Hà Nội: Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm có thể đóng cửa từ năm 2020

Mai Đỉnh| 19/07/2017 13:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố, Hà Nội có thể sẽ đóng cửa các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm từ năm 2020, bến xe Nước Ngầm và Mỹ Đình cũng sẽ dừng hoạt động từ năm 2030.

Hà Nội: Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm có thể đóng cửa từ năm 2020

Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã đề nghị các Sở, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây nghiên cứu nội dung, đóng góp ý kiến vào “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, TP Hà Nội vừa hoàn thành việc lấy ý kiến các đơn vị liên quan. Theo quy hoạch, các bến xe Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm và Mỹ Đình được chuyển thành các bãi đỗ xe công cộng và bãi trung chuyển. Trong đó, bến xe Giáp Bát, Gia Lâm sẽ đóng cửa từ năm 2020, hai bến còn lại dừng hoạt động từ năm 2030.

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thành phố sẽ xây dựng mới 6 bến xe khách liên tỉnh gồm: Nội Bài (xã Phú Cường, Sóc Sơn: 10ha), Đông Anh (xã Uy Nỗ, Đông Anh: 5,3 ha); Cổ Bi (xã Cổ Bi, Gia Lâm: 10ha); Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng: 15ha); Phía Tây (Hoài Đức: 5ha); Phía Nam (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì: 11 ha) và duy trì hoạt động bến xe Yên Nghĩa.

Để thực hiện viêc đó, Hà Nội đưa ra nguyên tắc xây dựng bến xe khách liên tỉnh mới nằm trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4), theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc.

Trước đó, năm 2003 Hà Nội đã lập Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng đến 2020. Tuy nhiên, do buông lỏng giám sát nên quỹ đất dành cho giao thông tĩnh theo quy hoạch bị sử dụng vào nhiều mục đích khác, dẫn đến không khả thi thực hiện.

Hiện, bến xe khách tại các vị trí tốt đều quá tải khiến việc tổ chức giao thông, phân luồng vận tải hành khách liên tỉnh gặp nhiều khó khăn, tổ chức đón trả khách ra vào bến chưa hợp lý, kết nối hệ thống giao thông bên ngoài chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng phương tiện (ôtô, xe máy) tăng nhanh, bình quân trên 15%/năm với xe máy và 7-8%/năm đối với ôtô tạo ra áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe).

Dự kiến, quy hoạch sẽ được bổ sung, hoàn thiện và ban hành trong năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm có thể đóng cửa từ năm 2020