Một gia đình có con trai hiến tạng, cha hiến giác mạc

Thảo Nguyên| 12/10/2019 13:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Lê Xuân Cựu - cha đẻ của Thiếu tá Lê Hải Ninh (người đầu tiên của tỉnh Ninh Bình hiến mô, tạng sau khi bị tai nạn chết não, nối dài sự sống cho 5 người khác) vừa ra đi vào ngày 10/10/2019. Ông đã đăng ký hiến tặng mô/tạng vào năm 2018.

Thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, Trung tâm vừa phối hợp với Ngân hàng Mắt tiếp nhận đôi giác mạc của ông Lê Xuân Cựu (74 tuổi, phường Trung Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình).

Gia đình cho biết, vào năm 2018, ông Cựu đã đăng ký hiện tặng mô/tạng sau khi mất để có thể cứu người. Gần đây, khi thấy sức khỏe đã yếu, ông đã dặn dò lại con cháu về nguyện vọng của mình. Ông muốn hiến tất cả những bộ phận trên cơ thể còn có thể sử dụng được để cứu người.

Ngày 10/10, sau khi ông Lê Xuân Cựu qua đời, thực hiện di nguyện của ông Cựu, gia đình đã thông báo đến Hội Chữ thập Đỏ các cấp và Bệnh viện Mắt Trung ương để thực hiện việc tiếp nhận đôi giác mạc hiến tặng.

Một gia đình có con trai hiến tạng, cha hiến giác mạc

Ông Cựu cùng vợ, con dâu và hai cháu tại lễ tôn vinh Thiếu tá Lê Hải Ninh hiến tạng năm 2018

Tại buổi hiến tặng, đại diện Hội Chữ thập Đỏ các cấp tỉnh Ninh Bình, các bác sĩ của Ngân hàng Mắt - Bệnh viện Mắt Trung ương cùng những người có mặt đã dành một phút mặc niệm người quá cố và tiến hành thủ thuật tiếp nhận đôi giác mạc.

Đại diện Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Ninh Bình ghi nhận tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của bản thân người hiến và gia đình; đồng thời mong rằng sẽ có thêm nhiều người nữa hiến tặng mô, tạng của mình sau khi qua đời, cứu giúp những người không may mắn bị bệnh, mù lòa được cứu chữa khỏi bệnh, có cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trước đó, con của ông Lê Xuân Cựu, Thiếu tá Lê Hải Ninh là người đầu tiên của tỉnh Ninh Bình hiến mô, tạng sau khi bị tai nạn chết não, nối dài sự sống cho 5 người khác. Trong gia đình, ngoài Thiếu tá Lê Hải Ninh, ông Cựu hiện còn có vợ và 2 người con gái của ông cũng đã đăng ký hiến tặng mô, tạng cho y học sau khi qua đời. 

"Người hiến bây giờ vẫn ít quá mà người cần thì lại nhiều. Mình chết đi rồi, thân thể có chôn hay thiêu cũng phí. Tôi nghĩ làm được điều gì tốt thì cứ làm thôi", bà Bùi Thị Na, vợ ông Cựu chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một gia đình có con trai hiến tạng, cha hiến giác mạc