Xe “điên” gây tai nạn không phải do khâu đào tạo lái xe

Huy Hùng| 14/03/2016 08:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, chương trình đào tạo lái xe hiện nay mới được điều chỉnh phù hợp và đạt chuẩn. Do đó không thể nói rằng lái xe “điên” gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng là từ những “lỗ hổng” của khâu đào tạo lái xe.

Lái xe không có bằng lái ngày càng nhiều

Không chỉ có hai vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng ở phố Ái Mộ (quận Long Biên) và đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), mà hàng loạt các vụ tai nạn thương tâm tương tự đã lấy đi sinh mạng của nhiều người.

Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội cho rằng, có tới 99% nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là do đạo đức và ý thức người điều khiển phương tiện.

Nhiều người không am hiểu về Luật giao thông, hoặc hiểu biết quá sơ sài về tính năng các phương tiện giao thông và tay lái non là nguyên nhân gây ra tai nạn. Hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra tại Hà Nội cho thấy, những người điều khiển phương tiện đều ở tình trạng "ba không": không bằng lái, không phải là chủ xe và không cả đạo đức người lái xe.

Xe “điên” gây tai nạn không phải do khâu đào tạo lái xe

Hiện trường xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong tại Long Biên

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng những vụ tai nạn nghiêm trọng đều liên quan trực tiếp với người cầm lái. Người lái xe thường vi phạm các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là uống rượu bia quá nồng độ cho phép từ đó phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tay lái, nhầm giữa chân ga và chân phanh.

Ngoài ra còn một số trường hợp học nghiêm chỉnh, thi cũng rất nghiêm chỉnh nhưng lại không có xe, một thời gian sau thì mới có xe và tự tin mình có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, vì không đi đã lâu nên các thao tác không còn nhuần nhuyễn, khi gặp tình huống đông người dẫn đến mất kiểm soát gây nên tai nạn.

Chương trình đào tạo và sát hạch lái xe đã chuẩn

Khi đem vấn đề lấy bằng lái xe dễ dàng như "ăn cơm hàng ngày" ra trao đổi với cơ quan chức năng, chúng tôi nhận được một sự khẳng định chắc chắn rằng khâu đào tạo lái xe khá chặt chẽ, đầy đủ quy trình và đạt chuẩn.

Ông Thái cho biết, chương trình đào tạo lái xe hiện nay ở nước ta cũng đã đạt tương đương so với thế giới. “Hiện nay giấy phép lái xe cũng đã hội nhập, Việt Nam đã tiến hành cấp bằng lái xe quốc tế và tuân thủ theo các nguyên tắc trong công ước nên tương đối phù hợp. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã tiến hành điều chỉnh các quy định để lái xe học thêm về đạo đức lái xe, luật lái xe, thời lượng thực hành lái xe nhiều hơn”, ông Thái cho biết.

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, chương trình đào tạo lái xe hiện nay mới được điều chỉnh phù hợp, do đó không thể nói rằng lái xe “điên” gây tai nạn là từ những “lỗ hổng” của khâu đào tạo lái xe.

Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cùng với sự phát triển khoa học công nghệ, ô tô nói chung và ô tô con đến 09 chỗ ngồi nói riêng sẽ có nhiều thay đổi về chủng loại cũng như tính năng kỹ thuật, chẳng hạn: ô tô sử dụng hộp số cơ khí (số sàn), số bán tự động, số tự động; sử dụng nhiên liệu khí hoá lỏng, năng lượng điện, năng lượng mặt trời; sử dụng hệ thống lái thông dụng, hệ thống lái bán tự động, tự động. Người lái xe với kiến thức, kỹ năng đã được học ở các cơ sở đào tạo lái xe ô tô như hiện nay, sau khi tìm hiểu tài liệu, catalog, hướng dẫn sử dụng và làm quen thực tế đều dễ dàng lái được các loại xe kể trên.  

Nội dung, chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo quy định tại Thông tư số 46/2012/TT - BGTVT ngày 07/11/2012, của Bộ Giao thông vận tải đã quy định thời gian đào tạo lái xe hạng B1 là 556 giờ (136 giờ học lý thuyết; 420 giờ học thực hành, trong đó có 10 giờ học tập lái trên đường với xe ô tô có hộp số tự động).

Xe “điên” gây tai nạn không phải do khâu đào tạo lái xe

Việc đào tạo, sát hạch lái xe ở Việt Nam khá bài bản, có quy trình tương đương thế giới

Từ 01/01/2016, đã tổ chức đào tạo lái xe hạng B1 số tự động và tăng số giờ học tập lái trên đường với xe ô tô có hộp số tự động từ 10 giờ lên 32 giờ.

Chương trình, giáo trình đào tạo hiện phù hợp với thực tiễn không những trong nước mà cả đối với nước ngoài. Các nước tiên tiến như Cộng hòa Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đều có các đoàn chuyên gia nhiều lần sang tìm hiểu, nghiên cứu tại Việt Nam; Việt Nam cũng đã tham gia ký kết với các nước ASEAN công nhận giấy phép lái xe của nhau. Vì vậy, giấy phép lái xe Việt Nam được các nước công nhận, đổi sang giấy phép lái xe nước ngoài tương ứng.

Trong thời gian trao đổi về giấy phép lái xe với hơn 50 quốc gia trên thế giới, Bộ GTVT chưa nhận được ý kiến phàn nàn về ý thức, kỹ năng điều khiển phương tiện của lái xe Việt Nam điều khiển phương tiện ở nước ngoài; lái xe Việt Nam khi ra nước ngoài đều chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ nước sở tại.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, sẽ tiến hành lắp thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lái xe trong hình hạng A1, A2 và thiết bị tự động sát hạch lái xe trên đường các hạng GPLX ô tô để thực hiện từ ngày 01/7/2016.

Vẫn tồn tại những mặt tiêu cực

Tại nhiều hội thảo về giao thông vận tải, không ít chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng, trong tất cả các loại hình vận tải trên cả nước, vận tải đường bộ được đánh giá là lái xe dễ gây ra tai nạn và ảnh hưởng đến xã hội lớn nhất; song lại được đào tạo ít bài bản nhất, với quy trình ngày càng bị rút ngắn. Điều này dẫn đến tình trạng lái xe thiếu kỹ năng ứng xử khi tham gia giao thông và tham gia vận tải.

Tình trạng "rút ruột" quy trình đào tạo lái xe ôtô là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông. Một số trung tâm dạy lái xe ôtô tuyển sinh ồ ạt, quá tải học viên. Do chạy đua đầu vào nên các trung tâm này đã tiến hành hạ tiền học phí để thu hút học viên, kéo theo đó là họ phải giảm chương trình học, giảm giờ học và thực hành xe trên đường của học viên.

Qua phân tích nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông trên, những nhà quản lý lại một lần nữa cảnh báo về công tác đào tạo, sát hạch lái xe đang bị "rút ruột".

Ý thức của người lái xe phải được nâng cao ngay từ khi còn học tại các cơ sở đào tạo. Họ luôn phải nhận thấy rằng nếu không nắm chắc các quy tắc về an toàn thì khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường rất dễ gây tai nạn. “Không như cày thửa ruộng, cày sót thì cày lại. Còn học lái xe nó khác, sản phẩm không tốt thì sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Học viên cần xác định học cho riêng mình”, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết.

Để hạn chế thấp nhất những tiêu cực trong sát hạch lái xe, Bộ GTVT đã tiến hành áp dụng khoa học công nghệ, gắn camera sát hạch lý thuyết, camera khi thi thực hành và khi đi thi đường trường. Phối hợp với Bộ, ban ngành kiểm tra, giám sát các kỳ sát hạch, các trung tâm sát hạch, đồng thời tiến hành xây dựng các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh. Nếu có tình trạng tiêu cực xảy ra sẽ tiến hành xử lý, trường hợp nghiêm trọng thì tiến hành tạm dừng cấp phép đào tạo, sát hạch lái xe của cơ sở đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe “điên” gây tai nạn không phải do khâu đào tạo lái xe