thể ngăn chặn tủy xương tạo ra tế bào máu.

Đầu năm 2018 này, giải Nobel Y học đã được trao cho các đề tài của nhà khoa học James Allison (Hoa Kỳ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) với những khám phá quan trọng về liệu pháp miễn dịch trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Liệu pháp miễn dịch là hình thức tăng cường khả năng nhận biết và loại bỏ các tế bào ung thư. Với trị liệu bằng nguyên lý mới của liệu pháp miễn dịch đã mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn ở nhiều loại ung thư.

“Với giá trị được ứng dụng rộng khắp trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị khỏi ung thư, liệu pháp miễn dịch đã nhanh chóng chứng minh được ưu điểm và tiềm năng để trở thành một “trụ cột” mới trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, để điều trị an toàn, hiệu quả cho người bệnh, việc không ngừng nghiên cứu vẫn là những thách thức của các nhà khoa học toàn thế giới”, PGS Nghị nói.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả điều trị ung thư, có thể từ 40% lên 90%, cần phối kết hợp chẩn đoán sớm, điều trị đa mô thức và nghiên cứu.

Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Chụp cộng hưởng (hay còn gọi MRI) là bước tiến vượt bậc trong ngành chẩn đoán hình ảnh

Trong khuôn khổ hội thảo, bác sĩ Niketa Chotai - Chuyên gia tư vấn chẩn đoán hình ảnh hàng đầu của Singapore có bài báo cáo về vai trò cộng hưởng từ trong chẩn đoán y khoa. Chụp cộng hưởng (MRI) là bước tiến vượt bậc trong ngành chẩn đoán hình ảnh, hiện được các bác sĩ chuyên khoa lựa chọn hàng đầu để tăng khả năng phát hiện bệnh sớm, từ đó nâng cáo hiệu quả chẩn đoán và theo dõi bệnh sau điều trị.

Hệ thống MRI được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán, theo dõi và phát hiện sớm tất cả khối u, các bệnh lý khác ở các tạng trong ổ bụng như gan, tụy, đường tiêu hóa; sọ não; cột sống; cơ xương khớp; toàn thân; thai nhi…

“Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật MRI là không bị nhiễm xạ nên an toàn cho người bệnh. Hệ thống MRI mới không có tiếng ồn nên tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu cho bệnh nhân. Những ưu điểm khác như độ phân giải tốt, áp dụng cho hầu hết các bộ phận cơ thể, có thể thực hiện được ở nhiều hướng cắt khác nhau, có nhiều chuỗi xung khác nhau cho phép tiếp cận tới gần bản chất mô học của tổn thương…”, bác sĩ Niketa Chotai phân tích.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đánh giá, những năm qua Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã đi sâu vào nhiều kỹ thuật mới, cùng hệ thống y tế chung cả nước đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 

“Đổi mới của bệnh viện đã góp phần đưa các kỹ thuật, dịch vụ y tế chất lượng cao tới gần người dân. Những ứng dụng tiện ích hiệu quả như lấy mẫu máu xét nghiệm tại nhà, áp dụng công nghệ thông tin tra kết quả khám sức khỏe trên điện thoại để người dân nhận kết quả sớm nhất,” Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư