Gần 8 triệu người Việt mắc bệnh viêm gan B, C

Thảo Nguyên| 21/07/2017 18:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là con số được đưa ra tại Hội thảo "Phổ biến kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do viêm gan virus B, C và phân tích hiệu quả đầu tư" do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tổ chức tại Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, tình trạng viêm gan virus B và C là vấn đề y tế công cộng. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B là khoảng 6%, có vùng lên đến 20%. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ mắc viêm gan B cao hơn, do điều kiện chăm sóc y tế chưa thuận lợi. Viêm gan C có tỷ lệ mắc trong cộng đồng từ 0,4% đến 4%.

Nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là nhóm tiêm chích ma túy và nhóm quan hệ tình dục đồng giới, vì vậy, gánh nặng bệnh tật của virus viêm gan B và C tại nước ta rất lớn khi mỗi năm có hàng ngàn người tử vong do 2 bệnh này.

Gần 8 triệu người Việt mắc bệnh viêm gan B, C

Tiêm đủ số mũi vắc xin ngừa viêm gan B, trong đó có mũi 24 giờ sau sinh là biện pháp hiệu quả phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Nhiệt đới TW cho biết: "Bình quân mỗi tháng, khoa viêm gan của BV phải tiếp nhận từ 200 - 250 bệnh nhân nằm điều trị, khoa cấp cứu khoảng 20 - 25 bệnh nhân là các trường hợp mức độ nặng phải can thiệp hồi sức tích cực như: Suy gan cấp, tối cấp, xơ gan… Khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng hơn 7.000 người/năm đối với bệnh nhân viêm gan B mãn tính, điều trị dự phòng.

Theo ông Kính, bệnh viêm gan virus B và C có thể dự phòng và điều trị được. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan virus B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ, trong đó có liều trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế; thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy.

Theo tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu đạt 83%, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh (trong vòng 24 giờ đầu) mới chỉ đạt 39%.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh vẫn còn thấp (năm 2016 chỉ đạt 68%), không đồng đều ở các địa phương, có tỉnh chỉ đạt dưới 20%. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong quá trình triển khai tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh, có nhiều trường hợp phải chống chỉ định, hoãn tiêm… Thậm chí nhiều bà mẹ trì hoãn, từ chối tiêm vắc xin do sợ phản ứng. Bên cạnh đó cũng có một số bệnh viện chưa nỗ lực triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 8 triệu người Việt mắc bệnh viêm gan B, C