Quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi, không “tẩy chay” thịt lợn

Thảo Nguyên| 20/03/2019 14:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các chuyên gia khuyên người dân nên sử dụng thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thay vì "tẩy chay" thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo mới nhất, một ổ dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại xã Thèn Sin (tỉnh Lai Châu). Như vậy, Lai Châu là tỉnh thứ 20 trên cả nước mắc dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, địa phương này chưa công bố dịch. Trước đó, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 294 xã, 62 huyện, 19 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy hơn 34.700 con.

Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) cho biết, toàn bộ dịch xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa có bất kỳ trang trại nào quy mô trên 500 con lợn bị bệnh. Trang trại chăn nuôi lớn nuôi rất nhiều, muốn tiêu thụ bắt buộc phải qua kiểm dịch thú y.

“Đến thời điểm này, Cục Thú y chưa nhận được thông tin từ hệ thống thú y kiểm soát và các kênh khác về vấn đề các trang trại chăn nuôi lợn lớn có nhiễm dịch tả lợn châu Phi. An toàn sinh học rất quan trọng, đang được các đơn vị chăn nuôi quy mô lớn thực hiện triệt để”, ông Long nói.

Quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi, không “tẩy chay” thịt lợn

Đoàn kiểm tra dịch tả lợn châu Phi tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội

Về nguyên nhân khiến dịch bệnh này lây lan nhanh, đại diện Cục Thú y cho rằng, do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức được đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch, vì lợi ích trước mắt nên đã có hiện tượng bán chạy lợn ốm, lợn chết, vận chuyển, giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh, dẫn tới dịch bệnh lây lan nhanh và ở diện rộng.

Hai là, virus dịch tả lợn châu Phi có khả năng tồn tại lâu trong lợn bệnh, các sản phẩm lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi; trong khi đó, phần lớn hiện nay vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Thêm nữa, các chủ hộ chăn nuôi đã xin thức ăn thừa từ bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, quán ăn và đem về cho lợn ăn ngay mà không qua xử lí nhiệt, dẫn tới mầm bệnh phát tán ra diện rộng. Ngoài ra, một số cán bộ trong quá trình tham gia xử lí tiêu huỷ lợn bệnh không thực hiện vệ sinh triệt để nên lại mang mầm bệnh trong người.

Trước tình hình lây lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi, trong đời sống tiêu dùng đã xuất hiện tâm lý “tẩy chay” thịt lợn. Trả lời câu hỏi về sự lo lắng của người tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, dịch tả lợn Châu Phi không lây lan sang người và khi được chế biến ở nhiệt độ trên 70 độ C, virus sẽ bị tiêu diệt. Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng thịt lợn hiện nay.

Đến nay, ngành thú y cả nước đã tiến hành tiêu hủy hơn 34.000 con lợn mắc bệnh và cả lợn nằm trong ổ dịch bị tiêu huỷ, nghĩa là hễ nằm trong đàn lợn nhiễm bệnh, dù con lợn đó khoẻ mạnh thì cũng bị tiêu huỷ. Điều đó có nghĩa là, thịt lợn đang lưu hành trên thị trường là thịt lợn khoẻ mạnh, đảm bảo an toàn.

Quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi, không “tẩy chay” thịt lợn

Người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn an toàn

Cũng theo ông Dương, tất cả lợn xuất chuồng đã được kiểm dịch ngay khi xuất chuồng tại địa phương. Khi giết mổ cũng đã có cán bộ thú y kiểm dịch và khi đưa về các chợ đầu mối hay chợ truyền thống cũng đều có sự kiểm soát.

“Mong muốn là dịch tả lợn châu Phi nhanh chấm dứt ở Việt Nam, song không thể trong một sớm một chiều. Hiện nay, 70% tiêu dùng thực phẩm trong nước là dùng thịt lợn. Việc của ngành chăn nuôi là vẫn phải đảm bảo cung cấp thịt cho người tiêu dùng. Ăn thịt lợn lúc này, người tiêu dùng sẽ góp phần đáng kể cùng các cơ quan quản lý tham gia chống dịch. Sự vô tình của người tiêu dùng sẽ làm trầm trọng thêm công tác chống dịch”, lãnh đạo Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và chế biến hợp vệ sinh. Dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do vậy, người có bị phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không nên “nói không” với thịt lợn mà nên chọn mua thịt lợn an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, nơi có địa chỉ uy tín. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể phân biệt thịt mắc dịch tả lợn châu Phi với không mắc. Dấu hiệu lợn nhiễm dịch sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai, trông giống như vết muỗi đốt. Phần tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh.

Người tiêu dùng có thể quan sát bằng mắt thường, chọn mua thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, ấn ngón tay vào thịt không bị lõm, không bị dính nước, da không có các đốm hay các vết khác thường. Nếu phát hiện thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc mắc bệnh, tuyệt đối không mua.

Đặc biệt, ông Phu cũng khuyến cáo, người dân nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh lợn hay lợn chưa được chế biến kỹ để tránh mắc bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi, không “tẩy chay” thịt lợn