Dấu hiệu nhận biết người nghiện Tem giấy và cách phòng, tránh

Trọng Bằng| 23/09/2016 07:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã có bài phản ánh về sự xâm nhập và mức độ nguy hiểm của ma túy "tem giấy" đối với giới trẻ Việt Nam đang khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Vậy làm cách nào để sớm nhận biết và giúp người thân tránh xa hiểm họa này?

Dấu hiệu nhận biết người nghiện Tem giấy và cách phòng, tránh

Tem giấy có thể bán ngay tại cổng trường học và được sử dụng dễ dàng hơn bất kỳ loại ma túy nào

Dấu hiệu nhận biết người nghiện "tem giấy"

Trước hết để sớm nhận biết con em hoặc người thân mình có nghiện "tem giấy" hay không các bác sỹ lưu ý, phụ huynh cần quan sát các dấu hiệu dưới đây:

Giãn đồng tử

Sử dụng LSD có thể khiến đồng tử của mắt giãn rộng ra, đặc biệt khi ở ngoài ánh sáng. Vì LSD có thể khiến người dùng nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Không làm chủ ngôn ngữ

Nói líu lưỡi có thể là dấu hiệu cảnh báo con bạn nghiện LSD. Lạm dụng LSD có thể khiến người dùng nói những câu, từ ngữ vô nghĩa. Họ nói lan man, không diễn đạt những câu mạch lạc, dễ hiểu.

Mất phương hướng

Dấu hiệu nhận biết người nghiện Tem giấy và cách phòng, tránh

Người sử dụng "tem giấy" luôn có cảm giác mình ở một thế giới khác

Người sử dụng LSD có thể không biết về nơi họ đang ở. Họ sẽ cảm thấy bối rối và khó xác định được phương hướng, nơi cần đến.

Đổ mồ hôi

Trong một số trường hợp, những thay đổi của cơ thể khi sử dụng LSD có thể dẫn đến quá trình trao đổi chất cao, khiến người dùng bị đổ mồ hôi.

Thay đổi tính tình

LSD khiến người dùng cảm nhận được nhiều cảm xúc khác nhau cùng một lúc hoặc nhanh chóng. Điều này dẫn đến thay đổi tâm trạng khá rõ rệt.

Hành vi thất thường

LSD gây ra ảo giác cho người dùng khiến họ làm những điều không thể đoán trước hoặc nguy hiểm. Ngoài ra, họ không thể nhận thức được đầy đủ về hành vi của mình và hậu quả của chúng.

Lo lắng

Một số người sử dụng LSD có dấu hiệu gia tăng sự lo lắng, phản ứng hoảng loạn hoặc sợ hãi. Chứng hoang tưởng cũng là dấu hiệu của người nghiện LSD.

Để ý đến đồ dùng của con

Ngoài tem giấy, LSD còn có dạng gelatin hoặc dạng đường. Nếu bạn thấy xung quanh phòng ngủ, bàn học... của con có nhiều túi gelatin hoặc khối đường nhỏ, đó có thể là dấu hiệu con bạn đã nghiện LSD.

Giúp con tránh xa tem giấy

Phòng tránh vẫn là biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất mà chuyên gia tâm lý và các bác sỹ khuyên các bậc cha mẹ nên làm để bảo vệ con em mình. Để giúp cha mẹ có những kiến thức để có thể trở thành điểm tựa vững chắc, định hướng cho con em mình, các bác sỹ đưa ra 5 lời khuyên dưới đây:

Thứ nhất, Giúp con đối diện với thực trạng. Không né tránh, ngược lại chủ động nói với con về loại ma túy "tem giấy" để con có thể nhận diện rõ hơn về loại ma túy nguy hiểm này. BS CK II Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 (Bệnh viện Tâm thần TPHCM) cho rằng, trước khi nhà trường chưa có tiết dạy nào cho học sinh về vấn đề này thì bố mẹ cần giáo dục con nhận biết để tránh xa những cuộc chơi mang tính nghiện ngập. Bởi theo BS Hiển thì hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn. Đồng thời phải quan tâm tới con trẻ thật kỹ. Nhận biết những thay đổi tâm sinh lý, biểu hiện của con để sớm phát hiện và can thiệp. Khi thấy con có triệu chứng bất thường như mất ngủ hoặc ngủ bất thường (ngủ ngày, đêm thức), hốt hoảng, sợ sệt, hành vi kỳ dị thì nên đưa con đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Dấu hiệu nhận biết người nghiện Tem giấy và cách phòng, tránh

Luôn trong thế giới ảo

Cha mẹ cần thẳng thắn ngồi trò chuyện cùng con và tìm những trường hợp đã từng sử dụng chất ma túy tổng hợp này. Bên cạnh đó, nếu có thể kết hợp cùng cô giáo chủ nhiệm, dành cho các con một tiết học để trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, giúp các con nhận thức được rõ hơn về những mối nguy hại khủng khiếp đối với sức khỏe và tinh thần của chúng khi sử dụng "bùa lưỡi".

Thứ 2, Các phụ huynh cần vững vàng và bản lĩnh, lo lắng cho con nhưng cũng không nên quá căng thẳng. Trước bất cứ điều gì không mong muốn nào xảy ra với các con, điều cần nhất ở các bậc phụ huynh phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để đưa ra cách xử trí giúp con hiệu quả nhất.

Thứ 3, Hầu hết phụ huynh đều bận rộn với công việc hằng ngày, tuy nhiên không vì thế mà buông lỏng, thiếu quan tâm đến khoảng thời gian các con ở trường. Cần phải biết xử lý linh hoạt giữa môi trường xã hội-nhà trường và gia đình qua những việc làm cụ thể như quản lý được thời gian của con và có sự liên lạc thường xuyên với cô giáo, nhà trường. Phân tích và giúp con nhận thức rõ với vấn đề nói không với các đồ chơi và thực phẩm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe đang được bày bán rất nhiều xung quanh các trường học. Nói không khi bị bạn bè rủ rê dùng thử những thứ mới lạ đem lại cảm giác mạnh, tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường như như ma túy. Không bỏ qua những chuyện nhỏ như đưa tiền tiêu vặt cho con một cách tùy tiện, quá hào phóng không cần thiết. Hãy cùng con thảo luận để đưa ra một phương án tốt nhất nhằm giảm áp lực và sự tự ái trước bạn bè. 

Thứ 4, gây dựng lòng tin với con bằng sự thấu hiểu và chia sẻ bình đẳng. Cần thường xuyên quan tâm để hiểu được tâm tư tình cảm của con. Kiên nhẫn, lắng nghe để con có thể tin tưởng coi cha mẹ là những người bạn lớn, có thể mở lòng tâm sự và tin cậy khi cần sự giúp đỡ. Từ đó, kịp thời uốn nắn, động viên giúp con bước qua những cám dỗ, hay những suy nghĩ lệch lạc để vững vàng trước cuộc sống.

Thứ 5, Điều hết sức quan trọng không thể bỏ qua, bố mẹ cần làm gương cho con trong câu nói, việc làm và đặc biệt là những hành động cụ thể nhằm tạo ra môi trường nói không với các chất gây nghiện, thậm chí cả rượu, bia và thuốc lá. Điều này giúp trẻ thực sự hiểu được sự nguy hiểm của chất gây nghiện không chỉ ảnh hưởng tới thanh thiếu niên, mà cả người trưởng thành. Hãy luôn ghi nhớ rằng một hành động đáng giá hơn cả ngàn lời nói, bởi chúng là những ví dụ thực tế vô cùng sâu sắc, giúp con bạn trở nên kiên định và bản lĩnh hơn trước những cám dỗ của ma túy.

Ngoài ra, để đối phó với hiểm họa ma túy tem giấy hiện nay, một số ý kiến cho rằng nhà trường nên đưa vấn đề ma túy thành bài học cho học sinh, vừa có tác dụng giáo dục kỹ năng sống, vừa là nhắc nhở các em đề phòng và biết cách tự bảo vệ mình. Có thể biến nó thành một tiết học, quay video về một người từ lúc mới sử dụng đến lúc kết thúc. Trẻ ở độ tuổi 13 – 16, lứa tuổi dậy thì được coi là lứa tuổi “nguy cơ” nên bài học nên dành cho lứa tuổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu nhận biết người nghiện Tem giấy và cách phòng, tránh