Trầm cảm sau sinh, mẹ có thể làm hại mình và con

Thảo Nguyên| 15/06/2017 09:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ việc bé 35 ngày tuổi tại Hà Nội tử vong trong chậu nước và nghi phạm chính là mẹ của bé khiến dư luận xôn xao.

Người mẹ 19 tuổi mắc chứng trầm cảm khai với cảnh sát rằng thấy đau đầu, cảm giác như có ai nhập vào người khiến mất kiểm soát và thực hiện hành vi giết con đẻ của mình.

Không chỉ có vụ việc ở Hà Nội, thời gian qua đã có nhiều trường hợp trẻ bị mẹ đẻ sát hại, xuất phát từ chứng trầm cảm sau sinh.

Ẩn họa trầm cảm sau sinh

Theo như số liệu thống kê mới nhất đã chỉ ra rằng có tới 17% phụ nữ đang bị bệnh trầm cảm sau sinh. Nhưng các chuyên gia tâm lý lại nhận định, con số này mới chỉ ở dạng bề nổi của tảng băng chìm. Thực chất rất nhiều người không hề nhận thức đúng về căn bệnh cực kì nguy hiểm này.

TS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết, số bệnh nhân bị trầm cảm, trong đó có trầm cảm sau sinh, ngày càng tăng. Nhưng ít người coi đó là bệnh để quan tâm tới nó.

Trầm cảm sau sinh, mẹ có thể làm hại mình và con

Có quá nhiều lý do khiến phụ nữ sau sinh bị trầm cảm. Ảnh minh họa

Lý giải nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh, TS Phương cho rằng, sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hormone tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa lúc này cũng có sự biến đổi, dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Kèm theo đó, nhiều người lại gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến mất hết hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng này càng trở lên nghiêm trọng hơn nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính. Đặc biệt, nếu trong gia đình có người bị từng bị trầm cảm thì sau khi sinh, phụ nữ cũng có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu An - Chuyên gia tư vấn tâm lý của chương trình Tâm sự bạn trẻ (thuộc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số) cho biết, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15-25% trong 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.

Có những trường hợp đặc biệt hơn, sản phụ mắc trầm cảm sau sinh bị hoang tưởng có ảo giác, ảo thanh, không thể tự chủ được hành động của mình … người mẹ có thể giết con mà không hay biết, BS An nói.

Người nhà cần làm gì khi có người bị trầm cảm sau sinh?

Theo BS An, sự quan tâm của gia đình chính là nền tảng cần thiết cho người bị trầm cảm. Vì thế khi thấy vợ có những biểu hiện trầm cảm, thì người chồng cần phải thận trọng trong cách ứng xử, không đưa ra những nhận định, phê phán mang tính mỉa mai hay có những lời trách móc về việc thiếu chăm sóc con. Những người thân trong gia đình cũng cần có thái độ thông cảm, giúp đỡ người bệnh chứ không được có tâm lý ghét bỏ, xua đuổi, né tránh hay miệt thị…

Một bầu khí thoải mái vui vẻ, trong gia đình, một thái độ quan tâm ân cần, những lời nói tich cực và chế độ ăn uống thích hợp, đủ dinh dưỡng cũng như có sự chia sẻ trong việc chăm sóc con, bồng ẵm, ru ngủ con của người chồng… sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp bà mẹ vượt qua được những khủng hoảng dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh.

Đặc biệt, phụ nữ sau sinh nếu thấy mình có biểu hiện của rối loạn cảm xúc, cần phải thư giãn, nghỉ ngơi, thậm chí là có thể gửi con ở nhà để tụ tập bạn bè cho đỡ căng thẳng. Dù không muốn, nhưng người mẹ cũng phải cố gắng ăn uống đầy đủ, đúng bữa, ngay cả khi không thấy đói, đồng thời tránh ép bản thân phải làm những việc mà mình không thích, BS An nhấn mạnh.

Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm là đau một vùng nào đó trên cơ thể và lúc nào cũng có cảm giác bị bệnh dù thực tế không phải vậy.

Kèm theo đó, nhiều người sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể.

Cũng bởi thường xuyên căng thẳng như vậy nên họ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ trường kỳ. Họ cũng bị mất đi ham muốn tình dục và thường né tránh chồng trong “chuyện ấy”.

Nguy hiểm nhất của trầm cảm là cảm giác bị ám ảnh. Những người này thậm chí còn nghĩ rằng mình là mối nguy hại của gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này có thể kèm theo cảm giác tội lỗi, dẫn đến nhiều hành động dại dột như tự tử.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm cảm sau sinh, mẹ có thể làm hại mình và con