Gần 45% nam giới Việt uống rượu bia ở mức nguy hại

Thảo Nguyên| 08/11/2018 17:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia” do Bộ Y tế tổ chức ngày 8/11 tại Hà Nội.

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 đã được lãnh đạo của 154 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) thông qua trong Kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2015 tại NewYork, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) với 169 chỉ tiêu, xoay quanh khía cạnh giúp phát triển con người bền vững, đó là xã hội, môi trường và kinh tế.

Trong đó, Việt Nam đã cam kết mục tiêu phát triển bền vững giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030. Mục tiêu phát triển bền vững tiếp theo giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030.

Gần 45% nam giới Việt uống rượu bia ở mức nguy hại

Các chuyên gia giải đáp thắc mắc tại hội thảo

Trong khi hiện nay, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016. Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên).

Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.

Trong vòng 3 tháng qua kể từ khi Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được lấy ý kiến rộng rãi, đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị, góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế (như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, Liên minh chính sách đồ uống có cồn toàn cầu...) gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ. Các tổ chức khuyến nghị kêu gọi chính phủ thực thi các chính sách phòng, chống tác hại rượu bia hiệu quả, tốt nhất được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. 

Bên cạnh đó là các góp ý cụ thể về tên Luật, theo đó đề nghị giữ tên Luật như đề xuất của Chính phủ: “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”.

Do đó, Bộ Y tế cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là một công cụ pháp lý mạnh mẽ nhất để thực hiện các cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững.

"WHO đã chứng minh không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia. Hơn nữa, mục tiêu của Luật là điều chỉnh, phòng ngừa mặt tác hại do sử dụng rượu bia, vì vậy quy định các biện pháp phòng, chống tác hại liên quan đến giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Việc thay đổi sang các tên khác như Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia làm chệch mục tiêu và đối tượng tiếp cận, phá vỡ kết cấu khoa học của các chiến lược cần có trong nội dung dự thảo luật”, ông Quang nói.

Bên cạnh đó, ngoài những quy định hiện nay được đề cập trong dự thảo cần được bổ sung hoặc điều chỉnh theo hướng cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ, quy định hạn chế tính có sẵn của mặt hàng rượu bia và sự tiếp cận với đối tượng dưới 18 tuổi.

Các tổ chức cũng kiến nghị cần có nguồn kinh phí bền vững để thực thi luật, đưa luật vào cuộc sống và tổ chức nguồn kinh phí theo hình thức tạo quỹ nâng cao sức khỏe bằng trích phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu bia, thực hiện quản lý theo đúng nguyên tắc khoa học lập và phát triển quỹ cho triển khai phòng, chống tác hại rượu bia trong nội dung của phòng, chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 45% nam giới Việt uống rượu bia ở mức nguy hại