Bộ trưởng Y tế: Không để người nghèo ở lại phía sau trong chăm sóc y tế

Thảo Nguyên| 14/11/2018 22:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở, diễn ra ngày 14/11 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai trực tuyến tới hơn 700 đầu cầu trên cả nước, bao gồm tất cả các trạm y tế xã để thông tin về những thành quả bước đầu triển khai mô hình trạm y tế xã điểm tại 26 trạm.

Tỷ lệ vượt tuyến không cần thiết vẫn cao

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế. Mạng lưới y tế cơ sở cả nước phát triển rộng khắp với 11.161 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 684 bệnh viện huyện, 296 phòng khám đa khoa khu vực; 91,8% thôn, bản có nhân viên y tế.

Hệ thống y tế cơ sở đã thực hiện công tác dự phòng, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Công tác quản lý bệnh mãn tính, không lây nhiễm bước đầu có kết quả với 13,6% người bệnh tăng huyết áp, 28,9% người bệnh đái tháo đường. Bộ đã ban hành mẫu hồ sơ sức khỏe người dân để quản lý tại trạm. Về công tác khám chữa bệnh, gần 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện, xã. 50% số lượt khám chữa bệnh tại tuyến huyện, 20% tại tuyến xã.

Bộ trưởng Y tế: Không để người nghèo ở lại phía sau trong chăm sóc y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, người dân chưa tin tưởng trạm y tế tuyến xã nên vượt tuyến; chưa quan tâm đến dự phòng, có bệnh mới chữa. Trạm y tế chưa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc ít. Nhân lực thiếu và yếu. Cơ chế tài chính chưa phù hợp. Đầu tư thấp, chưa tương xứng.

"Chúng tôi thị sát tại bệnh viện Bạch Mai, hỏi bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 cũng xếp hàng đổ dồn lên trung ương khám, trong khi tuyến dưới hoàn toàn có thể quản lý, cấp phát thuốc cho bệnh nhân được... Có bệnh nhân đái tháo đường lại nói ở tuyến dưới không có thuốc này. Tại sao không đưa thuốc bảo hiểm này được xuống tuyến dưới. Đây là một bất cập giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trên thực tế, có ít nhất 30-40% bệnh nhân điều trị tại tuyến Trung ương có thể điều trị tại tỉnh, 30-40% tuyến tỉnh có thể điều trị tại huyện, 30-40% tuyến huyện có thể được chăm sóc tại xã. Có bệnh viện tuyến Trung ương khám tới 5000-6000 người/ngày trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2-3 người/ngày.

Chính vì thế Bộ trưởng cho rằng, điều cần thiết là cần phải tăng cường năng lực cho y tế cơ sở; bởi y tế cơ sở là nền tảng, “người gác cổng” của hệ thống y tế, trực tiếp và gần người dân nhất để chăm sóc sức khỏe ban đầu.

“Khi bị bệnh, chúng ta đã có hệ thống khám chữa bệnh, BHYT và cơ sở vật chất khá hiện đại, đồng bộ từ tuyến huyện. Còn về chăm sóc sức khỏe lúc chưa bị bệnh, chúng ta đang có hệ thống y tế cơ sở rất phát triển. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh, quan tâm hơn nữa việc chăm sóc người dân để phòng ngừa bệnh tật. Trọng tâm là quan tâm bao phủ sức khỏe toàn dân, làm sao để mọi người dân sống khỏe mạnh, chất lượng cuộc sống tốt, trí lực tốt và tuổi thọ cao. Chăm sóc các vấn đề từ chiều cao, cân nặng đến các bệnh mạn tính, tiểu đường… Không để người nghèo ở lại phía sau trong chăm sóc y tế”, Bộ trưởng nói.

Nhân rộng mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình

Theo Bộ trưởng, những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong thời gian qua không chỉ là để hiện thực hóa Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới, mà còn là yêu cầu cấp thiết của xã hội.

Quyết liệt thực hiện mục tiêu trên, ngành Y tế đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để bảo đảm các chỉ tiêu đã giao. Năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại 26 trạm y tế thuộc 8 tỉnh, .

Bên cạnh đó, Việt Nam là một điểm đến của nhiều nước đang phát triển trên thế giới khi được đánh giá sở hữu một hệ thống y tế địa phương bài bản. Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và giờ khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.

Bộ trưởng Y tế: Không để người nghèo ở lại phía sau trong chăm sóc y tế

Nhiều trạm y tế đã thu hút được người dân tin tưởng đến khám bệnh. Ảnh minh hoạ

“Chúng tôi mong muốn 10 năm nữa Việt Nam có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, phủ khắp. Để làm được điều này, ngành y tế phải quyết liệt nhân rộng nhanh mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình”, Bộ trưởng bày tỏ.

Hiện nay, các văn bản, thông tư hướng dẫn về xây dựng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đã được ban hành đầy đủ. Cái khó khăn nhất về chính sách BHYT cho trạm y tế cũng đã được tháo gỡ. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu cần hoàn thiện trung tâm y tế tuyến huyện đa chức năng, không xóa trạm y tế xã, lồng ghép hoạt động của phòng khám đa khoa khu vực với trạm y tế. Đào tạo trực tuyến cho 100% trạm y tế xã, bước đầu đào tạo 5 ngày về bệnh không lây nhiễm. Bên cạnh đó, đào tạo bác sĩ, viên chức y tế thực hành theo nguyên lý y học gia đình. Bộ Y tế cử cán bộ bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối về giúp trạm y tế xã và bệnh viện huyện để khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.

Bộ Y tế đặt lộ trình, năm 2018 hoàn thành mô hình 26 tram y tế xã điểm. Các tỉnh, TP phải triển khai rộng khắp tại các trạm y tế xã còn lại; không chờ kết quả các trạm y tế làm điểm. Mỗi tỉnh phải chọn 1, 2 huyện và một số trạm y tế xã để chỉ đạo điểm, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm trong triển khai. Năm 2019 mỗi tỉnh triển khai ít nhất 15% số trạm y tế. Giai đoạn 2019-2020 triển khai ít nhất 30% số trạm y tế. Các tỉnh xây dựng lộ trình, phấn đấu hoàn thành trong 5 năm, từ 2019 - 2023.

Tại hội nghị, tham luận của Sở Y tế một số tỉnh, TP cũng đã chia sẻ cơ chế triển khai thực hiện và kinh nghiệm huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở; kinh nghiệm triển khai xây dựng Đề án và cách thức triển khai thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến y tế cơ sở; việc lập hồ sơ khám sức khỏe cho người dân… 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế: Không để người nghèo ở lại phía sau trong chăm sóc y tế