Bệnh bạch hầu “trở lại” Kon Tum sau 11 năm vắng bóng

Huy Hoàng| 20/11/2018 19:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 11 năm không không ghi nhận ca bệnh, từ tháng 10/2018 bệnh bạch hầu bùng phát mạnh trở lại tại tỉnh Kon Tum, với 2 trường hợp tử vong.

Ngày 20/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, cách đây 6 ngày Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận 4 bệnh nhân, gồm Y.H., Nguyễn Thị B., A.S. và Y.N. đều là học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Đăk Tô trong tình trạng có biểu hiện đau họng, ho khan, sốt nhẹ, họng có giả mạc.

Kết quả xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xác định, cả 4 em đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. 

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu, ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng xử lý môi trường để dập dịch, tiêm vắc xin, cấp thuốc phòng bệnh bạch hầu cho trên 300 học sinh của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng áp dụng các biện pháp cách ly, theo dõi ngăn ngừa bệnh cho học sinh.

Bệnh bạch hầu “trở lại” Kon Tum sau 11 năm vắng bóng

Bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại Kon Tum, đã có 2 trường hợp tử vong. Ảnh minh hoạ: Dương Ngọc/TTXVN

BS Ngô Đây - Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết thêm, bệnh bạch hầu đang bùng phát mạnh trở lại tại tỉnh Kon Tum sau một thời gian dài không có ca bệnh mới và với 2 trường hợp tử vong.

Hiện Khoa đang điều trị cho 10 bệnh nhân, trong đó 7 bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Tuy nhiên, do chưa có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu nên số ca mắc bệnh ngày một tăng.

Theo các bác sĩ, bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm có khả năng gây tử vong chủ yếu ảnh hưởng mũi, cổ họng, đôi khi ở da và có thể gây tử vong. Các vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch hầu.

Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng dẫn tới chán ăn. Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi. Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.

Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen. 

Hai thể thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là bạch hầu họng và thanh quản, khi màng giả lan rộng có thể gây tắc nghẽn đường thở. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể tác động lên các cơ quan chính của cơ thể gây viêm tim, viêm thận, liệt tay, chân, mắt lé, thay đổi giọng nói do bị ngọng thanh quản. Nếu độc tố mạnh, hấp thu lượng lớn có thể gây ra những biểu hiện nhiễm độc như phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê và có thể tử vong trong 6-10 ngày nếu không được điều trị kịp thời. 

Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi mắc bệnh, người bệnh bạch hầu ho, hắt hơi sẽ làm bắn ra những giọt nhỏ mang vi khuẩn. Nếu một người chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu hít phải những giọt này thì có thể lây bệnh. Một số rất hiếm các trường hợp có thể lây truyền trực tiếp qua tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh bạch hầu “trở lại” Kon Tum sau 11 năm vắng bóng