Xe buýt nhanh BRT: Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Mai Đỉnh| 08/01/2017 07:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng tình trạng lấn làn buýt nhanh BRT vẫn xảy ra, thậm chí đã có va chạm giữa các phương tiện do đi sai làn. Giao thông Hà Nội sẽ khó thay đổi nếu không nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của PV báo Công lý, sáng 7/1, trên dọc tuyến lộ trình tuyến buýt nhanh BRT, nhiều thanh tra giao thông, Cảnh sát được huy động điều phối phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông tránh đi vào phần đường dành riêng cho buýt nhanh. Thế nhưng dù lực lượng chức năng nỗ lực hết sức vẫn không thể ngăn nổi tình trạng xe máy, ôtô ngang nhiên lấn làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Thậm chí có đoạn trước ngã tư đèn xanh đèn đỏ, buýt nhanh bị các phương tiện cá nhân "chặn đầu khóa đuôi".

Bác Hùng (70 tuổi) một cán bộ về hưu cho biết: "Hôm nay là ngày nghỉ, cũng không phải là giờ cao điểm, nhưng ý thức của một số người dân tham gia giao thông rất kém, thỉnh thoảng đến các điểm ngã ba ngã tư, có đèn xanh đèn đỏ thấy phần đường dành cho xe buýt gần như bị chắn hoàn toàn bởi các phương tiện khác, nên có chế tài xử lý phạt thật nặng với trường hợp đó". 

Khi được hỏi về mô hình xe buýt nhanh BRT mà Hà Nội đang triển khai để giảm tải ùn tắc trong nội đô, bác Hùng cho biết thêm: "Hình thức vận tải này khá văn minh lịch sự, đưa lại hình ảnh mới về giao thông cho Thủ đô, bước đầu như thế là được, nên phát triển nhiều hệ thống xe buýt nhanh như thế này trên nhiều tuyến đường nữa".

Việc người dân lấn làn, tạt và chặn đầu xe buýt nhanh xảy ra thường xuyên kể từ lúc xe đi vào vận hành, khiến không ít tài xế bức xúc. Chia sẻ với PV, anh L, một tài xế buýt nhanh cho biết: "Dù lái xe bấm còi như thế nào đi nữa nhưng người tham gia giao thông vẫn vô tư lấn làn, coi như không có chuyện gì xảy ra, không chịu nhường đường. Nhiều lúc làm tôi phải phanh gấp liên tục, hành khách trên xe cũng vì thế mà cũng phản ứng rất dữ dội trước hành động của người tham gia giao thông".

Tuyến buýt nhanh BRT hoạt động với lịch trình khá ổn định, với tần suất từ 5-15 phút/chuyến và 45 phút/lượt. Việc đảm bảo thời gian 45 phút/lượt phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông.

Trao đổi với PV báo Công lý, ông Nguyễn Quang Khải - PGĐ Trung tâm Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội cho hay: "Ban đầu vận hành cũng gặp nhiều khó khăn, vì một vài trường hợp người tham gia giao thông chưa quen với quy định làn đường ưu tiên, nên tình trạng lấn làn xảy ra vẫn còn nhiều. Tuy nhiên đến nay luồng tuyến hoạt động ngày càng được đảm bảo, người dân dần có ý thức hơn với sự nhường đường, Hiện BQL dự án đang phối hợp các lực lượng chức năng đưa ra các giải pháp từ tuyên truyền đến chế tài xử phạt... để giải quyết vấn đề lấn làn buýt nhanh".

Xe buýt nhanh BRT: Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Giao thông Hà Nội sẽ khó có thể thay đổi được, nếu như ý thức của người tham gia giao thông không thay đổi?. Ảnh Mai Đỉnh 

Trước hình ảnh người tham gia giao thông đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh mặc dù đường dành cho các phương tiện giao thông khác rất thoáng, không có tình trạng ùn tắc, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn nhiều ý kiến tỏ ra ngao ngán, mệt mỏi với tình huống này.

Thành viên Anh Tuấn nhận xét: "Đã từ lâu rồi, người tham giao thông ở Hà Nội dù có không việc gì vội vã, khi mà có cơ hội là họ phi lên, không ai chịu nhường ai, bảo sao tắc đường triền miên, thậm chí coi chuyện tắc đường là 'đặc sản' của Thủ đô. Và rồi buýt nhanh cũng thành buýt chậm nếu không khắc phục được tình trạng lấn làn".

Trong khi đó anh Tuấn, một du học sinh chia sẻ: "Ở HongKong đường trung tâm rất nhỏ, như phố cổ Hà Nội, nhưng xe buýt nhanh BRT đi trong phố với tốc độ cực cao, dân cực kỳ có ý thức, nếu có có kẹt xe thì BRT vẫn bon bon chẳng ai dám lấn làn. Thậm chí xe ô tô cá nhân xếp hàng chờ 3 - 4 tiếng là chuyện thường. Còn ở Jakarta (Indonexia), hành khách sử dụng dịch vụ BRT đông đến độ cảm giác đu cả người lên, giờ cao điểm thì siêu kẹt xe nhưng mọi xe tham gia giao thông đều chấp hành rất nghiêm chỉnh, ai lấn làn thì phạt thật nặng".

Xe buýt nhanh BRT: Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Buýt nhanh BRT của Indonexia

Khi được hỏi về việc cần xử lý nghiêm để người tham gia giao thông ý thức về giao thông công cộng, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội cho biết: "Đến thời điểm này, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên địa bàn chưa xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông có hành vi lấn làn, cản trở xe buýt nhanh".

Lý do lực lượng CSGT chưa xử lý các hành vi lấn làn, cản trở xe buýt nhanh là vì người tham gia giao thông chưa quen, nên chưa tiến hành xử lý. Đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có dấu hiệu lấn làn, cản trở xe buýt nhanh, chúng tôi mới tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền với họ là chính, chưa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Theo quy định, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo, phía dưới có vạch sơn kẻ đường. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông. Tuy nhiên khi hai làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ hình ảnh ghi lại để phạt nguội. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt nhanh BRT: Cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông