Chuyện nghề của bác sĩ sản khoa 2 lần phơi nhiễm “H”

Hữu Lan| 23/02/2017 07:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi sản phụ 26 tuổi "nằng nặc" đòi “anh cứ để em chết đi” vì thân mang “H” và quá bất lực trước giông tố cuộc đời thì ThS.BS Lưu Quốc Khải vẫn kiên quyết cứu sống sản phụ...

Hai lần phơi nhiễm HIV

Khi chúng tôi đến, ThS.BS Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vừa mổ thành công cho một sản phụ sinh khó. Mặc dù đã hai lần bị phơi nhiễm HIV nhưng trong cuộc trò chuyện của mình ông lại không khỏi xót xa khi đề cập đến ánh mắt ẩn chứa nỗi buồn khôn tả của những sản phụ bị HIV.

“Họ là những người phụ nữ ở nông thôn ra thành thị vì cuộc sống xô đẩy mà làm nghề gái bán hoa. Đó là những ánh mắt tự ti đầy bất lực, mặc cảm, sợ bị mọi người xa lánh nhưng sâu thẳm trong họ là nỗi khát khao được làm mẹ mặc dù mình đang có H” - ThS.BS Lưu Quốc Khải cho hay. 

Chuyện nghề của bác sĩ sản khoa 2 lần phơi nhiễm “H”

ThS.BS Lưu Quốc Khải, trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - Ảnh: Hữu Lan 

Trong một ca cấp cứu đặc biệt, BS Khải và 18 y bác sĩ đã bị phơi nhiễm HIV sau khi nỗ lực giành sự sống cho bệnh nhân mất máu nhiều, ngừng tuần hoàn. Ông kể, khi các bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật thì có kết quả xét nghiệm máu người bệnh bị nhiễm HIV nhưng họ vẫn tiến hành cấp cứu vì chỉ cần chậm trễ 1-2 phút là tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa. Nguyên nhân do họ không trang bị phòng hộ nhưng may mắn là các bác sĩ đã kịp thời uống thuốc kháng virus HIV dự phòng và được kết luận âm tính với việc phơi nhiễm H. 

Thế nhưng cũng có trường hợp sản phụ “nằng nặc” đòi bác sĩ cứ để cho mình được chết khi đang tiến hành chuẩn bị mổ cấp cứu. Đó là câu chuyện về một cô gái khoảng 26 tuổi làm gái bán hoa. Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ.

Nói về "giải pháp" lúc này, bác sĩ Khải chia sẻ: “Có lẽ, do quá bất lực trước cuộc đời nên sản phụ trẻ đã gào lên rằng “Anh ơi, anh đừng mổ để em chết đi”. Tuy nhiên, tôi nói rằng nhiệm vụ của anh là phải cứu sống em. Sau này em điều trị bệnh theo phác đồ thì sức khỏe sẽ được cải thiện và em có thể lấy chồng và sinh con. Sau đó, bệnh nhân đã đồng ý mổ”. Điều này cũng có nghĩa, bác sĩ Khải và đồng nghiệp của mình đã cứu sản phụ trẻ khỏi cửa sinh tử thậm chí là cứu rỗi một tâm hồn đau thương không còn muốn tồn tại trên cõi đời.

Mặc dù rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan, giang mai… nhưng ThS.BS Lưu Quốc Khải chia sẻ: “Công việc mang tính chất rủi ro cao không có nghĩa là mình ngồi đó mà sợ. Bên cạnh việc tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, người bác sĩ sản khoa phải tuyệt đối tôn trọng sản phụ, không được có suy nghĩ bỏ rơi hay miệt thị họ”. 

Vui với niềm vui chung

Được biết đến là “bà đỡ” mát tay cho hàng trăm trẻ nhưng mỗi lần cắt rốn cho các cháu và thông báo người nhà đang nín lặng đợi chờ rằng “Em bé sinh rồi nhé”, “Con trai/con gái sinh khỏe mạnh nhé !” thì niềm hạnh phúc trong ông lại như được vỡ òa không gì có thể đong đếm được.

Vừa qua một ca mổ đẻ cho một sản phụ mới ngoài 30 tuổi sinh con thứ 3 mà 2 lần trước đó các con của chị đều bị mất sau ít ngày do bệnh rối loạn chuyển hóa, BS Khải như trút được gánh nặng, dốc lời gan ruột, ông tâm sự: “Mình chỉ biết cầu xin cho cháu bé không bị bệnh như hai anh chị trước, lòng cứ trăn trở không biết cháu có qua được không và hi vọng sau này sự tiến bộ của y học có thể cứu sống được các cháu, mặc dù đó không phải là điều trong ngày một ngày hai”.

Với Trưởng khoa Đẻ A2, việc em bé được sinh ra trong gia đình nào không quan trọng bất kể giàu - nghèo hay mẹ mang 'H'. Đổi lại, người bác sĩ phải tôn trọng tất cả quyền lợi của các sản phụ và bé. Thậm chí, trong quá trình khi mổ đẻ nếu sản phụ cần truyền máu gấp thì ông cũng sẵn sàng cho máu ngay. Có lẽ, vì tình yêu trẻ trong ông quá lớn nên gần đây khi nghe các câu chuyện về các em nhỏ sinh ra trong gia đình kém may mắn, bị bạo hành ông xót xa như đứt từng khúc ruột.

Chuyện nghề của bác sĩ sản khoa 2 lần phơi nhiễm “H”

BS Lưu Quốc Khải kiểm tra sức khỏe cho một sản phụ 

Nói về nghề, BS Khải cho hay người làm nghề y quan trọng nhất là chữ tâm phải sáng. Chữ tâm ở đây là bác sĩ phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, cuộc sống thì người bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh. Theo BS Khải, đôi lúc chỉ cần một câu nói đùa thiếu văn minh cũng có thể khiến người bệnh hiểu sai, nên người bác sĩ cần có lời nói, tư duy đúng mực và hành động minh bạch, rõ ràng.

Vì nể và yêu quý chuyên môn cũng như cái tâm của “bà đỡ” Lưu Quốc Khải nên nhiều sản phụ đã lấy tên ông đặt tên cho con mình. Thậm chí, nhiều người còn xin nhận ông làm bố nuôi của con họ. Mặc dù rất vui nhưng ông không dám nhận lời bởi điều ông sợ nhất là thất hứa. “Đôi khi đó chỉ là lời hứa bố nuôi đến chơi – điều mà những đứa trẻ ngóng mong nhất đặc biệt là những trẻ ở miền sơn cước. Trong khi đó bản thân còn nhiều việc phải làm, việc thất hứa sẽ khiến tâm hồn trẻ thơ bị hụt hẫng” – BS Khải chia sẻ.

Trăn trở vì… “thầy dặn đẻ đúng giờ”

“Đối với người bác sĩ sản khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị mệt. Bởi thế, người thầy thuốc cần có bản lĩnh, tay nghề điêu luyện và lương tâm nghề nghiệp” – Trưởng khoa Đẻ A2, ThS.BS Lưu Quốc Khải chia sẻ.

Theo BS Khải, lúc này tâm và trí của người thầy thuốc phải tỉnh táo và cân nhắc cẩn trọng. Không phải trong bất cứ trường hợp nào bác sĩ cũng tư vấn người nhà sản phụ phải sinh mổ. Người bác sĩ phải đặt mình vào vị trí người nhà sản phụ để biết được họ gửi gắm niềm tin vào mình nhiều như thế nào.

“Nhất là với những sản phụ từng mổ đi mổ lại nhiều lần như mổ đẻ, mổ nội soi, mổ do tai nạn thì đường vào mổ đẻ khó và nguy cơ tai biến cho mẹ rất cao. Do đó, không chỉ một mà cả 3 đối tượng đều chứa yếu tố rủi ro từ sản phụ, cháu bé đến thầy thuốc”- ông chia sẻ.

Trước câu chuyện nhiều trẻ sơ sinh bị tử vong, nhiễm trùng uốn ván hoặc rơi vào tình trạng nguy kịch do “bà mụ vườn”, người thân cắt dây rốn bằng dao lam khi sinh ở nhà, trưởng khoa Đẻ A2, ThS.BS Lưu Quốc Khải cho rằng nên xóa bỏ điều này vì yếu tố rủi ro cao cho cả mẹ và bé như mẹ mất máu, suy thai, trẻ bị ngạt...  

“Bên cạnh việc chú trọng, nâng cao trình độ cho những người hộ sinh ở tuyến cơ sở thì cần phải tuyên truyền người dân xóa bỏ cách đỡ đẻ tại nhà, vào rừng đẻ, hay dùng dao lam, lưỡi liềm, cật nứa để cắt rốn trẻ. Nhất là những phong tục, tập quán ỷ vào thầy mo, thầy cúng”, BS Khải nói

Ngoài ra, việc sản phụ có nguyện vọng mổ đẻ theo giờ vì… thầy đã dặn giờ tốt trong nhiều trường hợp có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và bé, BS Khải cho biết và lưu ý "Không phải trong trường hợp nào sản phụ cũng có thể sinh mổ và nếu sản phụ nhất quyết 2 tiếng sau mới mổ đẻ theo lời thầy trong khi đang có dấu hiệu suy thai rất nguy hiểm vì nguy cơ trẻ bị ngạt tăng. Lúc này, các bác sĩ phải giải thích, tìm cách thuyết phục sản phụ, người nhà bởi trong bất cứ tình huống nào thì “mẹ tròn con vuông” mới là điều quan trọng nhất".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện nghề của bác sĩ sản khoa 2 lần phơi nhiễm “H”